Argentina 'cầu cứu' IMF để ngăn chặn nội tệ mất giá

Bộ trưởng Kinh tế Argentina ông Sergio Massa đang tìm kiếm thêm đồng đô-la Mỹ từ IMF khi các cuộc bầu cử gần kề.

Chính phủ ngày càng tuyệt vọng của Argentina đang cố gắng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiền tệ bằng cách khiêm tốn yêu cầu một ân huệ từ Trung Quốc và IMF, khiến tổ chức cho vay có trụ sở tại Washington rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách hỗ trợ con nợ lớn nhất của họ.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina đồng thời là ứng cử viên Tổng thống – ông Sergio Massa. (Nguồn: FT)

Lạm phát ở quốc gia Nam Mỹ dự kiến sẽ đạt 145% trong năm nay, suy thoái kinh tế đang rình rập và dự trữ ngoại tệ ròng của ngân hàng trung ương còn lại không đáng kể. Đồng nội tệ peso đã giảm giá trị gần 40% so với đồng đô-la Mỹ trên thị trường chợ đen trong năm nay.

Chính phủ đang cố gắng tránh phá giá đồng nội tệ hoặc rơi vào siêu lạm phát trong mùa bất ổn chính trị trước cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào tháng 10. Bộ trưởng Kinh tế đồng thời là ứng cử viên Tổng thống – ông Sergio Massa đã nổi lên như một nhân vật trung tâm.

Ông Massa đã công bố một loạt các biện pháp khẩn cấp để giữ cho nền kinh tế phát triển, bao gồm tỷ giá hối đoái đặc biệt để khuyến khích các nhà xuất khẩu đậu nành vận chuyển cây trồng của họ và hoán đổi nợ trong nước với kỳ hạn dài hơn. Ông Massa sẽ tới Washington vào cuối tháng này để xin thêm quỹ IMF, nhưng nhiệm vụ của ông đã trở nên phức tạp hơn do hạn hán nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.

Chuyến đi của ông Massa tới Trung Quốc vào đầu tháng này đã khiến Bắc Kinh cho Argentina tiếp cận thêm 5 tỷ USD từ một thỏa thuận hoán đổi nhân dân tệ hiện có. Ông Massa cũng đang cố gắng thuyết phục ngân hàng Phát triển Mới cho phép Argentina tham gia. Đây là ngân hàng cho vay các quốc gia thuộc khối BRICS có trụ sở tại Thượng Hải.

Argentina đã bị loại khỏi thị trường quốc tế kể từ khi vỡ nợ năm 2020 và cần bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách mà JPMorgan ước tính là 3% tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay. Theo các nhà phân tích Ecolatina có trụ sở tại Buenos Aires, với dự trữ quốc tế ròng ước tính ở mức âm 1,5 tỷ USD, hy vọng về việc vay được đồng đô-la Mỹ của ông Massa phụ thuộc vào IMF.

“Kế hoạch của ông Massa là nhiệm vụ bất khả thi để giữ cho tình hình kinh tế không vượt khỏi tầm kiểm soát trước cuộc bầu cử. Nó đã trở nên thực sự khó đạt được do tác động của hạn hán đối với xuất khẩu đậu nành. Nhưng sự bất ổn kinh tế vĩ mô mà chúng ta đang phải đối mặt không phải do hạn hán, mà là do một chuỗi thất bại và quản lý yếu kém”, ông Salvador Vitelli, đại diện công ty tư vấn kinh doanh Romano Group cho biết.

Ông Federico Sturzenegger, cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương dưới thời Chính phủ bảo thủ trước đây của ông Mauricio Macri, đã thẳng thừng nói: “Chiến lược của ông Massa là vay nợ nhiều hơn để duy trì mức thâm hụt tài chính rất lớn mà Chính phủ chưa khắc phục được”.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina - ông Sergio Massa gặp Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - ông Wang Wentao trong chuyến thăm Bắc Kinh. (Nguồn: Bộ Kinh tế Argentina/Handout/Reuters)

Việc thúc đẩy bơm tiền mặt nhiều hơn từ IMF diễn ra bất chấp việc Argentina không đạt được nhiều mục tiêu đặt ra trong chương trình cho vay trị giá 44 tỷ USD đã thỏa thuận với quỹ này vào năm ngoái. Trong đó bao gồm giảm thâm hụt tài khóa, tăng doanh thu và tích lũy dự trữ tiền mặt, theo một báo cáo tháng 5 của các nhà kinh tế tại Đại học Buenos Aires.

Tuy nhiên, những người theo dõi IMF mong đợi quỹ sẽ phê duyệt nhiều tiền hơn trong lần xem xét tiếp theo, dự kiến vào đầu tháng 7, để tránh một cuộc khủng hoảng lớn hơn và cho phép Argentina trả lại tiền cho IMF.

Ông Alejandro Werner, cựu Giám đốc khu vực Tây bán cầu của IMF, cho biết: “Quỹ không muốn chịu trách nhiệm về việc Argentina sa sút. Họ cũng không muốn Argentina nợ nần trong một thời gian dài. Vì vậy có rất nhiều động lực để quỹ kết luận việc xem xét”.

IMF cho biết các nhân viên của quỹ đã tham gia “rất chặt chẽ” với Argentina trong lần đánh giá mới nhất về chương trình cho vay. IMF cho biết: “Trọng tâm là các chính sách nhằm củng cố chương trình để bảo vệ sự ổn định, bằng cách tăng cường dự trữ và tính bền vững tài chính, đồng thời nhận ra tác động của hạn hán”.

Một nguồn tin của Bộ Kinh tế ở thủ đô Buenos Aires cho biết Argentina muốn có quỹ để bù đắp cho tổn thất thu nhập xuất khẩu do hạn hán gây ra, với số tiền vẫn đang được thảo luận. Điều gây tranh cãi là họ cũng muốn sử dụng một phần tiền của IMF để can thiệp vào thị trường nhằm hỗ trợ đồng peso. Nguồn tin cho biết: “Điều đang được thảo luận là sẽ sử dụng bao nhiêu để can thiệp. Hiện tại, cuộc thảo luận đó có vẻ tích cực”.

Ông Hector Torres, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế kiêm cựu Giám đốc điều hành IMF, tỏ ra hoài nghi. Ông nói: “Ngân hàng trung ương Argentina đã hết đồng đô-la Mỹ và tỷ giá hối đoái chính thức rõ ràng là không bền vững. Quỹ muốn tránh đẩy Argentina vào tình trạng vỡ nợ nhưng tôi chưa thấy ban điều hành của quỹ cho phép sử dụng các nguồn lực của IMF để mua đồng peso trên thị trường ngoại hối”.

Werner, người giám sát gói cứu trợ IMF năm 2018 trước đó, cho biết: “Quỹ có thể sẽ bị chỉ trích vì đã làm điều gì đó tồi tệ trên một chương trình cho vay tồi tệ. Nhưng cuối cùng, họ sẽ không được hoàn trả. Hoặc là cho Argentina vay để họ trả nợ hoặc họ sẽ không trả nợ”.

Hồng Vân (Theo Financial Times)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/argentina-cau-cuu-imf-de-ngan-chan-noi-te-mat-gia-post251416.html