Australia có Thủ tướng mới: Khép lại khủng hoảng

Sau gần một tuần căng thẳng với nhiều diễn biến bất ngờ, sự kiện Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Morrison được bầu làm Thủ tướng thứ 30 của Australia hôm 24-8 được cho là đã tạm khép lại cuộc khủng hoảng trên chính trường nước này.

Ông S.Morrison là Thủ tướng mới của Australia.

Đây là kết quả cuộc họp của đảng Tự do theo sự triệu tập của Thủ tướng Malcolm Turnbull để giải quyết bất ổn chính trị. Trong đó, ông M.Turnbull đã từ chức để các nghị sĩ bỏ phiếu bầu chọn giữa ba ứng cử viên là cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Peter Dutton, Bộ trưởng Bộ Tài chính S.Morrison và Ngoại trưởng Julie Bishop. Cuối cùng, ông S.Morrison đã vượt qua 2 ứng cử viên và giành chiến thắng.

Thực tế, sự nổi dậy của phe bảo thủ trong đảng cầm quyền bắt nguồn từ chính sách về chống biến đổi khí hậu của cựu Thủ tướng M.Turnbull. Trong một tuần xáo trộn chính trị vừa qua, nhà lãnh đạo Australia đã từ bỏ chính sách năng lượng và các mục tiêu giảm phát thải carbon nhằm dập tắt tình trạng bất ổn trong nội các. Tuy nhiên, phe cánh hữu luôn tỏ ra hoài nghi. Sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ P.Dutton đệ đơn từ chức để bày tỏ thách thức với Chính phủ của Thủ tướng M.Turnbull, nhiều bộ trưởng khác cũng có quyết định tương tự. Trước những áp lực chính trị, ông M.Turnbull phải tổ chức cuộc họp. Quyết định rút lui khỏi vòng bỏ phiếu, nhà lãnh đạo 63 tuổi đã chính thức rời bỏ chiếc ghế quyền lực nhất trên chính trường Australia.

Ông S.Morrison, 50 tuổi, là phương án phù hợp nhất để trở thành người đứng đầu Chính phủ xứ sở Chuột túi. Là một nhân vật khá ôn hòa, tham gia nghị trường từ năm 2007, ông gây dựng tên tuổi của mình với những thành công trong hàng loạt lĩnh vực như an sinh xã hội, an ninh biên giới và gần đây nhất là Bộ Tài chính với sự cải thiện đáng kể ngân sách. Ông S.Morrison nổi lên chỉ một ngày trước cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo của đảng Tự do khi bất ngờ tuyên bố tham gia tranh cử cùng cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ P.Dutton.

Mặc dù bão táp chính trị đã tạm lắng xuống song cuộc khủng hoảng lần này một lần nữa bộc lộ tồn tại trong chính trường Australia. Đó là khi các nghị sĩ được trao quyền quá nhiều thì một nhóm nhỏ cũng có thể tạo ra cuộc khủng hoảng lãnh đạo để từ đó tác động đến sự tồn tại của cả một chính phủ.

Bên cạnh đó, cựu Thủ tướng M.Turnbull ra đi để lại cho người kế nhiệm một nội các trống vắng với gần một nửa số bộ hiện không có người đứng đầu. Nhiều hoạt động, kế hoạch tham vọng của Chính phủ phải tạm ngưng, trong đó phải kể tới chuyến công du của ông M.Turnbull nhằm thắt chặt quan hệ với 4 nước Đông Nam Á và các quốc đảo láng giềng ở Thái Bình Dương đã bị hủy bỏ. Chưa kể, đồng đô la Australia (AUD) mất giá xuống mức thấp nhất trong vòng hơn hai năm qua trong khi thị trường chứng khoán sụt giảm điểm. Giới phân tích cho rằng, những gì đang diễn ra trên thị trường phản ánh "cuộc khủng hoảng lòng tin" đối với khả năng của các nhà lãnh đạo Australia trong việc đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm sự thịnh vượng cho đất nước.

Rõ ràng, những rạn nứt và bất ổn trong nội bộ Chính phủ Australia và đảng Tự do đang trở thành "gánh nặng" đối với Thủ tướng vừa được bầu chọn, khiến nhiệm vụ của ông S.Morrison trong việc dẫn dắt đảng cầm quyền giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm tới khó khăn hơn. Vì vậy, việc nhà lãnh đạo mới cần làm ngay lúc này là nỗ lực đoàn kết nội bộ đảng Tự do, lấy lại sức mạnh và uy tín trước các cử tri Australia để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Binh-luan/911070/australia-co-thu-tuong-moi-khep-lai-khung-hoang