Apple đang toan tính điều gì?

Táo khuyết tỏ rõ tham vọng gia nhập thị trường tài chính với dịch vụ thanh toán, thẻ tín dụng và mới đây là tính năng mua hàng trả góp Apple Pay Later.

Tại hội nghị cho lập trình viên WWDC 2022, Apple đã giới thiệu tính năng mới có tên Apple Pay Later. Đây là dịch vụ mua hàng trước, trả tiền sau (BNPL) không lãi suất. Tương tự các loại hình mua hàng trả góp khác, người dùng có thể chia hóa đơn thành các khoản bằng nhau để trả trong tối đa 6 tuần, không có lãi suất hoặc phí ban đầu.

Dù tin đồn về dịch vụ trả góp của Apple đã xuất hiện từ nhiều tháng, sự ra đời của Apple Pay Later vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Điều này có thể mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho Táo khuyết, đồng thời "phả hơi nóng" vào những công ty BNPL khác.

Tham vọng tự kiểm soát dịch vụ tài chính

Theo CNBC, Apple đã hợp tác với công ty thanh toán Mastercard để sử dụng nền tảng nhãn trắng (white-label) cho Apple Pay Later. Người dùng cần sở hữu thẻ Mastercard của Goldman Sachs để thanh toán trả góp bằng tính năng mới.

 Người dùng thanh toán bằng Apple Pay có thể chọn chia nhỏ hóa đơn để trả hàng tuần. Ảnh: 9to5Mac.

Người dùng thanh toán bằng Apple Pay có thể chọn chia nhỏ hóa đơn để trả hàng tuần. Ảnh: 9to5Mac.

Táo khuyết sẽ chủ động xử lý yêu cầu vay, kiểm tra tín dụng của khách hàng thay vì dựa vào các dịch vụ bên thứ ba. Một công ty con mới thành lập có tên Apple Financing đã được cấp phép cung cấp dịch vụ cho vay, dự kiến hoạt động tách biệt với bộ phận kinh doanh của Apple.

Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên Apple đảm nhận trách nhiệm tài chính gồm kiểm tra tín dụng và cho vay. Trên dịch vụ thẻ Apple Card hiện nay, Táo khuyết hợp tác với ngân hàng Goldman Sachs. Do không có điều lệ của ngân hàng nên về mặt lý thuyết, Apple Financing không phải ngân hàng.

Khi có người dùng đăng ký thanh toán trả góp, Apple sẽ kiểm tra tín dụng sơ bộ để xét duyệt khoản vay. Hãng sẽ ngừng gia hạn tín dụng nếu người dùng không trả tiền đúng hẹn. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến điểm tín dụng chung.

Hạn mức thanh toán trả góp của Apple là 1.000 USD, nhưng chưa rõ phí nộp tiền trễ là bao nhiêu, CNBC cho biết.

Dù chỉ mới có mặt tại Mỹ, Apple Pay Later cho thấy rõ tham vọng của Apple nhằm xây dựng và chủ động kiểm soát nhiều dịch vụ tài chính thay vì phụ thuộc vào bên thứ ba. Năm 2020, Táo khuyết từng đưa ra cách tiếp cận tương tự khi chuyển sang dùng CPU tự phát triển trên máy tính Mac thay cho Intel.

 Apple Pay Later có thể rơi vào tầm ngắm kiểm soát vì rủi ro khiến người dùng mua sắm quá đà, không có khả năng trả nợ. Ảnh: Forbes.

Apple Pay Later có thể rơi vào tầm ngắm kiểm soát vì rủi ro khiến người dùng mua sắm quá đà, không có khả năng trả nợ. Ảnh: Forbes.

Một số người từng cho rằng Apple sẽ hợp tác với bên thứ ba để cung cấp dịch vụ BNPL, tương tự giải pháp của Amazon khi làm việc với Affirm. Tuy nhiên, việc chủ động kiểm soát dịch vụ có thể giữ chân người dùng trong hệ sinh thái sản phẩm Apple, cho phép công ty thu thập dữ liệu về sở thích mua sắm, chi tiêu của người dùng.

Những tranh cãi phía sau Apple Pay Later

Theo Boss Hunting, cổ phiếu các công ty BNPL đã biến động nhẹ sau khi Apple công bố dịch vụ thanh toán trả góp. Những công ty như Affirm Holdings, PayPal và Block ghi nhận mức giảm từ 1,1% đến 4,8%, trong khi Zip Co giảm 5,2% còn Sezzle giảm 14,4%.

Chỉ mới công bố được ít ngày, tuy nhiên lượng người dùng có thể tiếp cận Apple Pay Later là rất lớn khi tính năng được gắn vào iPhone.

"Bất ngờ tham gia thị trường khiến Apple trở thành công ty cung cấp sản phẩm BNPL được chấp nhận nhiều nhất hiện nay", Vincent Caintic, nhà phân tích của Stephens Inc chia sẻ với Reuters.

Hơn 85% nhà bán lẻ tại Mỹ chấp nhận thanh toán bằng Apple Pay. Do đó, sẽ không ngạc nhiên nếu Apple Pay Later nhanh chóng chiếm ưu thế. Nếu không phải Apple, các công ty bình thường khó lòng làm được điều đó trong bối cảnh thị trường BNPL chịu sức ép từ giá sinh hoạt tăng cao, lãi suất tăng và sự giám sát chặt chẽ từ pháp luật Mỹ.

Theo The Verge, BNPL bị chỉ trích vì rủi ro khiến người dùng thấu chi, không có khả năng trả nợ. Tại Mỹ, nhiều dịch vụ BNPL như Klarna, Affirm và Afterpay đang chịu giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý của chính phủ về rủi ro gây hại cho người dùng.

 Apple sẽ có lợi thế lớn khi hàng triệu người dùng iPhone có thể lập tức tiếp cận dịch vụ thanh toán trả góp. Ảnh: Getty Images.

Apple sẽ có lợi thế lớn khi hàng triệu người dùng iPhone có thể lập tức tiếp cận dịch vụ thanh toán trả góp. Ảnh: Getty Images.

Nhìn bề ngoài, BNPL dường như vô hại, một số dịch vụ thậm chí không có lãi suất, cho phép trả góp với những mặt hàng đắt tiền. Vài công ty còn áp dụng BNPL cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, loại dịch vụ này dễ bị lạm dụng để mua các món hàng không cần thiết.

Theo thống kê của SFGate, 73% khách hàng của các dịch vụ BNPL sinh ra trong khoảng 1997-2012, còn gọi là thế hệ Z. Trong số đó, 43% nộp tiền trễ ít nhất một lần, chủ yếu mua các mặt hàng thời trang.

Khảo sát của DebtHammer còn cho thấy 30% người dùng gặp khó khăn để trả nợ, 32% lựa chọn "khất" tiền thuê nhà, điện nước để ưu tiên các hóa đơn BNPL.

Với những lo ngại trên, Apple Pay Later nhiều khả năng phải chịu giám sát tương tự. Việc tích hợp trực tiếp dịch vụ lên iPhone còn gây rủi ro cạnh tranh không công bằng với đối thủ, tạo ra cuộc chiến chống độc quyền mới.

Trải nghiệm iOS 16 beta: Đổi giao diện iPhone, còn nóng và chưa mượt Sau khi nâng cấp lên iOS 16, Apple cung cấp cho người dùng nhiều tùy chọn để cá nhân hóa màn hình khóa thiết bị theo sở thích, thói quen sử dụng.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/apple-dang-toan-tinh-dieu-gi-post1325039.html