ASEAN 4.0: Vận hội và thách thức cho các nước, các doanh nghiệp

Những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo nghề ở nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Các diễn giả tại Hội thảo “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Ảnh: PV

Các diễn giả tại Hội thảo “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Ảnh: PV

Tạo nhiều cơ hội

Phát biểu tại Hội thảo “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra ngày 21.8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, CMCN 4.0 đang làm thay đổi sâu sắc nhiều mặt của đời sống xã hội. Với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, phá hủy, CMCN 4.0 đang loại dần ưu thế, kinh nghiệm của phương thức quản lý, mô hình kinh doanh cũ.

Đối với ASEAN, nếu tạo được môi trường thuận lợi để nảy nở, lan tỏa những điểm mới, khuyến khích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới để tự đổi mới, sáng tạo thì hoàn toàn có cơ hội phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn.

Dự báo của tập đoàn Google và Quỹ Temasek, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á sẽ đạt khoảng 200 tỉ USD năm 2025, tương đương 6% tổng GDP khu vực. Đây là nền tảng thuận lợi, là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư, phát triển các mô hình kinh doanh mới ở Đông Nam Á cũng như Việt Nam.

“Thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Đây chính là cơ hội cho phát triển bao trùm. Môi trường siêu kết nối cũng tạo nên cách mạng về giao dịch, thanh toán, logistic, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Nhiều thách thức

CMCN 4.0 mở ra những cơ hội song cũng đặt ra những thách thức. Trong đó, tự động hóa sâu rộng, thay đổi mô hình kinh doanh, gây xáo trộn, chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo nghề ở nhiều nước ASEAN.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính, khoảng 56% lực lượng lao động 5 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam (các nước còn lại là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan) đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi công nghệ mới trong 2 thập niên tới. Kinh doanh dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử... đòi hỏi đổi mới tư duy, phương thức quản lý của chính phủ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho cạnh tranh lành mạnh.

Để thích ứng, chính phủ các nước ASEAN đã phát huy tính tự cường, tìm hướng đi và giải pháp mới: Singapore đưa ra sáng kiến quốc gia thông minh, Indonesia có chính sách phát triển vườn ươm công nghệ, Thái Lan có tầm nhìn Thái Lan 4.0.

Theo Đại biện Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam, ở cấp độ quốc gia, Singapore có rất nhiều sáng kiến nhằm tăng tính cạnh tranh, nâng cao đời sống thông qua sử dụng công nghệ như: Sử dụng hệ thống quản trị, thanh toán điện tử...

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi cho biết, năm 2017, chính phủ bắt đầu triển khai kế hoạch phát triển Indonesia 4.0 (Making Indonesia 4.0), sáng kiến do Bộ Công nghiệp khởi xướng nhằm đưa quốc đảo này trở thành 1 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030.

Theo đó, Indonesia tập trung vào 5 lĩnh vực chủ chốt nhằm bước đầu tranh thủ tốt nhất công nghệ CMCN 4.0 trong đó có dệt may, sản xuất ôtô, hóa chất... Đây là 5 lĩnh vực cần có thiết bị và đòi mức độ số hóa rất cao trong tương lai và là lĩnh vực Indonesia có lợi thế so sánh.

H.LIÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/asean-40-van-hoi-va-thach-thuc-cho-cac-nuoc-cac-doanh-nghiep-626586.ldo