Australia nóng chưa từng có tiền lệ, cả người lẫn động vật đều khốn đốn

Trong khi nước Mỹ chìm trong giá lạnh thì Australia đang vật vã trong cái nóng kỷ lục kéo dài nhiều tháng trời.

Trong khi nước Mỹ chìm trong giá lạnh thì Australia đang vật vã trong cái nóng kỷ lục kéo dài nhiều tháng trời.

Ông nông dân Wayne Dunford cảm thấy kiệt sức. Ông đã chống chọi suốt 18 tháng qua với những đợt hạn hán tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến trong nửa thế kỷ qua.

Ông Wayne trên mảnh đất của mình trong đợt hạn hán năm 2010. Ảnh: Getty

Ông đã phải dùng tay cho gia súc ăn trên mảnh đất ở New South Wales trong suốt 12 tháng qua. Giờ ông lo không biết có thể trồng cây không sau khi Australia trải qua đợt nóng kỷ lục, khiến cánh đồng khô kiệt hoàn toàn.

Ông nói với CNN: “Bạn quay xung quanh và bạn không thể nhìn khắp cánh đồng gì vì bụi bay mù mịt”.

Cứ tuần này qua tuần khác, nhiệt độ tiếp tục tăng cao trên toàn bộ 8 bang và vùng lãnh thổ. Khắp Australia, nhựa đường nóng chảy, các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, cá và động vật chết hàng loạt.

Thành phố Adelaide ở miền nam đã trải qua ngày nóng kỷ lục vào 24/1 khi nhiệt độ lên tới 46,6 độ C.

Một nông dân đi trong đám bụi mù mịt. Ảnh: Getty

Ngày 1/2, Cục Khí tượng Australia thông báo đây là tháng 1 nóng kỷ lục và tình hình thời tiết là chưa từng có tiền lệ.

Khi ở nhiệt độ trên 40 độ C, cơ thể con người bắt đầu bị kiệt sức vì nóng. Khi nhiệt độ vượt 41 độ C, cơ thể bắt đầu ngừng hoạt động.

Cảnh báo sức khỏe đã được phát trên toàn Australia. Người dân được khuyên ở trong nhà trong những thời điểm nóng nhất ngày, hạn chế hoạt động thể chất và giữ nước cho cơ thể.

Trong khi tình trạng nóng hiện nay gây ra nhiều vấn đề cho người dân Australia, các nhà khoa học cảnh báo thời tiết cực đoan hiện nay mới chỉ là vấn đề bắt đầu với Australia nếu không có hành động chống lại biến đổi khí hậu.

Ngựa hoang chết hàng loạt do nắng nóng. Ảnh: happypets

Ông Michael Grose, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Khoa học Khí hậu nói: Tới năm 2100, Australia có thể đối mặt với 22 ngày nóng trên 40 độ mỗi năm theo kịch bản tồi tệ nhất. Thậm chí cả trong kịch bản khí khải ở mức thấp nhất, chúng ta cũng sẽ thấy những ngày nóng kỷ lục sẽ tăng”.

Trong một video lan truyền nhanh chóng ở Australia hồi tháng 1, hai nông dân đã cầu xin giúp đỡ khi đứng bên cạnh dòng sông Darling ở New South Wales.

Video cá chết ở hồ Menindee (nguồn: Guardian):

Họ bê hai con cá to đã chết vì nhiệt độ quá cao. Một nông dân nói: “Con cá này đã 100 tuổi. Nó sẽ không bao giờ trở lại”. Một nông dân khác kể lại rằng khi ông đi dọc sông, cá vẫn đang giẫy chết. Rất nhiều cá bật tanh tách trên mặt nước”.

Xác cá nổi trên mặt nước. Ảnh: CNN

Cá không phải nạn nhân duy nhất của thời tiết cực đoan tại Australia. Ở Lãnh thổ phía Bắc, xác hàng chục con ngựa hoang nằm phơi dọc một hố nước khô cạn.

Ở Victoria, hơn 2.000 con cáo bay chết vì nhiệt. Sự việc được báo chí mô tả là ác mộng. Cáo bay chết hàng loạt cũng xảy ra ở New South Wales và Queensland.

Tổ chức Hòa bình Xanh Australia nói: “Không động vật nào đáng chịu đựng điều này. Chúng ta phải ngăn ảnh hưởng hủy diệt của biến đổi khí hậu trở thành điều bình thường”.

Cháy rừng bùng phát khắp bang Tasmania. Ảnh: Getty

Hàng chục đám cháy rừng đã bùng phát khắp bang Tasminia, phá hủy nhà cửa và môi trường tự nhiên.

Đối mặt với áp lực trốn nóng của người Australia, mạng lưới điện nước này bắt đầu gặp khó khăn. Hàng trăm nghìn gia đình bị cắt điện rải rác ở Victoria và Nam Australia khi mà nhu cầu dùng quạt và điều hòa tăng.

Trong cái nóng như thiêu đốt, Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) đã đưa ra nhận xét về chính sách môi trường của Australia. OECD kêu gọi Australia bảo vệ tốt hơn đa dạng sinh thái và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nếu tình trạng hiện nay không cải thiện, Australia sẽ không đạt các mục tiêu về khí thải theo như Thỏa thuận Paris.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/australia-nong-chua-tung-co-tien-le-ca-nguoi-lan-dong-vat-deu-khon-don-20190201163135129.htm