Armenia sửa đổi Hiến pháp: Mỹ quyết gạt Nga khỏi Nam Caucasus

Khi cuộc trưng cầu dân ý thông qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 2020 thì cả 3 nhánh của 'cây quyền lực Armenia' đều được 'sơn với chất lượng Mỹ'...

Armenia chuẩn bị trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp

Ngày 16/2, Ủy ban bầu cử Trung ương Armenia cho biết, chiến dịch chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp Armenia đã chính thức được khởi động từ ngày 17/2 và sẽ kéo dài đến hết ngày 3/4, theo News.am.

Đây là cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp lần thứ 2 trong vòng 5 năm tại quốc gia nhỏ bé vùng Nam Causasus và 2 năm sau cuộc Cách mang Nhung - một cuộc cách mạng quyền lực từ đường phố.

Ngược dòng thời gian. Ngày 6/12/2015, cử tri Armenia đã tham gia trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, mà theo chính quyền Yerevan khi đó, là nhằm tạo thêm sự ổn định chính trị cho Armenia.

Lần sơn 2 nhánh hành pháp và lập pháp của cây quyền lực Armenia đã khiến Mỹ thua Nga trong cuộc Cách manh Nhung

Lần sơn 2 nhánh hành pháp và lập pháp của cây quyền lực Armenia đã khiến Mỹ thua Nga trong cuộc Cách manh Nhung

Hiến pháp Armenia sửa đổi sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 6/12/2015, đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong cán cân quyền lực giữa nhánh lập pháp - Quốc hội - và nhánh hành pháp - Tổng thống.

Theo đó Tổng thống sẽ được bầu cho một nhiệm kỳ duy nhất là 7 năm thay vì 5 năm và không còn được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, mà do các đại biểu Quốc hội bầu ra. Quyền lực của Tổng thống bị suy giảm rất nhiều.

Trong khi đó, Thủ tướng mới thực sự là người điều hành đất nước và kiểm soát luôn cả quân đội. Thủ tướng là người đứng đầu phe đa số trong Quốc hội, hoặc được đa số phiếu bầu của các nghị sĩ. Vai trò của Quốc hội được nâng lên rõ rệt.

Như vậy, với Hiến pháp sửa đổi năm 2015, chế độ chính trị Armenia đã chuyển từ Cộng hòa Tổng thống sang Cộng hòa nghị viện. Các cuộc bầu cử năm 2017 và năm 2018 đã được tổ chức theo các điều khoản của Hiến pháp mới.

Tuy nhiên, tình hình chính trị Armenia không ổn định thêm như mong muốn của chính quyền Yerevan khi thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp và đất nước Armenia đã thực sự bất ổn khi các cuộc bầu cử diễn ra theo quy định của Hiến pháp mới.

Bởi, theo lực lượng chính trị đối lập và xã hội dân sự Armenia, việc thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp chỉ là một chiến lược để Tổng thống Armenia khi đó Serzh Sarkisian, tiếp tục nằm giữ quyền lực sau khi mãn nhiệm vào năm 2018.

Và thực tế diễn ra đúng như vậy, khi ông Serzh Sarkisian được bầu làm Thủ tướng Armenia, vì các nghị sĩ của đảng Cộng hòa Armenia cầm quyền đã chiếm đa số ghế trong Quốc hội mới Armenia. Từ đây làn sóng biểu tình phản đối đã diễn ra.

Làn sóng biểu tình chống lại kịch bản "bình mới rượu cũ" trong việc tái cơ cấu quyền lực của Yerevan nhanh chóng biến thành bạo lực, buộc Thủ tướng Serzh Sarkisian phải từ chức và đảng Cộng hòa phải nhường sân khấu chính trị cho phe đối lập.

Putin phản đòn hiểm khiến Washington nốc - ao

Đáng nói là việc thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp năm 2015 là do chính quyền Yerevan "thân Nga" thực hiện, nhưng giới quan sát lại cho rằng đó kịch bản của Washington nhằm xác lập ảnh hưởng với đồng minh của Moscow.

Nhận định đó dựa trên 2 cơ sở.

Thứ nhất, dù chính quyền Yerevan khi đó được cho là "người của Nga nhưng đã ngả theo Mỹ" vì không thể cưỡng lại sức hút từ những đồng đô la, nên đã "phản phé", thực hiện mưu đồ của Washington.

Thứ hai, lực lượng nắm quyền sau Cách mạng Nhung được cho là "người của Mỹ nhưng lại ngả theo Nga", khi thể hiện quyết tâm nâng quan hệ Armenia-Nga thời hậu Cách mạng Nhung lên tẩm quan hệ chiến lược đặc biệt.

Với thực tế đó, Mỹ bị cho là đã thua Nga ngay trong lần xuất chiêu đầu tiên tại Nam Caucasus. Tuy nhiên, Washington không chấp nhận bị Moscow "hớt tay trên", vì vậy đã quyết "bày keo khác" để phục hận.

Mỹ quyết thanh tẩy yếu tố Nga khỏi Nam Caucasus

Việc Armenia sửa đổi Hiến pháp lần này được cho là phù hợp với kế hoạch - thậm chí nằm trong kế hoạch - bày keo khác của Washington.

