ASEAN thúc đẩy hợp tác thương mại

ND - Tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ thương mại tự do với tất cả các nền kinh tế chủ chốt ở khu vực bằng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) đang đẩy nhanh việc thành lập một Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, trong đó ASEAN sẽ trở thành một thị trường và vùng sản xuất thông suốt lẫn nhau.

Ngày 28-8-2008, ASEAN đã hoàn tất đàm phán về FTA song phương với ba đối tác lớn là Ấn Độ, Niu Di-lân và Ô-xtrây-li-a trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 40, diễn ra tại Xin-ga-po. Kết quả này là một cột mốc quan trọng trong hợp tác kinh tế khu vực. Tại cuộc họp lần thứ 41 của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) tổ chức ở Băng-cốc (Thái-lan), ASEAN và Ấn Độ đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA), có hiệu lực từ tháng 1-2010. Thỏa thuận này là kết quả của sáu năm đàm phán, theo đó, các loại thuế đánh vào khoảng 4 nghìn mặt hàng điện tử, hóa chất, máy móc và dệt may sẽ được giảm dần và hướng tới loại bỏ hoàn toàn. Những mặt hàng này chiếm 80% lượng hàng hóa buôn bán giữa Ấn Độ và ASEAN. Tuy nhiên, Ấn Độ được phép tiếp tục bảo hộ lĩnh vực nông nghiệp với việc loại 489 mặt hàng, trong đó có cao-su, ra khỏi FTA. Tổng Thư ký Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ A.Mi-tơ-ra nói rằng, thỏa thuận nói trên là "một chiến thắng cho cả hai phía". Bộ trưởng Thương mại Thái-lan P.Na-ca-xai nhận xét, ASEAN và Ấn Độ đã đạt được một thỏa thuận vào thời điểm thích hợp nhằm đối phó cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Các cuộc đàm phán về FTA giữa Ấn Độ và ASEAN được khởi động từ năm 2001, song việc ký kết bị trì hoãn một vài lần do hai bên bất đồng về những vấn đề như danh mục hàng hóa miễn thuế, cắt giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và các quy định liên quan thuế giá trị gia tăng. Các cuộc thương lượng trong lĩnh vực phần mềm máy tính và công nghệ thông tin được gác lại tới tháng 12-2009. Ngoài ra, một danh sách các sản phẩm "hết sức nhạy cảm" khác như dầu cọ hay cà-phê lại có lộ trình giảm thuế ở mức thấp trong vòng mười năm. Lộ trình giảm thuế, gồm việc bỏ hoàn toàn các loại thuế đối với 3.200 loại sản phẩm vào năm 2013. Việc ký FTA mở ra thị trường tiềm năng trị giá hơn 1,1 nghìn tỷ USD cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ vốn đang gặp khó khăn tại các thị trường phương Tây nhằm khôi phục tốc độ tăng trưởng, đưa nền kinh tế Ấn Độ thoát khỏi khủng hoảng. Thuế đánh vào 800 loại sản phẩm còn lại sẽ giảm xuống mức bằng không hoặc gần bằng không vào tháng 12-2016. Hai bên đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại lên thêm mười tỷ USD ngay trong năm đầu tiên. Hiện ASEAN là bạn hàng lớn thứ tư của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều là 47 tỷ USD vào năm 2008. Ngày 27-2 năm nay, ASEAN đã ký FTA với Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân sau khi các bên đạt thỏa thuận về FTA với ASEAN hồi tháng 8-2008 sau quá trình đàm phán bắt đầu từ năm 2005. Bộ trưởng Thương mại Ô-xtrây-li-a Xi-môn Crin nói, hiệp định này là cột mốc quan trọng trong cam kết kinh tế của Ô-xtrây-li-a trong khu vực. FTA với ASEAN được coi là lớn nhất mà Ô-xtrây-li-a ký với các đối tác nước ngoài và cũng là FTA đầu tiên mà Ô-xtrây-li-a ký kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo đó, hai bên thỏa thuận tạo thuận lợi và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, dịch vụ tài chính, viễn thông, buôn bán hàng điện tử, tài sản trí tuệ, chính sách cạnh tranh và hợp tác kinh tế. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của ASEAN với Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân đã tăng từ 41 tỷ USD năm 2006 lên 47,8 tỷ USD năm 2008. Trung Quốc và mười nước thành viên ASEAN bắt đầu tiến hành đối thoại hợp tác vào năm 1991 và ký Thỏa thuận khung Trung Quốc - ASEAN về Hợp tác kinh tế toàn diện vào năm 2002, đề xuất thiết lập FTA giữa ASEAN - Trung Quốc vào năm 2010. Ngày 15-8, tại Băng-cốc, Thái-lan, Trung Quốc và ASEAN đã ký Thỏa thuận đầu tư Trung Quốc - ASEAN. Việc ký thỏa thuận trên, cùng với những thỏa thuận thương mại đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc về hàng hóa và dịch vụ, đã hoàn tất tiến trình thương lượng về Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (FTA), ASEAN và Trung Quốc cùng hoan nghênh những tiến triển tích cực của vòng đàm phán, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn tất hiệp định đầu tư thương mại song phương. Đây sẽ là hiệp định cuối cùng trong ba hiệp định nền tảng cho việc ký FTA giữa ASEAN - Trung Quốc. Trước đó, hai bên đã ký Hiệp định thương mại hàng hóa năm 2004 và Hiệp định thương mại về dịch vụ năm 2006. Việc các nước thành viên ASEAN cần vốn, công nghệ tiên tiến cũng như kinh nghiệm chuyên môn về tài chính tiền tệ, trong khi Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội mở rộng giao thương tại Đông - Nam Á - thị trường được đánh giá là có tiềm năng thay thế thị trường tiêu thụ phương Tây - đang trở thành nhân tố thúc đẩy ASEAN và Hàn Quốc trở thành đối tác đầu tư, thương mại lớn của nhau. Nỗ lực lập FTA song phương giữa ASEAN với Hàn Quốc hoàn tất khi các bên ký FTA về đầu tư trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ giữa hai bên. Nhờ từng bước dỡ bỏ các rào cản thương mại, các bên hy vọng nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 150 tỷ USD vào năm 2015. Ông R.Phơ-ghiu-xơn, Giám đốc điều hành Tiểu ban Đông - Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào các nước châu Á tăng năm lần trong mười năm qua và đạt 10,8 tỷ USD năm 2008, trong đó ASEAN đứng thứ hai về thu hút FDI của Hàn Quốc. Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn đầu tư trên nhờ mặt bằng giá cả thấp và đội ngũ lao động lành nghề. Kim ngạch trao đổi thương mại trong hai thập niên qua giữa ASEAN và Hàn Quốc tăng hơn mười lần, từ 8,2 tỷ USD lên 90,2 tỷ USD năm 2008, trong đó kim ngạch thương mại với sáu nền kinh tế của ASEAN, gồm In-đô-nê-xi-a, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Phi-li-pin và Việt Nam, chiếm 90%. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc (sau EU và Trung Quốc), trong khi Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ năm của ASEAN. Với tổng số dân lên tới gần 580 triệu người, ASEAN là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của Hàn Quốc và là điểm đến ưa chuộng của du khách nước này. Trước đó, tháng 12-2008, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Nhật Bản và ASEAN chính thức có hiệu lực với Lào, Mi-an-ma, Xin-ga-po và Việt Nam vì bốn nước này đã hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước và sẽ có hiệu lực với sáu nước còn lại sau khi các nước này hoàn tất mọi thủ tục cần thiết. Chính phủ Nhật Bản hy vọng FTA Nhật Bản - ASEAN sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản nắm bắt được những cơ hội kinh doanh lớn hơn trong khu vực Đông - Nam Á. Chủ tịch Hội đồng ngoại thương Nhật Bản N. Ca-chư-ma-ta hy vọng hiệp định sẽ trở thành nền tảng để tăng cường hơn nữa sự hội nhập kinh tế ở Đông Á. Đây là FTA đầu tiên của Nhật Bản với một tổ chức khu vực. FTA Nhật Bản - ASEAN không chỉ là FTA về hàng hóa, mà còn gồm các hoạt động dịch vụ và đầu tư. Với FTA này, các công ty Nhật Bản đang mở rộng thị trường ở Đông - Nam Á có thể sẽ giảm được các chi phí kinh doanh. Nhất là, các nhà chế tạo điện tử và ô-tô Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nhiều do các phụ tùng từ nhiều nước trong khu vực có thể được lắp ráp mà không bị đánh thuế. Nhật Bản sẽ bãi bỏ các biểu thuế đánh vào 93% danh mục hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN trong vòng mười năm kể từ khi FTA có hiệu lực. Đổi lại, sáu nước ASEAN có tiềm lực kinh tế mạnh hơn là Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Xin-ga-po và Thái-lan cũng sẽ bãi bỏ thuế trong vòng mười năm đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, trong khi bốn thành viên còn lại là Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma sẽ bãi bỏ thuế theo một lộ trình chậm hơn. ASEAN và Liên hiệp châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận tiến hành đàm phán FTA từ tháng 5-2007 với hy vọng có thể đưa vào thực thi đầy đủ từ năm 2015, trùng thời điểm dự kiến ra đời thị trường chung ASEAN, tuy nhiên tới nay tiến trình này chưa đạt tiến triển như mong muốn. Đầu năm nay, Anh đã đề xuất cách tiếp cận mới nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán về FTA giữa ASEAN và EU, theo đó, EU có thể tiến hành đối thoại về các thỏa thuận với từng thành viên ASEAN thay vì với cả khối như hiện nay. Nếu được ký, FTA giữa hai khối sẽ trở thành một trong những thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường gần một tỷ dân. Theo một nghiên cứu độc lập do Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế hàng đầu của Pháp CEPII phối hợp Viện Các vấn đề kinh tế Cô-pen-ha-gen của Đan Mạch thực hiện, việc ký FTA sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của EU sang ASEAN lên 24,2% trong khi xuất khẩu của ASEAN sang EU tăng 18,5%. Giới phân tích nhận xét, đàm phán FTA với ASEAN là một phần trong nỗ lực của EU nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị với khu vực Đông - Nam Á, nơi EU đối mặt với sự cạnh tranh của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a đang có vị thế mạnh trong các lĩnh vực hợp tác này. Việc ký các Hiệp định tự do thương mại với các đối tác quan trọng của ASEAN khẳng định quyết tâm của Hiệp hội tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế ở khu vực và trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành công nghiệp của nhiều nước ASEAN vẫn chưa đủ khả năng cạnh tranh để thâm nhập thị trường nước ngoài, cũng như khó có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước khi phải cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, các nước trong Hiệp hội tiếp tục các biện pháp giúp làm giảm khó khăn cho lĩnh vực sản xuất trong nước, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tác động không nhỏ tới nền kinh tế của khu vực. HỒNG HẠNH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=156715&sub=135&top=45