ASEAN bàn chuyện thương mại, biển Đông

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở thủ đô Bangkok - Thái Lan trong 2 ngày 22 và 23-6 với thương mại và biển Đông được xem là những nội dung đứng đầu chương trình nghị sự.

Hội nghị sẽ tập trung vào việc xúc tiến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với hy vọng đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay. "Tại hội nghị lần này, chúng tôi hy vọng ASEAN có thể đưa ra tuyên bố chung về việc hoàn tất quá trình đàm phán RCEP vào cuối năm nay" - Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại Thái Lan, bà Auramon Supthaweethum, cho biết trước thềm hội nghị.

Theo bà Auramon, việc hoàn tất quá trình đàm phán này sẽ biến RCEP thành thỏa thuận thương mại đa phương lớn nhất, với tổng sản phẩm nội địa của các nước tham gia chiếm 30% giá trị thương mại toàn cầu. Quá trình đàm phán RCEP đã kéo dài 7 năm và giới phân tích nhận định với tạp chí Nikkei Asian Review rằng có những tín hiệu tích cực cho thấy ASEAN có thể đạt được bước tiến quan trọng trong vòng đàm phán này.

Thương mại và biển Đông là những vấn đề trọng tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, diễn ra ở thủ đô Bangkok - Thái Lan trong 2 ngày 22 và 23-6. Ảnh: REUTERS

Thương mại và biển Đông là những vấn đề trọng tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, diễn ra ở thủ đô Bangkok - Thái Lan trong 2 ngày 22 và 23-6. Ảnh: REUTERS

Hội nghị nói trên cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung leo thang và vấn đề này nhiều khả năng cũng sẽ được bàn bạc kỹ lưỡng. Theo nhận định của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mang lại một số tác động tích cực trước mắt cho một số thành viên ASEAN. Nhưng nhìn chung, thương chiến Mỹ - Trung kéo dài sẽ khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á lo ngại, đặc biệt là những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương mại như Singapore.

Ngoài thương mại, những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông, trong đó có chuyện đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và vụ tàu Trung Quốc bị tố đâm chìm một tàu cá Philippines hôm 9-6, nhiều khả năng cũng được thảo luận tại hội nghị lần này. Có thể phải mất thêm vài năm nữa để ASEAN và Trung Quốc nhất trí về COC, song vụ va chạm nói trên có thể buộc ASEAN gia tăng sức ép lên Trung Quốc trong tiến trình đàm phán - theo trang tin Rappler.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin hôm 21-6 đã bác đề xuất của Trung Quốc về việc tiến hành điều tra chung về vụ việc. "Sẽ không có cuộc điều tra chung nào cả. Trung Quốc và Philippines sẽ tiến hành các cuộc điều tra riêng" - ông Locsin khẳng định.

Cao Lực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/asean-ban-chuyen-thuong-mai-bien-dong-20190621214037123.htm