Australia: Thách thức đối với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0

Sau một thập kỷ không đạt được nhiều tiến triển, các hành động về năng lượng và biến đổi khí hậu của Australia đã thay đổi với tốc độ đáng kinh ngạc trong 12 tháng qua.

Trong ảnh: Trung tâm thương mại ở Sydney, Australia,. Ảnh: TTXVN phát

Theo bài viết trên abc.net.au, sau một thập kỷ không đạt được nhiều tiến triển, các hành động về năng lượng và biến đổi khí hậu của Australia đã thay đổi với tốc độ đáng kinh ngạc trong 12 tháng qua. Việc tăng tốc đầu tư vào các đường dây truyền tải đang kích hoạt sự phát triển của một hệ thống khổng lồ các dự án năng lượng tái tạo, và tiếp theo là đến các cơ sở lưu trữ năng lượng.

Australia đã đặt ra các khung thời gian đóng cửa nhà máy nhiệt điện than ngắn hơn, đưa ra yêu cầu giảm khí thải đối với các cơ sở phát thải lớn nhất và ban hành quy tắc mới về bù đắp phát thải carbon. Dự kiến các khu vực ở Australia sẽ chứng kiến những thay đổi lớn về kinh tế và môi trường.

Do tất cả các nhà máy nhiệt điện chuẩn bị phải đóng cửa, phần lớn nguồn phát thải lớn là các mỏ khai khoáng và cơ sở công nghiệp. Cơ sở hạ tầng truyền tải, lưu trữ và phát điện tái tạo mới hầu như chỉ xuất hiện bên ngoài các khu vực thành phố, phần lớn ở các khu vực nội địa, nông thôn.

Quy mô đầu tư tư nhân và công cộng sẽ là yếu tố khiến các chính sách khí hậu mang tính cách mạng trong vài năm tới. Ước tính, hơn 20 tỷ AUD (khoảng 13,4 tỷ USD)/năm sẽ cần được đầu tư vào các chính sách về biến đổi khí hậu của Australia trong những thập kỷ tới. Con số này gần bằng tổng đóng góp hàng năm của ngành nông nghiệp lưu vực Murray-Darling - vựa lương thực chính của Australia. Mặc dù đầu tư sẽ dẫn đến những cơ hội lớn cho sự thay đổi tích cực nhưng quy mô và tốc độ của thay đổi là rất khó khăn.

Các thị trấn và trung tâm có dân số tương đối nhỏ, thiếu lực lượng lao động và nhà ở, dự kiến sẽ phải tiếp nhận hàng trăm và thậm chí là hàng nghìn công nhân xây dựng mới.

Hầu hết các dự án năng lượng được cho là sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy thị trường nhà ở tại các địa phương ở Australia. Các dự án năng lượng Mặt Trời thường được thực hiện trong một năm, dự án năng lượng gió trong khoảng hai năm, do đó sự tuyển dụng ngắn hạn này chỉ có tác động hạn chế.

Các chính phủ và các tập đoàn thúc đẩy sự chuyển đổi năng lượng nhưng lại không có sự chuẩn bị cho các cộng đồng địa phương về những tác động tiềm tàng. Khả năng xảy ra bất ổn trong các cộng đồng địa phương và xung đột về tác động cục bộ đã bắt đầu xuất hiện.

Các thách thức đối với dự án HumeLink của công ty vận hành mạng lưới truyền tải điện Transgrid là một minh chứng điển hình về điều gì sẽ xảy ra với các tham vọng khí hậu khi không đánh giá chính xác các tác động với cộng đồng người dân địa phương.

Những người đứng đầu cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người có năng lực tài chính và sẵn sàng thực hiện các cuộc vận động hành lang, cũng có thể làm chậm hoặc thay đổi các dự án năng lượng. Ví dụ như trường hợp người dân địa phương ở Merriwa đã vận động thành công việc di dời một đường dây truyền tải điện chính. Tuy nhiên, nhiều khu vực chỉ mới bắt đầu nhận ra những gì đang đến với họ và gặp khó khăn trong ứng phó với sự thay đổi. Do đó, chính phủ cần hỗ trợ người dân địa phương, giúp tránh xảy ra xung đột không cần thiết dẫn đến sự chậm trễ và thiếu hiệu quả của dự án.

Những người đại diện cho người dân địa phương - nơi thực hiện các dự án năng lượng - đang tìm kiếm vai trò trong quy hoạch chi tiết dự án và tác động đối với địa phương đó. Họ muốn có một chiến lược dài hạn để mang lại lợi ích tài chính cho cả cộng đồng thay vì chỉ cho một nhóm nhỏ sở hữu đất triển khai dự án.

Họ cũng muốn thấy sự phối hợp và lập kế hoạch tốt hơn cho các dự án, nhằm giảm bớt rủi ro liên quan đến sự bùng nổ hoạt động xây dựng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp hiện có và cộng đồng địa phương. Họ đang xem xét những thay đổi lớn về kinh tế, từ việc đóng cửa các nhà máy điện và mỏ, đến xây dựng các tổ chức do người địa phương lãnh đạo có thể đáp ứng các nhu cầu của địa phương và hỗ trợ cơ hội phát triển công nghiệp mới.

Họ cũng muốn biết rằng liệu các dự án bù đắp khí thải carbon có thể cùng tồn tại và mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp và môi trường hay không. Các mục tiêu khí hậu sẽ được ủng hộ nếu chúng mở ra các cơ hội đầu tư mới và mang lại lợi ích cho địa phương. Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi đặt ra về tác động với từng khu vực trước thực tế là chính phủ hoặc ngành công nghiệp năng lượng chưa thực sự hiểu sự đánh đổi và khó khăn ở địa phương.

Trách nhiệm thuộc về chính phủ và giới chức các bang, thuộc về các nhà đầu tư tổ chức và các công ty đang tìm kiếm lợi nhuận từ những cơ hội chuyển đổi năng lượng này. Hai năm tới sẽ quyết định liệu Australia có thực hiện các mục tiêu khí hậu với sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương hay liệu Canberra lại phải trì hoãn các dự án tham vọng đó./.

Nguyễn Linh (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/australia-thach-thuc-doi-voi-muc-tieu-dua-phat-thai-rong-ve-0/288557.html