Argentina có thể trở thành một chữ cái của BRICSA?

Khả năng Argentina có thể gia nhập BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã được đặt ra trong hơn một thập kỷ, nhưng chưa bao giờ có bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào cho đến nay. Sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời Tổng thống Argentina Alberto Fernández tham gia Hội nghị Thượng đỉnh năm 2022 của BRICS, được triệu tập vào ngày 23.6 do Trung Quốc là chủ nhà đã làm mới cuộc tranh luận về khả năng này. Tuy nhiên, một cái nhìn sâu hơn về quan hệ với các thành viên hiện tại cho thấy rằng 'BRICSA' vẫn là một giấc mơ xa vời.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 diễn ra theo hình thức trực tuyến do Trung Quốc chủ trì từ 23 - 25.6

Đây không phải là lần đầu tiên một tổng thống Argentina tham dự cuộc họp BRICS: Ông Mauricio Macri đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ở Nam Phi vào năm 2018 và bà Cristina Fernández từng tham dự ở Fortaleza, Brazil, vào năm 2014, theo lời mời từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sau chuyến thăm của Tổng thống đương nhiệm Alberto Fernández tới Nga và Trung Quốc vào đầu năm, ý tưởng của Argentina chính thức Việc gia nhập BRICS hiện đã được chính phủ Argentina hồi sinh và thu hút được một số sự ủng hộ từ các thành viên BRICS.

Tuy nhiên, như Patricio Giusto, Giám đốc Đài quan sát Trung Quốc - Argentina đã nhận định: “Ngoài lời mời mà Argentina nhận được từ Trung Quốc, tôi không thấy việc kết hợp với tư cách là thành viên đầy đủ của BRICS là khả thi, bởi vì nó sẽ phá vỡ tinh thần sáng lập của khối là đại diện cho các quốc gia mới nổi quan trọng nhất của mỗi châu lục”.

Chính phủ Argentina hiện tại đã có một chính sách đối ngoại thất thường, không thể hiện rõ quan điểm của họ trong một số khía cạnh địa chính trị. Vì vậy để đánh giá nước này có khả năng tham gia BRICS hay không, cần xem xét tình hình quan hệ của Argentina với các nước BRICS bởi như Tiến sĩ Segio Skobalski - chuyên gia về quan hệ quốc tế và các vấn đề toàn cầu chỉ ra rằng: “Việc Argentina chính thức gia nhập BRICS đòi hỏi sự đồng thuận hoàn toàn của tất cả các thành viên cũng như một quy trình hành chính và ngoại giao phức tạp”.

Mối quan hệ với Trung Quốc

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chính của Argentina bên ngoài Nam Mỹ. Kể từ khi Thủ tướng Nestor Kirchner lên nắm quyền ở Argentina vào năm 2003, Trung Quốc đã có một mối quan hệ thương mại phát triển chưa từng có với Argentina. Năm 2004, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào tới Buenos Aires, hai nhà lãnh đạo đã ký Quan hệ Đối tác chiến lược, sau đó được mở rộng kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của bà Cristina Fernández de Kirchner và thậm chí tiếp tục được thúc đẩy ở giai đoạn nhà lãnh đạo đối lập Mauricio Macri lên làm tổng thống. Xuất khẩu hàng hóa và các công trình công cộng đóng vai trò là trục trung tâm trong mối quan hệ giữa hai nước.

Bất chấp một số dự án thất bại, các công ty nhà nước Trung Quốc ở Argentina đã thực hiện được một số công trình công cộng thông qua các khoản vay giữa chính phủ với chính phủ. Dự án cải tạo Đường sắt Belgrano Cargas và Công viên Mặt trời Cauchari có lẽ là những dự án thành công nhất, bên cạnh một số khoản đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khai thác và năng lượng tái tạo.

