Australia, Nga sẽ thành bãi rác ô tô cũ nếu không thay đổi chính sách này

Việc châu Âu thông qua Đạo luật cấm bán xe hơi động cơ đốt trong từ năm 2035, có thể sẽ biến Australia và Nga trở thành bãi rác về ô tô công nghệ cũ nếu các nước này không có các chính sách kiểm soát nghiêm ngặt.

Quyết định ban hành Đạo luật cấm hoàn toàn việc sản xuất và phân phối xe động cơ đốt trong (xe chạy xăng, dầu) từ năm 2035 vừa được Nghị viện châu Âu đưa ra. Dự kiến, Đạo luật này sẽ được ban hành vào tháng 3 tới, áp dụng cho 27 quốc gia thành viên. Đây là thông tin vô cùng quan trọng đối với ngành xe hơi toàn cầu đầu năm 2023.

Điều đó buộc các nhà sản xuất ô tô truyền thống phải đứng trước hai lựa chọn: Một là chuyển mình trở thành một nhà sản xuất xe điện để chạy đua với thị trường, hai là buộc phải khai thác những thị trường yếu kém hơn, vốn chưa có các quy định ngặt nghèo về khí thải, tiêu biểu như Nga hay Australia.

Thị trường xe hơi Australia là một thị trường khá lớn và sôi động nhưng dễ tính

Toyota, hãng xe hơi lớn nhất thế giới hiện nay, có vẻ như sẽ lựa chọn phương án thứ hai. Trong thời gian vừa qua, họ đã đưa ra tuyên bố rằng chưa sẵn sàng để ra mắt và sản xuất xe điện cho tới năm 2027. Đồng thời, xe điện chỉ chiếm 0,2% số xe Toyota được bán ra toàn cầu, không một chiếc xe điện Toyota nào được bán ra tại Australia trong năm 2022.

Theo phân tích của trang The Driven, điều này sẽ biến những quốc gia phát triển như Australia hay Nga trở thành một bãi rác cho ô tô truyền thống, ứng dụng công nghệ cũ và sử dụng động cơ xăng hay dầu diesel nếu các chính phủ này không thực sự có các nhận thức về việc phải gia tăng các biện pháp tăng cường tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện.

Riêng tại Nga, với sự cấm vận ngặt nghèo tới từ thế giới phương Tây đã khiến ngành công nghiệp ô tô của nước này tổn thất nghiêm trọng chưa từng có, thậm chí có thể nói là đã bị kéo lùi cả thập kỉ sau khi đứt gãy các chuỗi cung ứng.

Giờ đây, ô tô Lada của Nga sản xuất không còn đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải châu Âu những năm 2000. Vì vậy, Nga không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải sống chung với sự ô nhiễm và nhờ cậy một phần nào đó, từ công nghiệp ô tô Trung Quốc.

Trong khi đó, Australia vướng mắc ở chính sách vĩ mô. Đây là một thị trường xe hơi khá lớn trên thế giới, với mức tiêu thụ cao và cực kỳ nhộn nhịp. Tuy nhiên, chính phủ Canberra thiếu các chính sách về khí thải ô tô, khiến cho cộng đồng người dân bức xúc, lên tiếng kêu gọi các nhà chức trách nhanh chóng phải có hành động rõ ràng hơn trong bối cảnh châu Âu đã ban hành lệnh cấm xe hơi truyền thống.

Toyota trong tuần trước đã bị cáo buộc về việc ngăn cản quá trình điện khí hóa thị trường ô tô Australia do đã đệ trình lên chính phủ những chính sách về tín dụng mới, khiến người dân khó tiếp cận gần hơn với xe điện.

Một nghiên cứu về hiệu quả của xe điện được thực hiện gần đây ở California đã chứng minh rằng sự phát triển nhanh chóng của xe điện đã làm cải thiện rõ rệt chất lượng không khí và giảm thiểu các bệnh liên quan về đường hô hấp đối với con người. Nó cho thấy, chỉ cần tăng 2% số lượng xe điện so với hiện nay cũng sẽ cho chúng ta thấy những sự tích cực có thể phát hiện được từ môi trường.

Do đó, người Australia đang vô cùng mong muốn rằng chính phủ của họ thực sự có các hành động một cách cụ thể, để ngăn quốc gia này không trở thành một bãi rác ô tô công nghệ cũ tới từ những nhà sản xuất ô tô bảo thủ.

Hùng Dũng (Theo The Driven)

Bạn có góc nhìn nào về các vấn đề nóng của ngành ô tô? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/australia-nga-se-thanh-bai-rac-o-to-cu-neu-khong-thay-doi-chinh-sach-nay-2112001.html