Audio Research VT80SE - Ampli đèn KT150 chuẩn màu 'tube' và giàu năng lượng

Thuộc sở hữu tập đoàn McIntosh Group từ năm 2008, Audio Research Corporation (ARC) là một trong số ít thương hiệu hi-end có lịch sư dài 50 năm tuổi. ARC VT80SE chạy đèn KT150, được đánh giá rất thành công nhờ thiết kế chỉnh chu, âm thanh dù mang màu 'tube' nhưng vẫn giàu năng lượng.

Gần đây ARC đã thay đổi hướng sản xuất, đó là tập trung phát triển dòng sản phẩm cơ bản của mình để nâng cấp lên thành dòng sản phẩm đắt tiền với tên gọi Series Foundation, bao gồm preamp LS28 linestage (từng nhận giải thưởng Golden Ear Award), DAC9 DAC, PH9 phono preamp và ampli công suất VT80SE. Ba sản phẩm đầu của dòng Series Foundation có giá đến 7500USD; riêng VT80SE lớn và “nặng” hơn nên có giá 8900USD.

Thiết kế và cấu tạo kỹ thuật
Ampli VT80SE được phát triển và nâng cấp từ model VT80. Sự khác biệt lớn nhất có thể thấy giữa VT80 và VT80SE là các đèn công suất của SE sử dụng bóng Tungsol KT150 trong khi của VT80 là bóng KT120, vì vậy giá của ampli cũng đã tăng lên đáng kể. ARC VT80 từng được xem là một trong những sản phẩm thành công nhất về mặt công nghệ trong lịch sử của Audio Research, trong đó việc sử dụng hệ thống phân cực tự động (auto bias) đã giúp chiếc ampli này hầu như triệt bỏ các loại nhiễu của bóng đèn điện tử. Đặc biệt, điều này không chỉ giúp ampli có thể cung cấp tiếng nền rất sạch mà còn giúp người sử dụng có thể thay thế nhiều loại bóng công suất khác nhau như KT88, KT90, KT120, KT150… nhằm thay đổi chất âm và tùy gu nhạc của mình. Đây là một trong những ưu thế rất lớn của Audio Research so với các sản phẩm của các thương hiệu khác trên thị trường.

Tất cả các sản phẩm của dòng Foundation Series đều có các tính năng và phong cách tương tự nhau, giống như một gia đình và giúp mọi người có thể dễ dàng nhận dạng sản phẩm. Chúng đều được thiết kế mặt trước gồm tấm kính như một cửa sổ màu đen cùng với hai tay cầm hai bên lắp vào các mặt nhôm được đánh xước (đen hoặc bạc). Nếu các sản phẩm khác của Foundation Series tận dụng tốt các mặt kính đen để hiển thị nhiều thông tin hoạt động trên nền đèn huỳnh quang màu xanh lá thì mặt kính của VT80SE lại chỉ hiển thị đèn báo cho biết máy đã được bật. Mặt khác, do là một poweramp nên VT80SE được thiết kế với chassis thấp, các bóng đèn điện tử và các biến áp được đặt nổi trên mặt máy. Trong số những bộ ampli của Audio Research mà tôi từng thấy, rất ít sản phẩm đạt được sự hấp dẫn như VT80SE.

Audio Research cho biết các bóng công suất KT150 của VT80SE có tuổi thọ khoảng 3000 giờ (so với 2000 giờ đối với bóng KT120 của dòng VT80). Đây là một khoảng thời gian được xem là dài so với nhiều bóng công suất khác. Nếu bạn sử dụng máy hai tiếng một ngày và 5 ngày/tuần, bóng công suất có thể đạt tuổi thọ 6 năm. Để theo dõi các đèn công suất đã sử dụng được bao lâu, có một đồng hồ đo đèn được tích hợp trên bảng điều khiển phía sau máy bên cạnh giắc cắm dây nguồn. Dù vậy bạn cũng không cần phải kiểm tra quá thường xuyên đồng hồ đo bóng này bởi máy đã được thiết kế mạch phân cực tự động. Các kỹ sư thiết kế của Audio Research cho biết: “Các bóng KT150 do Audio Research cung cấp cho tất cả các sản phẩm đều được sản xuất đặc biệt theo tiêu chuẩn cao của hãng, được kiểm tra, đo kiểm về chất lượng, và đã được chạy rà trong 48 giờ. Sau đó, chúng tôi sử dụng quy trình riêng của mình để ghép chúng bằng tay thành từng bộ match quad có dung sai gấp 10 lần so với bóng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng âm thanh hay nhất”.

