Australia thay Thủ tướng sau một đêm: Chính trường hỗn loạn

Thời gian qua, chính trường Australia đã chứng kiến sự hỗn loạn và một cuộc 'thay máu' đầy kịch tính.

Ngày 24-8, ông Malcolm Turnbull đã đánh mất vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền Tự do cùng chiếc ghế thủ tướng trong cuộc đảo chính nội bộ về tay chính khách theo khuynh hướng bảo thủ thực dụng Scott Morrison.

Trở thành vị thủ tướng thứ 30 của Australia, ông Scott Morrison lập tức tuyên bố sẽ xác lập lại trật tự trong nội bộ đảng Tự do vốn đang chia rẽ nghiêm trọng, đồng thời giải quyết các ưu tiên quan trọng nhằm đảm bảo an ninh kinh tế và quốc gia.

Tuy nhiên, giới quan sát tự hỏi liệu ông Morrison có thể giữ chức thủ tướng được bao lâu khi luôn ở trong nguy cơ mất ghế?

Đảo chính bất ngờ

Sự xáo trộn nền chính trị Australia được đẩy lên đỉnh điểm khi phe bảo thủ trong đảng Tự do cầm quyền luôn hoài nghi và tỏ thái độ thù địch, phản đối quyết liệt với những chính sách ôn hòa của ông Turnbull. Có thể nói, Thủ tướng Turnbull đã thất bại với chính sách năng lượng quốc gia, đồng thời “bị ném đá” vì các chính sách nhập cư.

Thủ tướng Turnbull đã trải qua thời điểm khó khăn khi phải công bố những biện pháp thay đổi chính sách năng lượng nhằm hạ giá điện tiêu dùng cho các hộ gia đình nhưng lại không nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ trong chính đảng cầm quyền. Đồng thời, nhiều ý kiến chỉ trích chính sách cho phép người nhập cư vào Australia là sai lầm, tạo thêm gánh nặng cho phúc lợi xã hội.

Cuộc khủng hoảng về chính sách và nội các lần này đã gây ra tình trạng hỗn loạn và khó khăn cho ông Turnbull trong việc củng cố vị thế, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tiếp theo, dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm 2019. Vị trí thủ tướng của ông Turnbull bị thách thức sau cuộc bỏ phiếu đầu tiên bầu lãnh đạo đảng cầm quyền vào ngày 21-8.

Scott Morrison trở thành vị Thủ tướng Australia thứ 30 và thứ 6 chỉ trong 10 năm trở lại đây sau cuộc “đảo chính” người tiền nhiệm Malcolm Turnbull.

Tưởng rằng đã yên vị với chiếc ghế quyền lực khi “lách qua khe cửa hẹp” sau chiến thắng sát sao 48-35 trước Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton nhưng mọi việc sau đó lại trở nên tồi tệ hơn đối với ông Turnbull. Bởi thất bại đã khiến Dutton không còn đường lui, nên quyết định cùng nhiều quan chức cao cấp trong nội các đệ đơn từ chức.

Ngày 23-8, Dutton “phản công”, thách thức ông Turnbull để trở thành lãnh đạo đảng cầm quyền. Trước những áp lực chính trị, ông Turnbull đã phải tổ chức cuộc họp để quyết định tương lai chính trị của mình và tuyên bố sẽ rời chính trường nếu thua trong lần đối đầu thứ 2 với Dutton. Và, chỉ một ngày sau, điều này trở thành sự thật.

Thủ tướng Turnbull mất vị trí lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền cùng vị trí lãnh đạo đất nước khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, sau đó thì chính Peter Dutton lại bị Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison đánh bại trong cuộc bỏ phiếu ngày 24/8. Như vậy, Australia đã có vị thủ tướng thứ 30 chỉ sau một đêm.

Scott Morrison sẽ chính thức trở thành Thủ tướng Australia thứ 6 chỉ trong 10 năm trở lại đây cho tới khi cuộc bầu cử tới dự kiến diễn ra vào ngày 18-5-2019. Sự xuất hiện của ông Morrison với vai trò lãnh đạo Australia được nhiều người bảo thủ chào đón, với hi vọng ông sẽ bảo vệ “quyền tự do tôn giáo”.

Nhưng, tân Thủ tướng Morrison lại bị đẩy vào một vị thế bấp bênh vì không nắm đa số ghế tại Quốc hội. Với quy định bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng, vị trí thủ tướng của ông Morrison sẽ luôn ở trong tình trạng “treo trên sợi tóc”, có thể bị hạ bệ bất cứ lúc nào.

Nhiệm vụ khó khăn

Sự xuất hiện của ông Morrison tiếp tục minh chứng cho cái gọi là “đảo chính như cơm bữa” ở chính trường Australia. Một số nhà quan sát gọi việc Morrison trở thành thủ tướng là thảm họa, rằng mâu thuẫn nội bộ đã sâu sắc đến mức ông đã lật đổ chính người trong đảng để lên nắm quyền.

