Australia không dung túng công dân là chiến binh Nhà nước Hồi giáo

Quốc hội Australia bắt đầu thảo luận dự thảo luật cấm những công dân của nước này từng đầu quân cho tổ chức 'Nhà nước Hồi giáo' (IS) tự xưng trở về nước trong vòng tối đa 2 năm.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Australia ở Canberra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Australia ở Canberra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/7, Quốc hội Australia bắt đầu thảo luận dự thảo luật cấm những công dân của nước này từng đầu quân cho tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trở về nước trong vòng tối đa 2 năm.

Dự luật này nếu được thông qua sẽ cho phép Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton ban hành các chỉ thị đặc biệt nhằm ngăn chặn những nghi phạm khủng bố quay trở về nước.

Ông Dutton là người có quan điểm ủng hộ các biện pháp cứng rắn nhằm vào những đối tượng từng tham gia thánh chiến.

Dự luật này được xây dựng trên nền tảng một đạo luật tương tự của Vương quốc Anh, cho phép một thẩm phán quyết định liệu có áp dụng chỉ thị đặc biệt ngăn chặn công dân trở về trong trường hợp đặc biệt hay không.

Hồi đầu tháng Bảy này, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Dutton cho biết dự luật sẽ tác động tới 230 công dân Australia đã tới Syria và Iraq để chiến đấu cho IS, 80 người trong số này hiện vẫn lưu lại các khu vực xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều luồng dư luận quan ngại dự luật này có thể vi hiến và trao quá nhiều quyền lực vào tay bộ trưởng.

Công đảng đối lập đã kêu gọi chuyển lại dự luật này tới Ủy ban An ninh và Tình báo để cân nhắc thêm. Đây là một trong số những dự luật gây tranh cãi hiện đang được thảo luận trong phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội Australia kể từ khi chính phủ bảo thủ tái đắc cử hồi tháng Năm vừa qua.

Các đề xuất khác bao gồm việc hủy bỏ luật mang tên "Medevac" cho phép người tị nạn hoặc di cư ốm yếu ở các trại tị nạn Thái Bình Dương được đưa tới Australia chữa trị./.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/australia-khong-dung-tung-cong-dan-la-chien-binh-nha-nuoc-hoi-giao/583980.vnp