Apple đang tiến vào, chờ iPhone sản xuất tại Việt Nam

Samsung đã lắp ráp một nửa số thiết bị di động ở Việt Nam. Giờ đây, Apple đang tiến vào.

Theo New York Times, không có quốc gia nào hơn Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc. Samsung đã lắp ráp một nửa số thiết bị di động ở Việt Nam. Giờ đây, Apple đang tiến vào.

Việt Nam đã là “gã khổng lồ” trong sản xuất giày dép, quần áo và các loại hàng hóa khác. Nike và Adidas hiện chiếm gần một nửa số giày thể thao của họ tại Việt Nam. Khi các nhà máy mọc lên, chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện đường sá, cảng và nhà máy điện. Việt Nam cũng ký thỏa thuận với các nước để giảm thuế, bao gồm cả thỏa thuận đạt được vào tháng trước với Liên minh châu Âu.

Các nhà máy của Việt Nam đã tăng nhanh số lượng các đơn đặt hàng vì thuế quan của Mỹ khiến các công ty nước này phải xem xét lại việc sản xuất tại Trung Quốc. Điện thoại thông minh, máy chơi game và các sản phẩm yêu thích khác của người tiêu dùng có khả năng sẽ nằm trong danh sách thuế quan tiếp theo của Tổng thống Trump. Các nhà sản xuất cảm thấy áp lực phải tìm những nơi lương thấp mới để sản xuất hoặc hoàn thiện sản phẩm của họ.

Samsung đang đứng đầu xuất khẩu công nghệ ở Việt Nam

Samsung đang đứng đầu xuất khẩu công nghệ ở Việt Nam

Các nhà đàm phán của cả phía Mỹ và Trung Quốc họp tại Thượng Hải trong tuần này đang cố gắng tìm cách giải quyết cho cuộc chiến thương mại. Nhưng đối với một số công ty, họ không đặt nhiều niềm tin trong quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, sự hấp dẫn việc làm trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đã bị mờ nhạt đi.

Nhiều công ty công nghệ lớn đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam, nâng cao tham vọng Việt Nam trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị cao cấp khác. Apple đã tìm đến Việt Nam và Ấn Độ khi họ tăng cường tìm kiếm các cách để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.

Theo Panjiva, một công ty nghiên cứu chuỗi cung ứng: “Nintendo đã tăng tốc chuyển đổi sản xuất bảng điều khiển Switch từ Trung Quốc sang Việt Nam.”

Công ty điện tử Đài Loan Foxconn, một nhà lắp ráp iPhone lớn, cho biết vào tháng 1 rằng họ đã mua quyền sử dụng đất ở Việt Nam và đã rót 200 triệu đô la vào một công ty con của Ấn Độ. Các đối tác khác của Đài Loan và Trung Quốc với Apple đã chỉ ra rằng họ cũng đang xem xét tăng cường hoạt động tại Việt Nam.

Những rào cản

Mặc dù nhiều cơ hội, song Việt Nam sẽ không thay thế Trung Quốc như một trung tâm sản xuất chỉ sau một đêm. Giá đất tăng cao, số lượng nhà máy và nhà kho sẵn sàng đưa vào sử dụng còn thiếu, tuyển dụng nhân viên được đào tạo và quản lý là một thách thức.

Công ty Bắc Việt Technology của ông Vũ Hữu Thắng tại Bắc Ninh chuyên sản xuất các bộ phận nhỏ bằng nhựa cho máy in Canon, nhạc cụ Korg, điện thoại di động Samsung và phụ kiện điện thoại. Ông Thắng nói rằng, công ty sẽ khó cạnh tranh với các nhà cung cấp Trung Quốc, khi mà công ty mua 70-100 tấn nguyên liệu nhựa nhập khẩu mỗi tháng, hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc.

Công nghiệp phụ trợ còn khá non trẻ đang là điểm yếu

Ông Thắng nói: “Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc. Khi chúng tôi mua nguyên liệu đã đắt hơn 5, 10% so với Trung Quốc. Thị trường Việt Nam lại quá nhỏ để lôi kéo các nhà sản xuất nhựa đặt nhà máy ở đây”.

Theo ông Frederick R. Burke, giám đốc điều hành tại Thành phố Hồ Chí Minh cho công ty luật Baker McKenzie: “Mặc dù lực lượng lao động của đất nước đang tăng lên một triệu người mỗi năm nhưng tình trạng thiếu lao động vẫn xảy ra.”

Việt Nam cũng không có nhiều các công ty sản xuất các linh kiện, bộ phận và vật liệu chuyên dụng như các nhà sản xuất có thể yêu cầu ở Trung Quốc.

Nguyễn Xuân Hoàng, một trong những người sáng lập công ty VPMS Việt Nam, cho hay, khi Samsung vào Việt Nam, họ đã mua một số linh kiện từ một công ty địa phương. Nhưng sau đó, nhiều đối tác của Samsung Hàn Quốc bắt đầu vào Việt Nam và sau một năm, Samsung và VPMS đã ngừng hợp tác. “Giá cả và chất lượng không phải là vấn đề. Vấn đề là quy mô. Samsung cần nhiều linh kiện hơn VPMS có thể cung cấp”, ông Hoàng nói.

Ông Vũ Tiến Cường, Chủ tịch công ty Fitek, thừa nhận hầu hết các nhà cung cấp Việt Nam có vấn đề về chất lượng và năng suất khiến họ không thể giành được hợp đồng từ các công ty đa quốc gia. Nhưng ông cho rằng vấn đề gốc rễ là thiếu kinh nghiệm, không phải là thiếu tiền hay kiến thức.

Khổng Nhung - Đông Sơn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/iphone-co-the-duoc-san-xuat-tai-viet-nam-554848.html