'Assad must go' thất bại, Mỹ gỡ gạc chiếm mỏ dầu Syria

Theo giới chuyên gia, chiếm mỏ dầu Syria chỉ là mục đích thứ yếu của Mỹ, sau khi thất bại trong mục đích chính là lật đổ chính quyền Bashar al-Assad.

Ông Trump lại đảo ngược quyết định trong chớp mắt

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảo ngược các quyết định của mình khi ra lệnh tái triển khai thêm lực lượng và phương tiện chiến đấu ở khu vực phía đông Syria, nhằm “bảo vệ các mỏ dầu của Syria khỏi tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS”.

Tuy nhiên, Mỹ đã không thể che được dã tâm chiếm đoạt nguồn tài nguyên dầu mỏ của Syria, để lấy ngân sách duy trì sức mạnh quân sự và hoạt động quản lý trái phép của người Kurd đối với vùng lãnh thổ phía đông sông Euphrates nhiều dầu mỏ của Syria, thuộc 2 tỉnh Deir ez-Zor và al-Hasakah.

“Chúng tôi đang thực hiện các bước để củng cố lực lượng tại tỉnh Deir ez-Zor, Syria, trong đó bao gồm cả các lực lượng cơ giới, để bảo đảm rằng IS sẽ không thể tiếp cận các mỏ dầu ở đây, từ đó cho phép chúng có nguồn thu để tiến hành các cuộc tấn công trong khu vực, vào châu Âu và Mỹ”,

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Epser đã xác nhận việc duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ ở căn cứ Al-Tanf và al-Zuqr, ở phía đông Syria, đồng thời đe dọa sẽ tấn công cả Syria lẫn Nga, nếu họ tiếp cận các mỏ dầu mà người Kurd đang kiểm soát.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định “rất thích dầu của Syria” và sẽ tuần tra bảo vệ nó đồng thời sẽ mời các công ty dầu khí của Mỹ đến hỗ trợ việc khai thác, chế xuất, vận chuyển và xuất khẩu dầu mỏ ở các khu vực người Kurd kiểm soát.

Nguồn tiền bán dầu mỏ trái phép của Syria ước tính trị giá trên 500 triệu dollars mỗi năm dự tính sẽ được chi cho mua sắm vũ khí, trang bị cho người Kurd; dùng làm ngân sách duy trì công tác quản lý các khu vực đang chiếm đóng và hỗ trợ công tác kiểm soát các trại giam tàn quân khủng bố IS; và tất nhiên là cũng sẽ “cung cấp cho Mỹ một số lợi ích”.

Hành động của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích của Nga. Theo Moscow, việc sản xuất nhiên liệu bất hợp pháp đang diễn ra trên các mỏ dầu khi lớn nhất như al-Omar, Tanak và Conoco ở tỉnh Deir ez-Zor và một số mỏ nhỏ khác ở các tỉnh lân cận là Hasakah và Raqqa, hiện do các đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) thuộc lực lượng Dân chủ Syria (SDF) kiểm soát.

Do đó, Nga cáo buộc các động thái tái triển khai quân của Mỹ thực chất không phải xuất phát từ các mối lo ngại an ninh thực sự, mà là nhằm bảo vệ những kẻ buôn lậu dầu, xây dựng và củng cố “một mạng lưới tội phạm ăn cướp dầu của Syria và buôn lậu dầu xuyên biên giới”.

Mỹ và người Kurd đang kiểm soát khu vực phía đông nhiều dầu mỏ nhất của Syria

Mỹ và người Kurd đang kiểm soát khu vực phía đông nhiều dầu mỏ nhất của Syria

Mỹ biến mục đích thứ yếu thành mục tiêu ban đầu

Việc Mỹ chiếm giữ trái phép các mỏ dầu ở phía đông Syria và trao chúng cho người Kurd quản lý đã vấp phải sự phản đối không chỉ của cộng đồng quốc tế, mà ngay cả của các chính khách Mỹ.

Cựu đặc phái viên đặc biệt của Mỹ tại Syria là ông Brett McGurk, người đã từ chức vào tháng 12/2018, đã cáo buộc đây là hành động cướp đoạt tài nguyên dầu mỏ của Syria. Còn Nữ nghị sĩ Hoa Kỳ Tulsi Gabbard cũng đã chỉ trích kịch liệt chính sách của ông Donald Trump về vấn đề này.

Bình luận về vấn đề này, ông Vladimir Bruter, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính trị và nhân đạo quốc tế chỉ ra rằng, việc chiếm giữ các mỏ dầu của Syria không phải là mục tiêu ban đầu của Hoa Kỳ, mà cuộc xung đột ở Syria ngay từ đầu là nhằm để thay đổi chế độ.

Ông Bruter giải thích rằng tất cả các tranh chấp mà Hoa Kỳ khơi mào đều nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông - rốn dầu của thế giới.

Theo ông, có rất ít trường hợp những xung đột như vậy mang lại điều gì đó có lợi cho đất nước và nhân dân nơi sự việc xảy ra. Những trường hợp đó, theo chuyên gia, thường liên quan đến tình hình chính trị trong khu vực, hoặc gắn với lợi ích địa-chính trị.

Còn ở Syria, ông Bruter cho rằng, không thật sự có nhiều dầu, dầu không phải là mục đích chính của cuộc chiến tàn khốc ở Syria, mà nó là khởi đầu cho sự tiếp nối của loạt cuộc cách mạng màu "Mùa xuân Ả Rập" mà Mỹ đạo diễn ở các quốc gia châu Phi và Trung Đông.

Theo quan điểm của Mỹ, cuộc nội chiến ở Syria phải nổ ra để đưa chế độ Hồi giáo ôn hòa [người Sunni] lên nắm quyền ở Syria thay vì chế độ thế tục [nhưng thực chất do người Alawite, một nhánh thuộc dòng Shia] của ông Bashar al-Assad luôn thù địch với Washington.

Chuyên gia tin rằng Washington đã đặt cược vào việc những người Hồi giáo do Hoa Kỳ kiểm soát sẽ lên nắm quyền, nhưng rồi mọi chuyện không đi đến đâu, do sự can thiệp bất ngờ của Nga vào tháng 9/2015.

Theo Bruter, sau khi thất bại trong việc giương cao yêu sách “Assad must go”, nỗ lực của Mỹ nhằm chiếm giữ các mỏ dầu là một thỏa thuận giữa ông Trump và giới tinh hoa chính trị, là sự “gỡ gạc lại chút vốn” của Mỹ.

Vị chuyên gia kết luận rằng, điều này sẽ được giới truyền thông và chính khách Mỹ khoa trương lên là Tổng thống Trump đã không đầu hàng Syria và nhận về một khoản tiền bồi thường cho nước Mỹ. Giờ đây, mục đích thứ yếu sẽ được trình bày như thể đó là nhiệm vụ ban đầu.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/assad-must-go-that-bai-my-go-gac-chiem-mo-dau-syria-3390855/