Liên quan đến BRICS, đã có nhận xét từ các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào năm 2014 về khả năng trở thành thành viên của Argentina, nhưng cũng không có gì nhiều hơn thế. Lời mời hiện tại của ông Tập Cận Bình đối với Tổng thống Alberto Fernández có thể được coi giống như sự đáp lễ để cảm ơn việc Tổng thống Argentina đã tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic, nơi ông đã ấn định việc đưa Argentina vào Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tuy nhiên, đã có một số biểu hiện trong mối quan hệ này làm dấy lên câu hỏi liên quan đến việc Argentina có thể tham gia BRICS hay không.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào tháng 12 năm 2021, ông Tập đã phân tích tiêu cực về một số chính sách xã hội mà nhìn có vẻ giống mô hình mà chính phủ Argentina đưa ra: “Một số nước Mỹ Latinh trong quá khứ đã tham gia vào chủ nghĩa dân túy, và phúc lợi ở những nước này đã tăng cho một nhóm “những người lười biếng” với thu nhập không được như ý. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục: “… Chủ nghĩa phúc lợi vượt quá khả năng của một người là không bền vững, và chắc chắn nó sẽ gây ra các vấn đề kinh tế và chính trị nghiêm trọng”.

Liệu chính phủ Trung Quốc thực sự sẽ tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế với một quốc gia mà họ đánh giá như vậy? Hay đó chỉ nhằm phục vụ nhu cầu về nguyên liệu thô và khoáng sản của gã khổng lồ châu Á?

Còn với Argentina, trong một chuyến đi chính thức đến châu Âu, Alberto Fernández đã tuyên bố trên kênh DW của Đức rằng ông là “một người Argentina ở châu Âu”. Ông nói thêm rằng "Trung Quốc là một cường quốc nhưng không có quan hệ văn hóa mạnh mẽ với Mỹ Latinh, không có lịch sử với Mỹ Latinh”. Đây không phải là một dấu hiệu tích cực cho một mối quan hệ mà Argentina được cho là đang tìm cách củng cố và làm sâu sắc hơn.

Cơ hội từ Ấn Độ?

Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Santiago Andrés Cafiero đã được Thủ tướng Narendra Modi và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tiếp trong chuyến công du mới nhất của ông tới Ấn Độ.

Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ tư của Argentina và cũng là điểm đến lớn thứ tư của hàng hóa Argentina xuất khẩu. Một số lĩnh vực kinh doanh nông sản của Argentina đang tìm cách đa dạng hóa thị trường để hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc. Các công ty này lo lắng về khả năng liên kết giữa Nga và Trung Quốc; và điều này có thể ảnh hưởng đến thương mại.

Việc Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh khả năng nhập khẩu dầu đậu nành từ Argentina cũng là biểu hiện rất đáng lưu ý, vì Trung Quốc là khách hàng dầu đậu nành lớn nhất của của Argentina.

Hari Seshasayee, một chuyên gia về quan hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh và thành viên toàn cầu tại Trung tâm Woodrow Wilson, cho biết: “Về đầu tư, thương mại hoặc cho vay toàn cầu, sự hiện diện của Trung Quốc ở Mỹ Latinh vượt xa Ấn Độ”. Nhưng mối quan hệ Argentina - Ấn Độ đang phát triển và những động thái gần đây của chính phủ Narenda Modi nhằm loại bỏ thuế nhập khẩu đối với dầu có thể mang lại lợi ích và phát triển mối liên kết song phương này.

Tuy nhiên, ông Seshasayee không rõ ràng lắm về con đường phía trước của BRICS, tổ chức này ít đặt ra vấn đề về mở rộng, nhất là khi mối quan hệ giữa các nước trong BRICS cũng đang phức tạp như hiện nay. Theo ông, trong nhóm có hai quốc gia, Ấn Độ và Trung Quốc, hiện đang có xung đột biên giới chưa được giải quyết. Còn vị thế của Nga đã trở nên phức tạp hơn nhiều vì cuộc chiến ở Ukraine. Vậy nên, “nếu Argentina thực sự quan tâm đến việc tham gia BRICS, có lẽ là họ nên đợi một thời điểm tốt hơn”.

