Argentina tìm thấy hóa thạch một loài khủng long ăn thịt mới sống cách nay 69 triệu năm

Ngày 21/5, Hội đồng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina (Conicet) thông báo, các nhà khoa học đã phát hiện hóa thạch của loài mới thuộc họ khủng long ăn thịt Abelisaurid tại một địa điểm khảo cổ ở tỉnh Chubut, miền Nam nước này.

Hóa thạch khủng long mới được tìm thấy ở Argentina. (Nguồn: Conicet)

Hóa thạch khủng long mới được tìm thấy ở Argentina. (Nguồn: Conicet)

Loài khủng long mới này được đặt tên là “Koleken inakayali”. Nhà nghiên cứu Diego Pol cho biết, “inakayali” bắt nguồn từ tên gọi của một thủ lĩnh người thổ dân Nam Mỹ Tehuelche.

Còn “koleken” trong tiếng Tehuelche có nghĩa là “đến từ đất sét và nước”, gắn với thực tế là tầng trầm tích nơi tìm thấy tàn tích hóa thạch là lớp đất sét lắng đọng ở một cửa sông cách đây 69 triệu năm.

Theo Conicet, loài khủng long “Koleken inakayali” có họ hàng gần với Carnotaurus, một trong những “sát thủ” đặc trưng nhất của thời kỳ Thượng Phấn trắng (khoảng 69-71 triệu năm trước) tại khu vực Nam Mỹ.

Tuy vậy, “Koleken inakayali” nhỏ hơn Carnotaurus và không có sừng trên hộp sọ.

Các nhà cổ sinh vật học tìm thấy một phần bộ xương sống, cùng với một số mảnh hóa thạch hộp sọ, hông, đuôi và chân của loài khủng long “Koleken inakayali”.

Conicet cho biết, phát hiện này là một ví dụ về sự đa dạng của họ khủng long ăn thịt Abelisaurid ở “siêu lục địa” Gondwana (bao gồm châu Nam Cực, Nam Mỹ, châu Phi, Madagascar, Ấn Độ, bán đảo Arab, Australia - New Guinea và New Zealand ngày nay).

Đồng thời, phát hiện có ý nghĩa quan trọng, cho phép các nhà khoa học tìm hiểu thêm về quá trình tiến hóa của động vật ăn thịt lớn cùng chung sống trong một hệ sinh thái.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/argentina-tim-thay-hoa-thach-mot-loai-khung-long-an-thit-moi-song-cach-nay-69-trieu-nam-272157.html