ASEAN giữa cuộc cạnh tranh của các cường quốc

Các chuyên gia cho rằng ASEAN cần phát huy vai trò hơn nữa trước những thách thức tới từ các quan hệ hợp tác 'tiểu đa phương' như AUKUS và QUAD.

Trong phiên thảo luận thứ 5 của Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, khả năng các cơ chế hợp tác “tiểu đa phương” do Mỹ dẫn dắt như AUKUS và QUAD làm suy yếu vai trò của ASEAN tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương một lần nữa được nhắc đến.

“Một số bên có thể cố gắng tô vẽ AUKUS là có hại tới lợi ích của ASEAN”, Sujan Chinoy - nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản - nói hôm 19/11. “Nhưng theo tôi, AUKUS sẽ giải quyết được sự mất cân bằng quyền lực đang gia tăng những năm gần đây, do sự trỗi dậy về kinh tế và hoạt động quân sự hóa trên biển của Trung Quốc”.

Ông Chinoy cho rằng AUKUS sẽ tăng cường an ninh của các tuyến đường giao thương khắp Thái Bình Dương của Australia, trong khi sự thịnh vượng kinh tế của các thành viên ASEAN cũng phụ thuộc vào hòa bình và ổn định của cả Thái Bình Dương chứ không chỉ ở Biển Đông.

Dù vậy, một số diễn giả băn khoăn sự xuất hiện của các cơ chế như AUKUS và QUAD có thể ảnh hưởng đến vai trò của ASEAN.

Vì sao QUAD và AUKUS xuất hiện?

Được công bố vào tháng 9, AUKUS là quan hệ đối tác ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao giữa ba nước Mỹ, Anh và Australia, với sự tập trung ban đầu là chuyển giao công nghệ tàu ngầm năng lượng hạt nhân cho Australia.

Trong khi đó, Đối thoại Tứ giác An ninh, hay còn gọi là Bộ Tứ - QUAD (gồm bốn nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ), có nguồn gốc từ năm 2004 nhưng chỉ trong những năm gần đây mới được khôi phục và có những bước tiến thực chất.

Sự xuất hiện của AUKUS và sự phục hưng của QUAD đều diễn ra trên nền cạnh tranh Mỹ - Trung.

Australia, Mỹ và Anh ngày 15/9 công bố quan hệ đối tác ba bên có tên gọi AUKUS. Ảnh: New York Times.

“QUAD và AUKUS xuất hiện vì ASEAN chưa thể giải quyết và quản lý hiệu quả các thách thức phát sinh trong quá trình Trung Quốc trỗi dậy” - tiến sĩ Rizal Sukma, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), chi nhánh tại Jakarta, Indonesia - nói.

Ngoài ra, theo ông Sukma, trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chưa có khuôn khổ nào để "cân bằng và tiết chế" tác động từ cạnh tranh nước lớn. “Vì thế, QUAD và AUKUS không phải là yếu tố chính sẽ làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN”.

Trong khi đó, các nước bên ngoài đang ngày càng quyết đoán và chủ động trong khu vực, tiến sĩ Sukma nhận định.

“Trong bối cảnh ấy, điều quan trọng là ASEAN cần nhìn nhận QUAD là một bước phát triển logic bắt nguồn từ cạnh tranh Mỹ - Trung và là phản ứng ngoại giao trước thách thức từ Trung Quốc”, ông Sukma nói.

Trong khi đó, giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) cho rằng chương trình nghị sự của QUAD đã thể chế hóa chính mình vào một phần cấu trúc an ninh khu vực với các hội nghị thượng đỉnh, các cuộc gặp hàng năm cấp ngoại trưởng và quan chức cấp cao, cùng các nhóm làm việc chung.

“QUAD đang giải quyết các vấn đề then chốt, vốn cũng xuất hiện trong chương trình nghị sự của ASEAN”, ông Thayer nhận định. “Có sự chồng lấn đáng kể giữa hai bên như về vaccine ngừa Covid-19, hồi phục kinh tế, biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo, chống tin giả, chống khủng bố”.