Cũng cần lưu ý rằng các quan chức Ấn Độ đã không đưa ra tuyên bố rõ ràng về khả năng trở thành thành viên của Argentina.

Nga và dấu hỏi BRICS

Các đời chính phủ Argentina đã có quan hệ khá mật thiết với nước Nga của Putin trong một thập kỷ. Sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2014 theo lời mời của Tổng thống Nga, Tổng thống Argentina Fernández de Kirchner đã đến thăm Điện Kremlin và ký khoảng 20 thỏa thuận với ông Putin về đầu tư và thương mại, thậm chí cả năng lượng hạt nhân.

Năm 2018, đến lượt Tổng thống Macri đến thăm Moscow và cũng đã ký một số thỏa thuận với người đồng cấp Nga, trong đó có một thỏa thuận hợp tác thăm dò và sản xuất uranium.

Trước đó vào đầu năm 2022, tân Tổng thống Fernández cũng đã đến thăm Điện Kremlin và ông đã nói với Tổng thống Putin rằng Argentina nên là "cửa ngõ của Nga vào Mỹ Latinh" chỉ vài tuần trước khi nổ ra chiến tranh Ukraine.

Rất khó để trả lời câu hỏi Argentina sẽ thu được lợi ích gì khi tham gia BRICS trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.

“Argentina sẽ không đạt được bất cứ điều gì đáng kể [từ việc gia nhập BRICS]. Nước này sẽ bắt đầu tham gia vào các cuộc thảo luận ở cấp cao nhất với các nước trong khối, nhưng đó là điều mà Argentina đã có trong G20” - ông Guisto của Đài quan sát Trung Quốc - Argentina cho biết. Ông không nhìn thấy nhiều tiềm năng "không phải về lợi ích kinh tế".

Trong khi đó, việc tham gia BRICS có thể gây ra những hậu quả tiêu cực từ mối quan hệ của Argentina với Mỹ và châu Âu. Như ông Skobalski giải thích: “Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Mỹ thúc đẩy chính sách cô lập về kinh tế và chính trị đối với Nga bằng các lệnh trừng phạt và tìm cách loại nước này khỏi G20”. Điều này có thể ảnh hưởng đến vị thế của Argentina trước thềm cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 ở Indonesia vào cuối năm.

Những câu hỏi bỏ ngỏ

Bên cạnh địa chính trị, sự hiện diện của Argentina trong BRICS có thể làm suy yếu vị thế của Brazil bằng cách thêm vào nhóm không chỉ một quốc gia khác từ cùng châu lục mà còn là một đối thủ cạnh tranh thương mại trên các thị trường công nghiệp nông nghiệp chính - trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

Do đó, có một số câu hỏi chưa được trả lời liên quan đến lợi ích của Argentina trong việc liên kết BRICS. Argentina có cần nâng cao vị trí địa chính trị vốn đã phức tạp của mình không? BRICS có cần thêm một thành viên nói tiếng Tây Ban Nha không? BRICS có cần một thành viên đầy đủ khác ở Nam Mỹ không? Liệu Brazil có muốn mở đường cho Argentina tại các thị trường mà hai nước là đối thủ của nhau?

Nếu phải đưa ra dự đoán, người ta sẽ nói rằng “BRICSA” chỉ tồn tại trong giấc mơ của một số quan chức chính phủ Argentina. Nhưng chúng ta không thể chắc chắn điều gì, giống như nếu vào thời điểm trước năm 2019, có ai đó dự báo về một đại dịch khủng khiếp trên toàn cầu và một cuộc chiến ở châu Âu, có lẽ sẽ chẳng ai tin vào điều đó.

Đạt Quốc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/argentina-co-the-tro-thanh-mot-chu-cai-cua-bricsa-i293302/