Argentina lựa chọn con đường phát triển tương lai

Đất nước Argentina chuẩn bị bước vào những thời khắc quan trọng để quyết định mô hình phát triển trong tương lai khi các cử tri ngày 27/10 sẽ bầu ra một tổng thống mới cho nhiệm kỳ 2019-2023.

Đặc biệt, cuộc bầu cử này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh đang chìm trong suy thoái, đồng nội tệ liên tục lao dốc, tỷ lệ lạm phát, đói nghèo và thất nghiệp luôn ở mức cao.

Đương kim Tổng thống Argentina Mauricio Macri (phải), đại diện cho liên minh trung hữu Đoàn kết vì sự thay đổi và ứng cử viên đối lập Alberto Fernandez, đại diện cho liên minh trung tả Mặt trận của tất cả mọi người. Ảnh: AFP/TTXVN

Đương kim Tổng thống Argentina Mauricio Macri (phải), đại diện cho liên minh trung hữu Đoàn kết vì sự thay đổi và ứng cử viên đối lập Alberto Fernandez, đại diện cho liên minh trung tả Mặt trận của tất cả mọi người. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù có tới 6 cặp liên danh ứng cử chức tổng thống và phó tổng thống tại cuộc tổng tuyển cử lần này, song giới quan sát và dư luận Argentina đều dồn sự chú ý vào hai cặp ứng cử viên có tiềm năng nhất là đương kim Tổng thống Mauricio Macri liên danh với Thượng nghị sĩ Miguel Angel Pichetto, đại diện cho liên minh trung hữu Juntos por el Cambio (Đoàn kết vì sự thay đổi), và cựu Chánh văn phòng nội các Alberto Fernandez, liên danh với cựu Tổng thống Cristina Fernandez, đại diện cho liên minh trung tả Frente de Todos (Mặt trận của tất cả mọi người).

Trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter cách đây ít lâu, Tổng thống Macri cho rằng cuộc bầu cử lần này sẽ là cơ hội lịch sử để người dân Argentina củng cố nền dân chủ ở một đất nước mà tất cả mọi người đều có thể phát triển bắt đầu từ chính việc làm của mình. Và mô hình hiện nay là hoàn toàn phù hợp để Argentina có thể hội nhập với thế giới và hướng tới tương lai.

Ông Macri hy vọng rằng việc liên danh với Thượng nghị sĩ Pichetto, người từng nhiều năm giữ chức Chủ tịch nhóm các thượng nghị sĩ theo tư tưởng Peronism của cựu Tổng thống Joan Peron, phong trào chính trị chiếm đa số ghế tại thượng viện song lại bị chia rẽ thành nhiều đảng phái khác nhau, sẽ tạo cơ hội giúp liên minh cầm quyền thu hút được sự ủng hộ của các đảng phái chống lại đường lối Kirchner (của vợ chồng các cựu tổng thống Nestor Kirchner và Cristina Fernandez), qua đó giành thắng lợi trong cuộc bầu cử để tiếp tục các định hướng phát triển mà chính phủ trung hữu đang theo đuổi trong những năm qua.

Trong khi đó, việc cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez chỉ ra tranh cử chức phó tổng thống là một bất ngờ lớn, bởi kể từ sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai năm 2015, bà luôn là một chính trị gia có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trường Argentina và nhận được sự ủng hộ rất lớn của quần chúng nhân dân.

Mặc dù vậy, đây có thể là một quyết định mang tính chiến lược của bà Cristina Fernandez để tạo ra một cặp ứng cử viên vừa có sự mềm mại, ôn hòa với các chính đảng khác, nhưng vẫn giữ được sức ảnh hưởng trong nhân dân. Tính toán này nhằm tránh mất đi số lượng phiếu bầu rất lớn ủng hộ đường lối phục vụ lợi ích của tầng lớp thấp trong xã hội của các chính phủ theo tư tưởng Peronism nhưng có cái nhìn định kiến đối với phương thức điều hành chính phủ của chính trị gia theo đường lối cánh tả này.

