Apple sẽ phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền trên App Store?

Apple có thể phải đối mặt với một vụ kiện vi phạm độc quyền, liên quan đến việc thu về 30% doanh số bán ứng dụng từ các nhà phát triển trên App Store.

Theo thông tin mới nhất từ trang Bloomberg, Tòa án tối cao của Mỹ đang xem xét để cho phép một vụ kiện chống độc quyền, cáo buộc Apple trong việc thu về 30% doanh số bán ứng dụng từ các nhà phát triển ứng dụng trên App Store.

Phía nguyên đơn là người tiêu dùng cho rằng Apple đã vi phạm luật chống độc quyền, gây thiệt hại cho người dùng bởi họ trả tiền hoa hồng cho các nhà phát triển cao hơn thế thông qua giá các ứng dụng mà Apple đưa ra.

Còn Apple lại yêu cầu tòa án tối cao nên bác bỏ vụ kiện này bởi công ty khẳng định chính sách của mình không vi phạm và việc đứng về phía người tiêu dùng như trong chỉ trích của bên nguyên sẽ "đe dọa sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử". Nếu vụ kiện được chấp thuận, Apple có thể phải trả tiền phạt lên tới hàng trăm triệu USD.

Đã có rất nhiều lập luận được đưa ra từ các thành viên Tòa án cũng như luật sư phía Apple nhằm đi đến quyết định cuối cùng về vụ kiện.

Sonia Sotomayor - thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ cho biết: "Chính khách hàng mới là người trả 30% với bên tạo ra ứng dụng chứ không phải với Apple tại cửa hàng trực tuyến, trong khi Apple lại được nhận doanh thu này". Phản biện lại điều này, luật sư Daniel Wall của Apple cho biết:

"Số tiền hoa hồng 30% được tính thông qua hợp đồng giữa Apple và các nhà phát triển, vậy nên chỉ có các nhà phát triển mới là những người có quyền kiện tụng về vấn đề này". Thẩm phán Elena Kagan (cũng thuộc Tòa án tối cao Mỹ) cho rằng lập luận này "không trực quan", ông cho biết: "Nếu tôi là chủ sở hữu của một chiếc iPhone, tôi có quyền truy cập vào App Store và thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng mà mình đã cung cấp cho Apple. Theo quan điểm của tôi, người tiêu dùng là mới là người tương tác trực tiếp với công ty".

Còn có những ý kiến khác cho rằng, người dùng iOS chưa chắc có đủ điều kiện để được xem là người mua hàng trực tiếp hay không. Bởi theo luật chống độc quyền của Tòa án tối cao vào năm 1977, chỉ những người mua sản phẩm trực tiếp mới được quyền nhận tiền bồi thường nếu như bị thu phí đắt hơn.

Luật sư David Frederick phụ trách mảng người dùng iPhone nói thêm: "Apple đã tối ưu hóa mức phí tổn thất dành cho những người bị áp phí trực tiếp và gián tiếp, hoàn toàn phù hợp với những ràng buộc về hợp đồng". Apple cũng cho rằng mình không phải là nhà phân phối, mà chỉ là một đại lý do các nhà phát triển bán ứng dụng cho người dùng thông qua App Store.

Đối với trường hợp này chính quyền Trump đang đứng về phía Apple, một luật sư thuộc bang San Francisco đã nói rằng các thành viên thuộc tòa án đang "thổi phồng" những cáo buộc dành cho Apple. Đồng thời những lập luận được đưa ra không phải là "nguyên nhân trực tiếp" khiến giá ứng dụng bị cao hơn: "Nguyên nhân khiến người tiêu dùng phải trả cao hơn là do nhà sản xuất ứng dụng quyết định tăng giá để bù lại khoản phí quá cao".

Theo dự đoán từ công ty phân tích dữ liệu App Annie, việc kinh doanh ứng dụng của Apple sẽ tăng từ 82 tỷ USD trong năm ngoái lên tới 157 tỷ USD vào năm 2020. Apple cũng cho biết, chỉ riêng năm ngoái các nhà phát triển ứng dụng đã thu về được hơn 26 tỷ USD thông qua App Store và cung cấp hơn 2 triệu ứng dụng cho người tiêu dùng.

Apple cũng như các đồng minh của mình cho biết nếu quyết định cho phép vụ kiện từ người tiêu dùng được thông qua, thì các "gã khổng lồ" công nghệ như Google, Facebook... cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi luật chống độc quyền.

Quỳnh Như (Theo Bloomberg)

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/apple-se-phai-doi-mat-voi-vu-kien-chong-doc-quyen-tren-app-store-175474.ict