Armenia và Azerbaijan đạt tiến bộ trong giải quyết tranh chấp ở Nagorny-Karabakh

Ngày 23/5, Armenia và Azerbaijan đồng loạt thông báo đã thành lập Ủy ban phân định biên giới, trong một bước đi được đánh giá là 'tiềm năng' giúp chấm dứt tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ ở khu vực Nagorny-Karabakh giữa hai nước láng giềng vùng Capcaz.

Sắc lệnh của ổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đăng trên trang web cá nhân đã đề cập tới việc Azerbaijan thành lập Ủy ban Phân định Biên giới dưới quyền của Phó Thủ tướng Shakhin Mustafayev. Còn về phía Armenia cũng thông báo về việc thành lập Ủy ban phân định và an ninh biên giới do Phó Thủ tướng Mher Grigoryan dẫn đầu. Dư luận thế giới nhận định, dù đây chỉ là một bước đi "nhỏ", song đã cho thấy hành động cụ thể của hai nước láng giềng để giải quyết tranh chấp.

Cuộc xung đột kéo dài 6 tuần giữa Azerbaijan và Armenia ở Nagorny - Karabakh hồi năm 2020 đã khiến 6.500 người thiệt mạng. (Ảnh: AP)

Cuộc xung đột kéo dài 6 tuần giữa Azerbaijan và Armenia ở Nagorny - Karabakh hồi năm 2020 đã khiến 6.500 người thiệt mạng. (Ảnh: AP)

Trước đó, trong cuộc họp ba bên với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel diễn ra tại Brussels (Bỉ), ngày 22/5, lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã nhất trí thảo luận về một bản kế hoạch hòa bình và khởi động tiến trình phân định biên giới.

Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch EC cho biết, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikola Pashinyan đã đạt thỏa thuận thúc đẩy các vòng đối thoại về một bản hiệp ước hòa bình trong tương lai. Các ủy ban tương ứng đảm nhiệm việc phân định biên giới giữa hai nước láng giềng sẽ gặp nhau tại khu vực biên giới trong vòng vài ngày tới.

Trong thông điệp trên Twitter, Chủ tịch EC đánh giá Yerevan và Baku đã đạt được “tiến triển cụ thể” trong hóa giải tranh chấp. Cuộc gặp tiếp theo giữa ông Michel cùng các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan sẽ diễn ra vào tháng 8 tới.

Các nước châu Âu cũng khẳng định sẽ tiếp tục công việc của Nhóm Cố vấn Kinh tế, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho cả Armenia và Azerbaijan.

Theo Văn phòng Tổng thống Azerbaijan, trong khuôn khổ cuộc gặp ba bên diễn ra vào cuối tuần trước, ông Aliyev đã thông báo với ông Michel về việc "Azerbaijan đã đặt ra năm nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế để bình thường hóa quan hệ với Armenia, hướng tới ký kết một thỏa thuận hòa bình giữa hai nước”.

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Armenia cho biết, nhân cuộc gặp gỡ, ông Pashinyan đã thảo luận với ông Michel về tình hình xung quanh Nagorno-Karabakh, các vấn đề nhân đạo để từ đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ.

Cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh đã kéo dài nhiều thập kỷ. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Giai đoạn 1991-1994, đối đầu giữa hai nước láng giềng đã leo thang thành hành động quân sự trên diện rộng, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nagorno-Karabakh đã được tổ chức từ năm 1992 với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng vai trò tham gia của Nga, Pháp, Mỹ, Belarus, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên xung đột vẫn nhiều lần tái diễn.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao để hóa giải tranh chấp song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Năm 2020, xung đột âm ỉ giữa hai nước láng giềng vùng Capcaz đã bị thổi bùng thành một cuộc chiến kéo dài trong 6 tuần và cướp đi sinh mạng của 6.500 người. Tháng 11 cùng năm, xung đột chính thức chấm dứt sau khi một thỏa thuận hòa bình được thông qua, chứng kiến việc Armenia từ bỏ quyền kiểm soát khu vực tranh chấp cùng với sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nagorny-Karabakh. Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình mới chỉ là yếu tố khiến tình hình Nagorno-Karabakh tạm yên, trong khi nguy cơ xung đột vẫn chưa được loại bỏ triệt để./.

T.Lan (Theo DW, Reuters)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/armenia-va-azerbaijan-dat-tien-bo-trong-giai-quyet-tranh-chap-o-nagorny-karabakh-610714.html