Trong các sản phẩm dùng đèn điện tử, mỗi khi bóng chết thì máy thường bị nhiễu hoặc dừng hoạt động. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bóng sẽ bị nẹt lửa và gây tiếng nổ lớn trong loa thậm chí làm đứt điện trở gần đó trong mạch. Vì vậy ARC VT80SE được thiết kế cầu chì riêng cho từng bóng nhằm bảo vệ phần còn lại của bộ khuếch đại một khi bóng chết bất ngờ.

Về phần tiền khuếch đại, VT80SE vẫn sử dụng hai bóng 6H30, một trong những loại bóng yêu thích của Audio Research. Mỗi bóng được trang bị hai vòng chống rung xung quanh đỉnh. Tuổi thọ của bóng 6H30 là 4000 giờ. Giống hầu hết các thiết bị điện tử của hãng, mạch đầu vào của chiếc poweramp này là một thiết kế lai (hybrid), với các JFET kết hợp cùng đèn điện tử khuếch đại tín hiệu. Đối với những ai nghĩ rằng ampli sử dụng đèn điện tử thường có tỷ lệ nhiễu nền cao sẽ phải thay đổi suy nghĩ vì khi sử dụng VT80SE, chiếc poweramp có tỷ lệ nhiễu tín hiệu đạt 112dB, nghĩa là tĩnh hơn so với nhiều bộ khuếch đại bán dẫn khác. ARC VT80SE sử dụng các biến áp xuất âm giống như ampli tham chiếu 75SE của hãng và có cùng công suất 75 watt/kênh.

Ở mặt sau của máy có một ổ cắm IEC để kết nối dây nguồn, lưu ý rằng đây là đầu nối 20amp. Tại sao Audio Research lại sử dụng đầu nối 20 amp? Để giải thích điều này, Dave Gordon, đại sứ thương hiệu, cho biết: “Đầu IEC 20A tạo kết nối chặt hơn so với IEC 15A. Chúng tôi cũng đã dành một lượng thời gian để so sánh giữa hai loại dây nguồn và và chúng tôi nghĩ dây 20A tốt hơn”. Ngoài ra, mặt sau máy có có jack tín hiệu cân bằng (balance) và không cân bằng (RCA), cùng với công tắc chuyển đổi. Mạch của ampli này được thiết kế cân bằng vì vậy nếu dùng dây tín hiệu đầu balance sẽ đạt hiệu quả cao hơn. VT80SE còn có một công tắc tự tắt máy nếu không hoạt động trong hai giờ. Cuối cùng là 6 cọc loa mạ vàng để kết nối các loa 4 ohm hoặc 8 ohm.

Khả năng trình diễn
Để khám phá sức mạnh thật sự của Audio Research VT80SE, chúng tôi ghép với loa Swissonor B.A.C.H. 12 có độ nhạy cao và Franco Serblin Accordo có độ nhạy thấp hơn (87dB). Vì sử dụng mạch bias tự động nên chúng tôi dùng bóng KT88 để thay thế cho KT150 theo máy vì chúng tôi luôn thích âm thanh của KT88. Đây cũng là loại bóng TEST LAB ưa thích của McIntosh, vì vậy chúng tôi đã cho rằng chúng sẽ là một thử nghiệm tốt về mạch điện. Chỉ cần một thao tác đơn giản, chúng tôi đã hoàn tất việc thay thế các bóng công suất. Hãng khuyến cáo để đạt chất âm tối ưu, máy phải hoàn tất chạy rà đến 600 giờ. Phần preamp chúng tôi sử dụng thiết kế tiền khuyếch đại LS28 cũng của Audio Research, và đây cũng là một trong những bộ đôi có độ “matching” rất tốt.