Vì theo News.am, sửa đổi Hiến pháp năm 2020 tập trung vào cải cách nhánh tư pháp trong cơ cấu quyền lực.

Như vậy, nếu việc sửa đổi Hiến pháp năm 2020 được thông qua bởi cuộc trưng cầu dân ý, dự kiến diễn ra ngày 5/4, "yếu tố Mỹ" đã in đậm cơ chế quyền lực ở Armenia, cho dù định chế quyền lực đang in đậm "yếu tố Nga".

Để việc "sơn nhánh cuối cùng của cây quyền lực" Armenia đảm bảo chất lượng Mỹ, Washington chuẩn bị rất kỹ. Bắt đầu bằng tạo động lực và hứng khởi cho "thợ sơn", khi Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết công nhận "nạn diệt chủng người Armenia".

Qua sự kiện đặc biệt này, Washington muốn tạo ra hiệu ứng thân Mỹ trong cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội Armenia. Điều đó thể hiện qua nhận định của Thủ tướng Pashinyan rằng việc thông qua Nghị quyết đã nâng tầm quan hệ Mỹ-Armenia.

Liệu sơn cả 3 nhánh của cây quyền lực Armenia, Washington có thanh tẩy được yếu tố Nga?

Ngày 4/11/2019, khi công bố rằng chính phủ Mỹ đã quyết định tăng thêm khoản tài trợ cho Armenia trong năm 2019 lên 60 triệu USD - tăng 40% với năm 2018, Đại sứ Mỹ tại Armenia Lynne M. Tracy cho hay :

"Mỹ đã hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi thể chế dân chủ ở Armenia trong 27 năm qua và chúng tôi chắc chắn không có ý định thay đổi điều đó, khi mà nền dân chủ ở Armenia đang mạnh hơn bao giờ hết", theo News.am.

Như vậy, đã có sự đồng điệu nhất định giữa Washington và Yerevan sau khi Nghị quyết lịch sử được thông qua và những chuyển động sau sự kiện này. Một hiệu ứng thân Mỹ dường như đã phôi thai trong đời sống chính trị-xã hội Armenia.

Tiếp theo là tìm kiếm "loại sơn và các công cụ phục vụ việc quét sơn". Điều đó thể hiện qua việc Quốc hội Mỹ cho soạn thảo Dự luật về hợp tác chiến lược của người Mỹ gốc Armenia, trong đó đề xuất Mỹ tiếp cận Armenia như đồng minh chiến lược.

Theo Nghị sĩ Frank Pallone, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề về Armenia của Quốc hội Mỹ, đồng bảo trợ việc soạn thảo Dự luật về hợp tác chiến lược của người Mỹ gốc Armenia, thì :

"Armenia đã trở nên dân chủ hơn kể từ cuộc Cách mạng Nhung, luật pháp thống trị và hình thành thị trường tự do được khuyến khích đã tạo ra nền tảng hợp tác mới giữa Armenia và Mỹ".

Vị nghị sĩ Mỹ tuyên bố: "Armenia tôn trọng các giá trị dân chủ và pháp trị nên được xem là đối tác quan trọng của Mỹ, ngay khi cả quân đội Nga hiện diện ở Armenia thì cũng không khiến người Armenia từ bỏ các giá trị dân chủ", News am. tường thuật.

Rõ ràng, Washington rất tự tin về việc "thanh tẩy yếu tố Nga" khỏi đời sống chính trị và đời sống xã hội Armenia và việc "sơn nhánh cuối cùng cho cây quyền lực" Armenia có thể được xem là công việc cuối cùng của quá trình thanh tẩy.

Liệu Mỹ có nốc-ao trước Nga lần nữa trên sàn đấu Nam Caucasus?

Bởi khi cuộc trưng cầu dân ý thông qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 2020 thì cả 3 nhánh của "cây quyền lực" Armenia đều được "sơn với chất lượng Mỹ". Khi đó mọi chuyển động chính trị tiếp theo diễn ra tại Armenia khó có thể theo ý của Moscow.

Để "sơn không bị bong tróc", Mỹ còn tận dụng sự ủng hộ của EU và NATO. Với EU thì ưu tiên dùng công cụ lợi ích để lung lạc Yerevan, còn với NATO thì ưu tiên sử dụng những công cụ giúp củng cố và gia tăng sức mạnh cho thể chế ở Armenia.

Rõ ràng, Mỹ đã tỏ rõ quyết tâm tâm làm giảm tầm ảnh hưởng của Nga với Armenia, từ đó gạt dần Nga khỏi Nam Caucasus, khi Azerbaijan được "giao" cho Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh NATO, còn Gruzia thì đang biến thành vùng đệm chống Nga hữu hiệu.

Tuy nhiên, trước khi cuộc Cách mạng Nhung diễn ra, Washington cũng được cho là sẽ hạ gục Moscow, nhưng cuối cùng thì chính họ lại bị nốc-ao ngay lần đầu xuất hiện trên sàn đấu Nam Caucasus bởi cú phản đòn quá hiểm của Putin.

Do vậy, không biết Washington có né được những cú phản đòn của Putin để có thể giành chiến thắng trước Moscow trong lần xuất chiêu này không? Chúng ta cùng chờ xem.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/armenia-sua-doi-hien-phap-my-quyet-gat-nga-khoi-nam-caucasus-3397130/