Asiad 2018: Bài học cho phóng viên ảnh

Được tác nghiệp tại Asiad, World Cup, Olympic hay AFF Cup là kỷ niệm nghề không bao giờ quên đối với nhữngphóng viên thể thao Việt Nam, khi thấy được sự 'chuyên nghiệp' của các phóng viênnước ngoài.

Phóng viên ảnh thể thao người Malaysia Stanley Chou

Cách các phóng viên nước ngoài chuẩn bị thiết bị, cách chụp ảnh để ghi lại vẻ đẹp sức mạnh, tốc độ, sự khéo léo, khả năng vượt giới hạn của con người, vẻ đẹp của ngôn ngữ hình thể, sự thông minh của các vận động viên thể thao, từ đó truyền cảm hứng đến độc giả.

“Chuyên nghiệp” ở Asiad

Người có ảnh hưởng khá nhiều đối với tôi về ảnh thể thao là Stanley Chou. Gặp ông trên sân bóng đầu năm 2015 tại Malaysia, tới giờ, chưa bao giờ thấy ảnh của ông nhàm chán, luôn mới mẻ và sáng tạo.

Trước khi sang Indonesia khoảng 1 tháng, tôi theo dõi khá kỹ thông tin để biết xem vận động viên nào, môn nào kỳ vọng có thành tích cao. Từ đó đặt ra bài toán sẽ chụp ai, chụp cái gì và như thế nào. Tất nhiên, chuyến đi này quan trọng nhất vẫn là đội tuyển bóng đá nam.

Đến với tâm thế và sự chuẩn bị kỹ càng, với tôi, mọi chuyện chỉ còn chờ đợi hên hay xui mà thôi.

Trước đây, “chuyên nghiệp” ở Việt Nam theo tôi biết, đó là đáp ứng tốt mọi yêu cầu nội dung do tòa soạn đặt ra, tạo các sản phẩm chất lượng được đồng nghiệp các báo đánh giá cao. Thông thường, phóng viên Việt Nam sẽ theo dõi vận động viên nước nhà thi đấu, cảm xúc, thành tích, bất ngờ, chấn thương, đột biến... rồi khoảnh khắc ăn mừng, trao huy chương các kiểu.

Nhưng “chuyên nghiệp” ở Asiad là cách làm hoàn toàn khác. Ngoài những nội dung (chủ yếu là ảnh), họ ghi lại vẻ đẹp của thể thao: đó là sức mạnh, tốc độ, sự khéo léo, khả năng vượt giới hạn của con người, vẻ đẹp của ngôn ngữ hình thể, của sự thông minh, sự sẻ chia, truyền cảm hứng...

Và đa số họ cũng rất săn đón những vận động viên đỉnh cao của thế giới đang góp mặt tại Asiad. “Họ” chuyên môn hóa từng công việc, phóng viên ảnh chỉ chụp ảnh, video làm video, text là text chứ không “đa di năng” như phóng viên Việt Nam.

Một phóng viên ảnh Singapore hoặc Nhật Bản chỉ theo dõi duy nhất các nội dung thể thao dưới nước như bơi lội, nhảy cầu, bóng nước, bơi nghệ thuật... Điền kinh cũng vậy, bóng đá và các môn khác cũng tương tự. Hoặc với một số các hãng thông tấn, họ phân bổ thời gian theo dõi các môn thi đấu một cách hợp lý, tùy nhu cầu của công chúng.

Một phóng viên ảnh quốc tế chia sẻ, người chuyên nghiệp là người thể hiện được cái không khí tưng bừng của Đại hội Olympic, đưa đến người xem những kỷ lục mới, giới hạn mới của con người..., khác với đa số phóng viên một số nước chỉ đơn thuần đưa những thành tích giới hạn trong cục bộ quốc gia đó.

