ASEAN có vai trò gì trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông?

Đối thoại Biển lần thứ 5 là cơ hội để các học giả, các nhà nghiên cứu 'hiến kế' giúp ASEAN đối phó với những thách thức trên Biển Đông.

Sáng 18/6, Đối thoại Biển lần thứ 5 với chủ đề "Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) của Đức và Đại sứ quán Australia đã diễn ra tại Hà Nội.

Các đại biểu thảo luận tại Đối thoại Biển lần thứ 5 với chủ đề "Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông".

Các đại biểu thảo luận tại Đối thoại Biển lần thứ 5 với chủ đề "Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông".

Mục tiêu của buổi đối thoại nhằm đánh giá tổng thể tình hình Biển Đông trong bối cảnh mới của quốc tế và khu vực, sự hợp tác của ASEAN trong đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tại Biển Đông. Đối thoại Biển lần thứ 5 là cơ hội để các học giả, các nhà nghiên cứu khu vực và quốc tế cùng thảo luận và tìm kiếm những giải pháp khả thi nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nguy cơ xung đột.

Vai trò của ASEAN giải quyết các vấn đề trên Biển Đông

Tại Đối thoại biển lần thứ 5, các chuyên gia đều có chung nhận định, ASEAN đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Phát biểu mở đầu đối thoại, ông Peter Girke, Đại diện Quỹ Konrad Adenauer tại Việt Nam nhấn mạnh, Biển Đông là khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng, là một không gian hợp tác rộng lớn về hàng hải, kinh tế, chính trị, quân sự, song đây cũng là khu vực chồng lấn về lợi ích, tồn tại nhiều tranh chấp, nhiều thách thức an ninh.

Trưởng Đại diện Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) của Đức tại Việt Nam Peter Girke phát biểu tại Đối thoại.

Hiện nay, sự ổn định và phát triển của hầu hết các quốc gia ASEAN đang phụ thuộc chủ yếu vào tuyến đường hàng hải trên biển Đông. Do vậy hợp tác trên biển để đối phó với những thách thức chung là nhu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế biển và làm giảm nguy cơ xung đột. Nhưng vai trò này chỉ có được khi có sự đoàn kết của các nước thành viên ASEAN trong thống nhất hành động.

Cùng chung quan điểm này, diễn giả Hoàng Thị Hà, thuộc Viện nghiên cứu ISEAS – Yusof Ishak, Singapore khẳng định, ASEAN là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia với nhau. “Với tư cách là một tổ chức trong khu vực, ASEAN không có quyền đưa ra bình luận về tuyên bố chủ quyền, song ASEAN có một mục tiêu chính là đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông. Đây là nguyên tắc chính định hướng cho tuyên bố của ASEAN về vấn đề Biển Đông, bất chấp sự khác biệt giữa các nước thành viên trong vấn đề này”, bà Hoàng Thị Hà phát biểu.

Về cơ bản, quan điểm của ASEAN là đảm bảo những tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Khi có mối đe dọa về hòa bình an ninh trong khu vực thì ASEAN sẽ thay mặt các nước thành viên đưa ra lập trường thể hiện sự quan ngại.

Thách thức đặt ra đối với ASEAN

Theo diễn giả Hoàng Thị Hà, trước hết là những thách thức chung tại Biển Đông. Bà nhấn mạnh, khu vực Biển Đông tồn tại nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống. Nơi đây diễn ra những tranh chấp về chủ quyền giữa một số quốc gia trong khu vực, và nổi bật là vấn đề tự do hàng hải. Ngoài ra còn những vấn đề khác liên quan đến môi trường biển, ô nhiễm môi trường, việc khai thác không bền vững các nguồn lợi thủy hải sản hiện nay. Trong một thập kỷ qua có thêm khía cạnh khác là Biển Đông đã trở thành nơi gia tăng cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, trong đó phải kể đến Mỹ và Trung Quốc.

