'Át chủ bài kinh tế' của Moskva trong cuộc đối đầu với phương Tây

Quân 'át chủ bài kinh tế' nhận kỳ vọng sẽ giúp Nga chiếm ưu thế trước phương Tây, nhưng mọi thứ có đi theo toan tính của Moskva?

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) ca ngợi Nga đã đối phó thành công với lệnh trừng phạt nhờ quân "át chủ bài kinh tế" của mình. Tuy nhiên, một số nước phương Tây khác tiếp tục tin rằng trong những năm tới, Liên bang Nga sẽ trở nên "nghèo khó".

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) ca ngợi Nga đã đối phó thành công với lệnh trừng phạt nhờ quân "át chủ bài kinh tế" của mình. Tuy nhiên, một số nước phương Tây khác tiếp tục tin rằng trong những năm tới, Liên bang Nga sẽ trở nên "nghèo khó".

“Những kỳ vọng về việc các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc tiền tệ ở Nga là quá lạc quan. Moskva chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô hơn tăng trưởng và rất kỷ luật khi nói đến ngân sách".

"Họ cũng tích cực đấu tranh chống lạm phát. Ngoài ra, một nhóm các nhà kỹ trị có năng lực đang làm việc tại Nga, nỗ lực của họ vốn đã có thể ổn định nền kinh tế sau các lệnh trừng phạt”.

Nhận xét trên do chuyên gia Beata Javorchik - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Berliner Zeitung.

Sau khi phương Tây cấm Nga tiếp cận thị trường, Moskva đã chuyển hướng sang phương Đông khi xây dựng thương mại với Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan cũng như các quốc gia khác. Ông Yavorchik lưu ý rằng kim ngạch thương mại giữa các nước đã tăng đáng kể.

Bất chấp thành công của Nga trong cuộc chiến chống lại các biện pháp trừng phạt, một số chính trị gia phương Tây vẫn đảm bảo với cư dân của họ rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ trong những năm tới.

"Nhưng điều này sẽ không xảy ra, nếu các quyết định đúng đắn được đưa ra ở tất cả các cấp chính quyền", nhà kinh tế học người Nga - ông Alexander Dudchak nói với tờ PolitExpert (PE).

Theo vị chuyên gia, Nga đã đạt được thành tích kinh tế không lý tưởng nhưng khá khả quan sau 13 tháng bị trừng phạt. Thậm chí Moskva có thể đạt được kết quả xuất sắc nếu đáp ứng hai điều kiện.

“Thứ nhất, Ngân hàng Trung ương vào năm 2022 không nên cho các cá nhân và công ty cơ hội rút 250 tỷ USD, chiếm gần một nửa ngân sách ra nước ngoài”, ông Dudchak gọi đây là điều kiện đầu tiên.

Thứ hai, không cần thiết phải tăng lãi suất cơ bản. Người đối thoại của tờ PE tin rằng khi chỉ số này giảm, nền kinh tế sẽ bắt đầu tăng trưởng.

Ông Dudchak nói rằng triển vọng phát triển của đất nước là tuyệt vời. Nước Nga không trở nên nghèo khó vì đã có sẵn những "con át chủ bài". Sau khi các hạn chế được đưa ra, Moskva đã thoát khỏi việc tuân thủ các quy tắc do IMF áp đặt vào cuối những năm 1990.

“Bây giờ Moskva không cần phải tuân theo bất kỳ yêu cầu nào khi có thể thiết lập tỷ giá hối đoái của đồng Ruble cho phù hợp mà không cần nhìn lại bất kỳ ai, bên cạnh đó là định giá cho các sản phẩm xuất khẩu của mình bằng đồng nội tệ, bỏ qua đồng USD".

"Hơn nữa, Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, công nghệ và các đối tác có thể thay thế hoàn toàn những nhà cung cấp phương Tây. Do đó, hãy để đối thủ phải vò đầu bứt tai chứ không phải chúng tôi”, người đối thoại của tờ PE nói.

Ngoài ra, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm và có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, hợp tác kinh tế giữa hai nước chắc chắn sẽ được mở rộng bởi các hiệp định liên quan đã được ký kết.

“Một đối tác như Trung Quốc rất có lợi cho Nga. Cũng giống như Moskva có lợi cho Bắc Kinh. Chúng tôi có sự bổ sung tuyệt vời cho nhau trong thời điểm khó khăn này”, ông Dudchak tin rằng sự tương tác sẽ hữu ích cho cả hai nước.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/at-chu-bai-kinh-te-cua-moskva-trong-cuoc-doi-dau-voi-phuong-tay-post535038.antd