Tàu chiến Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản trong tập trận Malabar 2014. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Hai bước cần làm để ASEAN vượt khó

Khi cạnh tranh Mỹ - Trung leo thang, ASEAN sẽ gặp phải nhiều thách thức. Ông Sukma chỉ ra rằng đến nay, một số cuộc tranh luận đề cập tới các kịch bản ASEAN sẽ gặp phải trước sự xuất hiện của các quan hệ hợp tác “tiểu đa phương” như AUKUS và QUAD.

Chẳng hạn, khi các nước ngoài khu vực bắt đầu phản ứng trước cạnh tranh nước lớn, ASEAN sẽ ngày càng chịu sức ép phải chứng tỏ vị thế của bản thân trong trật tự khu vực đang hình thành. Một quan ngại khác là sự đoàn kết và tự chủ của ASEAN cũng sẽ bị ảnh hưởng, khi một số nước thành viên khó khăn trong duy trì cân bằng quan hệ với cường quốc.

Ông Sukma cho rằng để duy trì vai trò trung tâm, ASEAN cần thực hiện hai bước.

Đầu tiên, ASEAN cần nhận ra rằng các nước ngoài khu vực thường cho là một số thành viên ASEAN chưa tự chủ đủ quyết liệt.

Theo ông Sukma, các nước có thể được khuyên hãy cẩn thận với Trung Quốc, hoặc ở góc độ khác chính là phương Tây sẽ làm suy yếu ASEAN, thể hiện qua việc AUKUS được thành lập.

“Chúng ta cần nhắc nhở cả Mỹ và Trung Quốc rằng những nước trong ASEAN đủ khôn ngoan, vì thế các cường quốc nên ngừng tỏ ra trịch thượng”, ông Sukma nhấn mạnh.

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 là sự kiện được tổ chức thường niên. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Ở bước hai, ASEAN cần nhận ra điểm yếu là bản thân đang quá nghiêng về việc đặt ra các thông lệ, quy tắc mà thiếu khả năng ứng phó các thách thức địa chính trị ở Thái Bình Dương, như việc giữ đoàn kết nội khối trước tính chất chia rẽ của cạnh tranh nước lớn, theo ông Sukma.

Ông Sukma cho rằng có hai mục tiêu nghị sự cấp thiết ở bước hai: Sửa đổi Hiến chương ASEAN và thể chế hóa Hội nghị Cấp cao Đông Á.

Về giải pháp cho tương lai của ASEAN, giáo sư Thayer cũng cho rằng hoạt động thể chế hóa là cần thiết, nhưng lúc này là sự thể chế hóa quan hệ hợp tác giữa ASEAN và QUAD.

Giáo sư Thayer chỉ ra rằng trước đó, sau khủng hoảng kinh tế châu Á, ASEAN đã thành lập ASEAN+3 để giải quyết vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Giờ đây, một cơ chế mới nên tiếp tục được thành lập, đó là ASEAN+4 với các thỏa thuận cùng các nước QUAD”, ông Thayer cho biết.

Ông Thayer chỉ ra rằng đã có một số ý kiến về việc mở rộng các thành viên phụ của QUAD. Tuy nhiên, điều này sẽ gây sức ép cho một quốc gia ASEAN riêng lẻ vì động thái này có thể làm “phật lòng” một bên nào đó nếu chọn tham gia QUAD.

Nhưng nếu cả khối ASEAN có tương tác với QUAD, các nước có thể hợp tác sâu hơn trên những vấn đề an ninh phi truyền thống mà hai bên chồng lấn như vaccine, công nghệ, cơ sở vật chất hay chuỗi cung ứng, theo ông Thayer.

Quan trọng hơn, theo ông Thayer, ASEAN+4 nếu được thành lập sẽ không trùng lặp với các thể chế khu vực khác.

Quốc Đạt - Hải Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/asean-giua-cuoc-canh-tranh-cua-cac-cuong-quoc-post1278431.html