Tiếp theo, là sự bất đồng giữa ASEAN và Trung Quốc trong thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) được ký kết 2002. Tuyên bố này dựa trên nguyên tắc cơ bản là giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực, tạo ra cơ sở giải quyết các hoạt động thực tiễn trên biển cũng như đặt ra nền tảng xây Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong tương lai. Tuy nhiên việc thực thi vẫn gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc không đồng thuận với nhiều điểm quan trọng trong bộ quy tắc DOC. Năm 2011, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, nhưng hướng dẫn này vẫn chưa thực sự khả thi bởi vẫn chưa có sự nhất quán và sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên.

Sau DOC, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục Đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việc đàm phán COC vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất liên quan đến phạm vi điều chỉnh bộ quy tắc, liên quan điến sự kiềm chế giữa các bên, vị thế pháp lý của Bộ Quy tắc.

Cuối cùng là những mâu thuẫn trong bản thân ASEAN như sự phân tầng giữa các nước thành viên về kinh tế hay việc thiết lập cơ chế “ASEAN +” hay “ASEAN -” cũng đặt ra nhiều khó khăn trong việc giải quyết các thách thức về vấn đề Biển Đông, Tiến sỹ Chow Bing, Đại học Malaya, Malaysia nhận xét. Ông Chow Bing cho rằng, mô hình “ASEAN -” dành cho những nước ít phát triển hơn về kinh tế, mong muốn có cơ chế riêng để hợp tác với nhau. Tuy nhiên, mô hình này làm giảm sự nhất quán trong khối ASEAn liên quan đến mục tiêu xử lý vấn đề Biển Đông. Bởi nếu bóc tách hay chia nhỏ từng nhóm quốc gia ASEAN thì cách tiếp cận các vấn đề như tự do hàng hải sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Còn đối với mô hình “ASEAN +”, tức là mở rộng các cơ chế hợp tác với những nước bên ngoài thì sẽ dễ khiến vai trò trung tâm của ASEAN trở nên mờ nhạt, khó thực hiện được trọng tâm chiến lược.

Theo ông Chow Bing, do sự khác biệt rất lớn giữa các thành viên trong khối nên khó có thể trông đợi việc ASEAN đưa ra một cách tiếp cận mang tính cách mạng về vấn đề Biển Đông. Kể từ khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần đầu tiên đưa ra tuyên bố ASEAN về Biển Đông tại Manila tháng 7/1992 đến nay đã có những điểm mang tính chất tiếp nối nhưng cũng có những điểm thay đổi trong cách tiếp cận của ASEAN.

ASEAN cần đưa ra lập trường thống nhất

Tại phiên thảo luận, Diễn giả Hoàng Thị Hà nhấn mạnh, yêu cầu thực tế khách quan của tình hình khu vực Biển Đông hiện nay đòi hỏi các quốc gia hữu quan, nhất là các nước thành viên ASEAN cần đề cao hợp tác với tầm nhìn chiến lược, tích cực chủ động trong sáng kiến các phương thức hợp tác, giao lưu trên biển để góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Nội dung và phương thức giao lưu, hợp tác quốc tế ở Biển Đông giữa các nước thành viên ASEAN cần được thực hiện trong khuôn khổ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, luật biển hiện đại, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và các thỏa thuận khu vực như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, tiến tới thông qua Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Một khi ASEAN đoàn kết đưa ra lập trường chung, thì tiếng nói của tổ chức khu vực này sẽ có trọng lượng nhưng nếu ASEAN bị chia rẽ và bị phân hóa, thì tiếng nói của ASEAN sẽ bị suy yếu, bị các nước lớn chi phối. Các diễn giả đều cho rằng, chỉ khi đạt được sự thống nhất trong hành động, ASEAN mới tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề căng thẳng trên Biển Đông./.

Hồng Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/asean-co-vai-tro-gi-trong-giai-quyet-tranh-chap-tren-bien-dong-922398.vov