Thiết bị không bao giờ là đủ đối với phóng viên thể thao

Thiết bị không bao giờ là đủ

Thiết bị máy móc luôn là yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt là với thể loại đặc thù như thể thao. Phóng viên ảnh Việt Nam, có người tự sắm cho mình, người được hãng này, hãng nọ cho mượn “full” đồ xịn nhất hiện nay. Đặc biệt là các giải đấu lớn, phóng viên thường được các hãng cho mượn thiết bị (tối đa 24h/lần/1 thiết bị), anh em luôn tự tin có ảnh đẹp dù khó khăn và thiếu thốn tới đâu chăng nữa.

Nhưng, những đồ đi mượn hay được cho mượn cũng không phải của mình, hãy tưởng tượng ta được chuẩn bị, chắt chiu, sáng tạo, tốn tâm sức làm việc bằng chính máy ảnh của mình, sản phẩm tạo ra nó đáng giá đến từng xu và ý nghĩa với cá nhân như thế nào...

Nói về camera remote (máy ảnh có thể điều khiển từ xa), tôi đã xem, tận mắt chứng kiến, được ngỡ ngàng và sốc. Ngồi cạnh một phóng viên ảnh Nhật Bản, anh mang 4 máy ảnh, trong đó 1 máy cắm lens 600 để chụp trao giải, 1 máy cắm 400 để chụp thi đấu, 1 máy cắm 24 - 70 kèm flash để chụp vận động viên nhận huy chương đi ngang qua, và 1 máy ảnh đặt dưới đáy bể kết nối với máy tính của anh để chụp vận động viên khi thi đấu dưới nước.

Nó không như chúng ta nghĩ là chỉ Ban tổ chức mới được làm, mà mọi phóng viên ảnh đều được tạo điều kiện tối đa làm nếu muốn. Thiết bị không bao giờ là đủ, chỉ là bạn có biết sẽ diễn ra cái gì, ở đâu, như thế nào để chuẩn bị tốt việc chụp hay không mà thôi.

Phóng viên ảnh cũng cần có lòng tự trọng làm nghề. Ảnh: TL

Lòng tự trọng làm nghề

Tôi có nói chuyện với vài phóng viên trẻ của báo khác, rằng tại sao cứ phải cố chụp trộm, quay trộm những gì bị cấm, bị dính bản quyền, điều đó không thể hiện được trình độ, khả năng hay tạo ra những sản phẩm chất lượng, độc quyền cho tòa soạn các bạn.

Tôi cũng không hiểu, các bạn có bị sức ép về định mức tin bài hay không, hay có những sức ép nào khác khiến các bạn phải làm như vậy. Nếu ai đó so sánh với việc nhà báo “vượt rào” pháp luật khám phá ra, truy tìm tội phạm hay cái sai trong xã hội thì nên nghĩ lại. Đây là sự “vượt rào” có chủ đích về điều luật văn minh để “ăn cắp” và làm lợi cho bản thân, hoàn toàn khác nhau.

Tôi trân trọng những gì các bạn nỗ lực vượt qua về sự sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức về thời gian hay sức lực, sự khéo léo ứng biến với hoàn cảnh... để tạo ra các sản phẩm đặc biệt, chất lượng và ấn tượng. Còn nếu làm như thế kia, tôi chỉ thấy các bạn như những kẻ lách luật, luôn phải giấu diếm, không đáng tôn trọng.

Có thể những sản phẩm đó bạn được tòa soạn ghi nhận, đánh giá, trả đồng nhuận bút cao hơn, nhưng về nghề thì các bạn đang mất dần sự tôn trọng của đồng nghiệp. Hơn thế, khi bị phát hiện, xử lý, bạn có thể bị tước thẻ tác nghiệp, ID của bạn được lưu sổ đen và khó lòng được đăng ký tham gia bất kỳ sự kiện lớn nào khác trong khu vực.

“Ăn cây nào rào cây đấy”, nhận lương của ai thì phải làm việc theo yêu cầu của họ. Nhưng, nên nhớ, ra quốc tế, luật rất nghiêm. Hãy biết nghĩ cho chính bản thân mình./.

Anh Tuấn

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/asiad-2018-bai-hoc-cho-phong-vien-anh-n11376.html