Australia vượt qua sóng gió chính trị

Ngày 24-8, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần một tuần qua ở Australia đã chấm dứt khi ông Scott Morrison nhậm chức Thủ tướng Australia, thay thế vị trí của người tiền nhiệm Malcolm Turnbull.

Theo tờ The Guardian, lễ nhậm chức diễn ra ngắn gọn tại trụ sở Quốc hội Australia. Đồng thời, ông Josh Frydenberg cũng đã nhậm chức Bộ trưởng Ngân khố thay thế vị trí trước đó do ông Morrison đảm nhận.

Trong phát biểu cùng ngày, ông Morrison hứa hẹn sự thay đổi thế hệ trong đảng Tự do cầm quyền, tìm cách chấm dứt tình trạng đấu đá nội bộ. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ của thế hệ lãnh đạo mới là "bảo đảm không chỉ đưa đảng Tự do đoàn kết trở lại mà còn đưa Quốc hội Australia đoàn kết trở lại". Gửi gắm tới các cử tri Australia, ông khẳng định "thế hệ lãnh đạo mới của đảng Tự do đứng về phía người dân". Ngoài ra, ông Morrison bác bỏ đồn đoán về một cuộc bầu cử sớm, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ ưu tiên ngay lập tức giải quyết tình hình hạn hán trầm trọng trên toàn khu vực miền Đông Australia.

Ông Scott Morrison tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Australia. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Australia xảy ra khi nội bộ đảng Tự do dưới sự lãnh đạo của ông Malcolm Turnbull bất đồng sâu sắc về chính sách năng lượng mới do ông Turnbull đưa ra. Sự bất đồng đã dẫn tới việc đảng Tự do phải tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 21-8. Mặc dù vượt qua đối thủ của mình là cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton trong cuộc bỏ phiếu này, song ông Malcolm Turnbull lại phải đối mặt với làn sóng từ chức của các quan chức trong nội các. Tình trạng hỗn loạn càng nghiêm trọng khi tính đến hết ngày 23-8 có tới hơn 15 quan chức chính phủ đệ đơn từ chức nhằm phản đối Thủ tướng Turnbull, gây tê liệt chính phủ cũng như hoạt động của quốc hội.

Trước tình trạng này, sáng 24-8, Thủ tướng Turnbull đã triệu tập cuộc họp của đảng Tự do cầm quyền lần thứ hai trong vòng 4 ngày để bầu lại lãnh đạo đảng, cũng là vị trí thủ tướng nước này. Tại cuộc họp, ông Malcolm Turnbull đã từ chức để các nghị sĩ bỏ phiếu bầu chọn giữa 3 ứng cử viên là cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton, Bộ trưởng Ngân khố kiêm Quyền Bộ trưởng Nội vụ Morrison và Ngoại trưởng Julie Bishop. Trong vòng bỏ phiếu đầu, Ngoại trưởng Bishop đã bị loại do nhận được số phiếu bầu ít nhất. Ở vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Morrison đã vượt qua ông Dutton với tỷ lệ phiếu bầu 45-40 và giành chiến thắng, trở thành nhà lãnh đạo mới của Australia.

Chiến thắng của ông Morrison đã góp phần chấm dứt cuộc khủng hoảng lãnh đạo trong đảng Tự do cầm quyền. Mặc dù bão táp chính trị tạm lắng xuống, song cuộc khủng hoảng lần này một lần nữa bộc lộ những tồn tại trong nền chính trị Australia. Đó là khi các nghị sĩ được trao quyền quá nhiều thì một nhóm nhỏ cũng có thể tạo ra cuộc khủng hoảng lãnh đạo, từ đó tác động đến sự tồn tại của cả một chính phủ. Trường hợp vừa diễn ra không phải là đầu tiên tại Australia. Trường hợp thay đổi lãnh đạo “giữa dòng” đã xảy ra từ năm 2010 khi bà Julia Gillard giành số phiếu bầu cao hơn ông Kevin Rudd trong Công đảng để trở thành Thủ tướng Australia.

Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng chính trị đã tác động không nhỏ tới đời sống của người dân xứ sở Chuột túi. Tỷ giá hối đoái của đồng đô-la Australia (AUD) so với USD đã xuống mức thấp nhất trong vòng hơn hai năm qua, trong bối cảnh hệ thống chính trị của nước này chao đảo với lục đục nội bộ. Bên cạnh đó, niềm tin của cử tri Australia vào các nhà lãnh đạo đất nước cũng đã ít nhiều bị sụt giảm sau những diễn biến chóng vánh vừa qua.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/australia-vuot-qua-song-gio-chinh-tri-547789