Franco Serblin Accordo , một trong những đôi bookshelf hi-end có khả năng trình diễn sân khấu rất ấn tượng

Franco Serblin Accordo , một trong những đôi bookshelf hi-end có khả năng trình diễn sân khấu rất ấn tượng

Vậy chất âm của ARC VT80SE ra sao? Với loa Swissonor B.A.C.H. 12, powramp này cho ra độ động nhanh và rộng, âm thanh không bị bó lại. Độ động đã thống nhất trên các phổ tần, vì vậy tiếng bass và treble nghe thoải mái giống như giải trung. Kết quả là âm nhạc được thể hiện một cách cân bằng, dù là chi tiết nhỏ hay lớn.

Đầu tiên chúng tôi test bản “Folia: Rodrigo Martinez, 1490-Improvisations D’Après Le Villancico Du CMP (Anonyme)” do Jordi Savall và ban nhạc Renaissance thực hiện phát hành năm 1998. Bản nhạc mở đầu bằng 4 tiếng trên mặt trống cascabel, cùng những tiếng chuông như của xe trượt tuyết, từng âm thanh khác nhau thông qua các nhạc cụ dù khá nhẹ nhưng vẫn rõ ràng, chi tiết. Các tiếng gõ có vẻ hơi nhẹ nhưng khác biệt rõ rệt, như thể tiếng gõ thứ hai được thực hiện từ một góc độ khác, thể hiện khả năng tái tạo chi tiết rất tốt của VT80SE. Tiếng gõ từ các nhạc cụ của tác phẩm này được truyền tải bằng năng lượng dường như vô tận, hoàn chỉnh và phong phú. Tiếng viola da gamba của Savall (một nhạc cụ hơi giống cello) rất hay, có giai điệu tuyệt đẹp. Đặc biệt, độ động của tác phẩm thay đổi liên tục, một số nhạc cụ khiến độ động xuất hiện giống như chúng đang thay đổi theo từng bước riêng biệt. Rõ ràng nó đã kiểm soát sự thay đổi liên tục của độ động một cách tuyệt vời, giúp VT80SE cung cấp một âm hình rộng mở kéo dài liên tục giữa các loa.

Chuyển sang một bản nhạc mới phát hành gần đây (2016), “Snilla Patea” của Bjørn Kåre Odde, chúng tôi được tận hưởng một sân khấu rộng lớn giống như dàn hợp xướng Schola Cantorum dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng Bianca Sparre Dahl đang chơi live trước mắt khiến mọi người đều “nổi da gà”. Chuyển qua bản “Miserere” trong album The Tallis Scholars Allegri’s Miserere & Palestrina’s Missa Papae Marcelli có một đoạn điệp khúc nhỏ trong một nhà thờ, với một nhóm solo nhỏ hơn cách xa nhóm chính. VT80SE đã giúp chúng tôi nghe rõ một giọng ca tenor solo nổi bật lên từ nhóm ca chính, còn dàn dàn hợp xướng trải rộng khắp sân khấu, cảm nhận về chiều sâu được tăng lên khi nhóm solo xuất hiện từ xa. Với VT80SE, sự vang dội được nhấn mạnh, che giấu âm thanh của nhóm solo, nhưng powerampli này vẫn làm cho âm thanh trở nên sạch sẽ. Ghép với Franco Serblin Accordo, đôi loa bookshelf có khả năng tái tạo sân khấu đẹp, không có gì ngạc nhiên khi VT80SE thể hiện một cấu trúc âm thanh hài hòa, chính xác hơn, nhiều năng lượng hơn đáng kể.

Kết luận
Audio Research VT80SE không chỉ có kiểu dáng bắt mắt mà còn có thể đem lại những nốt nhạc chỉnh chu nhất trong phân khúc giá của nó. Mạch phân cực bóng công suất tự động cũng giúp các audiophile thuận tiện và dễ dàng hơn khi sử dụng so với hầu hết các ampli đèn khác. Nếu bạn có trong tay nhiều loại bóng công suất như KT88, KT90, KT120, VT80SE đều có thể “cân” được hết, mặc dù nó đã được trang bị các bóng KT150 cực kỳ phổ biến. Vì vậy, VT80SE nhận được một trong những đề xuất cao nhất của ban biên tập trong việc lựa chọn một thiết kế poweramp đèn trong tầm giá 300 triệu đồng.

Quốc Bảo

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/audio-research-vt80se-ampli-den-kt150-chuan-mau-tube-va-giau-nang-luong-62445.html