Quả thực, ông Alberto Fernandez, người liên danh với bà tranh chức tổng thống, được đánh giá là một chính trị gia quyết đoán, có tầm nhìn chiến lược và đã từng có nhiều cống hiến cho những thành công trong chính phủ của cựu Tổng thống Nestor Kirchner. Những người ủng hộ bà Cristina Fernandez hy vọng ứng cử viên Alberto Fernandez sẽ tạo được sự liên kết giữa các đảng phái theo đường lối Peronism, đặc biệt là những đảng có truyền thống không ủng hộ bà Cristina, để có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hết sức quan trọng này.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Macri đã ngay lập tức theo đuổi chính sách kinh tế tự do mới, mở cửa và hội nhập, thả nổi đồng nội tệ, cắt giảm chi tiêu công nhằm mục tiêu cân bằng cán cân ngân sách. Trong 2 năm đầu cầm quyền, Tổng thống Macri cũng đã nỗ lực thúc đẩy các biện pháp cải cách gây nhiều tranh cãi như cắt giảm thuế xuất khẩu nông sản, cắt giảm thâm hụt ngân sách và nới lỏng luật lao động, dựa vào sự ủng hộ của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các thể chế tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, trải qua 4 năm nhiệm kỳ, chính phủ của Tổng thống Macri hầu như chưa thể thực hiện được những cam kết lớn đã đưa ra như giảm tỷ lệ đói nghèo, kiềm chế lạm phát, tạo thêm công ăn việc làm, những vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và tâm lý của cử tri. Thậm chí, tình hình kinh tế Argentina trong 2 năm trở lại đây còn trở nên tồi tệ hơn khi giá cả các dịch vụ công cộng và mặt hàng cơ bản gia tăng liên tục, trong khi lương tối thiểu không tăng kịp làm đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, gây bất bình lớn trong xã hội.

Trước những khó khăn kinh tế, chính phủ của Tổng thống Macri đã phải viện tới sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với khoản vay tín dụng trị giá 56 tỷ USD, nhưng kèm với đó là việc phải đáp ứng một số điều kiện khắc nghiệt, trong đó bao gồm cả những chính sách “thắt lưng buộc bụng”, gây bất bình lớn trong xã hội.

Theo thống kê chính thức, với việc đồng peso nội tệ không ngừng lao dốc trong hơn 1 năm qua sau nhiều đợt biến động liên tục khiến cho tỷ lệ lạm phát lên tới trên 50%, tỷ lệ thất nghiệp ở Argentina đã tăng, hiện khoảng 10% và tỷ lệ người nghèo lên tới 32%, một trong những chỉ số cao nhất ở khu vực Mỹ Latinh.

Trong bối cảnh đó, niềm tin vào chính phủ đương nhiệm dường như đang cạn dần trong dân chúng, tạo ra tâm lý chán nản ngay cả trong những cử tri có truyền thống bỏ phiếu cho các đảng cánh hữu.

Việc chính phủ của Tổng thống Macri đánh mất sự ủng hộ trong dân chúng được thể hiện rõ rệt nhất trong cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra hồi giữa tháng 8 vừa qua khi liên minh cầm quyền chỉ giành 32,6% số phiếu bầu, trong khi ứng cử viên đối lập Alberto Fernandez, đại diện cho liên minh trung tả Frente de Todos, thu hút được tới 47,4% số phiếu ủng hộ.

Lá phiếu của cử tri cho thấy sự thất vọng đối với tình hình kinh tế đất nước và cũng thể hiện sự thiếu gắn kết của chính phủ với thực tế khi không có được những biện pháp hiệu quả để đối phó với các vấn đề trong xã hội.

Theo đánh giá của dư luận Mỹ Latinh, mặc dù đây chỉ là một cuộc bầu cử sơ bộ để xác định các liên danh ứng cử viên chính thức tham gia cuộc tổng tuyển cử cuối tháng 10 này, song khoảng cách hơn 15 điểm phần trăm là quá lớn. Thậm chí, các cuộc thăm dò dư luận mới nhất trước thềm cuộc bầu cử chính thức cho thấy khoảng cách giữa hai ứng cử viên còn lên tới trên 20 điểm phần trăm và rất khó để liên minh cầm quyền có thể lật ngược được thế cờ.

Ứng cử viên Alberto Fernandez của liên minh trung tả Frente de Todos từng nhiều lần khẳng định, Argentina đang cần có những chính sách điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế, có những định hướng phát triển dài hạn không chỉ trên bình diện quốc gia, mà còn tại từng địa phương, bởi vì chỉ với tăng trưởng kinh tế đơn thuần sẽ không thể giải quyết được tình trạng đói nghèo, các chương trình phúc lợi xã hội không đủ để đảm bảo người dân có cuộc sống ổn định và bền vững.

Những cam kết xã hội có trách nhiệm và tạo được sự đoàn kết đang thổi bùng lên những hy vọng trong dư luận Argentina về một tương lai tốt đẹp hơn, giúp đưa đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay, cho dù con đường phía trước vẫn còn rất nhiều chông gai.

Hoài Nam (Pv TTXVN tại Argentina)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/argentina-lua-chon-con-duong-phat-trien-tuong-lai-20191026091242712.htm