Là đồng minh của cựu Thủ tướng Turnbull, ông Morrison từng đứng lên bảo vệ ông Turnbull trước sự tấn công của ông Dutton. Vậy nhưng, kỳ thực ông lại âm thầm vận động sự ủng hộ của các thành viên, chưa bao giờ đứng ngoài bất kỳ cuộc tranh giành quyền lực nào và thể hiện tham vọng đánh bại cả Turnball lẫn Dutton. Giới quan sát nhận định, đây chỉ là một sự giả dối và lợi dụng giữa những chính khách.

Thách thức của ông Morrison là hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng bằng cách giải quyết các vấn đề gây bất đồng như chính sách năng lượng hay nhập cư.

Chưa hết, Morrison còn gây nhiều tranh cãi trên chính trường bằng cá tính gay gắt, được đánh giá là một thành viên bảo thủ nhất của cánh ôn hòa trong đảng cầm quyền Australia. Ông từng trở thành tâm điểm vì lập trường cứng rắn với dân nhập cư thông qua chính sách “quay đầu thuyền”, gây làn sóng phẫn nộ khi cho rằng Chính phủ Australia đang tốn tiền thuế của người dân trong việc trợ giúp thân nhân những người thiệt mạng.

Năm 2013, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới Australia dưới thời cựu Thủ tướng Tony Abbott. Ở vị trí này, ông hoạt động tích cực nhằm ngăn chặn người tị nạn đến Australia bằng đường biển, thi hành chính sách “không khoan nhượng” đối với người nhập cư theo phương pháp này.

Có một thực tế là, trái ngược với kết quả bầu chọn lãnh đạo đảng cầm quyền, cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy phần lớn người dân Australia tin tưởng ông Turnbull, tiếp đó là Ngoại trưởng Bishop - người bị loại đầu tiên trong cuộc họp nội bộ đảng.

Sự bất ngờ đến khó hiểu là thủ tướng mới của Australia lại là Morrison, ứng viên xếp cuối cùng với tỷ lệ 8,6% người ủng hộ. Kết quả này cho thấy ông Morrison đối mặt với thử thách lớn trong việc giành lấy sự ủng hộ của người dân.

Trong cuộc bỏ phiếu nội bộ tìm lãnh đạo đảng Tự do nội bộ lần 2, ông Scott Morrison đã đánh bại Peter Dutton với tỷ lệ 45-40.

Chưa hết, Morrison sẽ phải dẫn dắt một chính phủ thiểu số từ nay cho tới khi cuộc bầu cử bổ sung được tổ chức, đẩy chính phủ mới vào tình thế nguy hiểm, bởi Công đảng đối lập có thể đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ bất cứ lúc nào.

Do vậy, điều sống còn đối với chính phủ Morrison là phải thắng được cuộc bầu cử bổ sung sắp tới, để duy trì quyền lực.

Ngay sau khi ông Morrison giành chiến thắng để hạ bệ người tiền nhiệm Turnbull, nhiều chính khách cho rằng ông đã tiến hành một chiến dịch thô bạo lật đổ lãnh đạo đảng Tự do theo cách thức vô cảm. Họ tố cáo Morrison không đối xử công bằng với ông Turnbull, rằng Morrison không đủ tố chất làm lãnh đạo khi quá thiếu kinh nghiệm chính trường và chỉ như “thùng rỗng kêu to”.

Rõ ràng, Morrison đang gặp nhiều bất lợi khi cần phải tìm cách thay đổi phương thức lãnh đạo, để tránh những trường hợp tương tự như việc Turnball bị đảo chính xảy ra trong tương lai, đồng thời nâng cao uy tín cá nhân và thay đổi quan điểm của những phe tỏ thái độ thù địch với chính quyền của ông.

Cuộc tổng tuyển cử năm 2019 đang đến gần và ngày càng có nhiều cử tri thất vọng trước những chính sách không mấy hiệu quả của chính phủ tiền nhiệm quay sang ủng hộ Công đảng đối lập hoặc các đảng nhỏ.

Trong vai trò Thủ tướng, việc chèo lái đảng Tự do thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm tới không phải là bài toán dễ đối với tân Thủ tướng Morrison.

Những việc mà ông Morrison cần làm ngay là xúc tiến thành lập nội các mới, xem xét lại các chính sách và hàn gắn mối bất đồng giữa hai phe bảo thủ và ôn hòa trong nội bộ đảng bằng cách giải quyết các vấn đề gây bất đồng mà chính sách năng lượng là một ví dụ điển hình.

Anh Lâm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/australia-thay-thu-tuong-sau-mot-dem-chinh-truong-hon-loan-512404/