Avangard khiến Mỹ vừa tức vừa sợ?

Theo chuyên gia Mỹ, các căn cứ nước ngoài cho phép Mỹ tấn công nhanh chóng mà không cần sử dụng bất kỳ hệ thống siêu thanh tiềm năng nào.

Người Mỹ bấn loạn!

Chuyên gia Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm phân tích chính trị quân sự Hudson (Mỹ), mới đây đưa ra nhận định rằng việc Nga thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh Avangard sẽ không tác động lớn đến học thuyết quân sự của Mỹ. Lý do là điều này không thay đổi tính dễ sát thương mà số lượng lớn tên lửa đạn đạo chiến lược của Nga và Mỹ gây ra cho nhau.

Ông Weiz được Sputnik dẫn lời nói: "Mỹ, giống như Nga, đã nghiên cứu công nghệ siêu thanh trong nhiều thập kỷ, nhưng chưa bao giờ triển khai nó. Các hệ thống này ít có giá trị đối với Lực lượng Vũ trang Mỹ vì lực lượng này vốn đã sở hữu nhiều phương tiện tấn công mục tiêu hiệu quả”.

Hình ảnh phóng thử tên lửa Avangard do Bộ Quốc phòng Nga công bố

Ví dụ được chuyên gia Mỹ đưa ra là số lượng lớn các căn cứ nước ngoài cho phép quân đội Mỹ tấn công các mục tiêu một cách nhanh chóng mà không cần sử dụng bất kỳ hệ thống siêu thanh tiềm năng nào ở trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Weitz, "cuộc thử nghiệm của Nga đã gia tăng áp lực đối với Mỹ, buộc nước này phải phát triển các hệ thống tương tự để bắt kịp Nga trong công nghệ quân sự then chốt".

Chuyên gia này cho rằng, các hệ thống như vậy có thể làm phức tạp tương lai kiểm soát vũ khí ở cả Nga và Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Weitz, Nga và Mỹ có một số lợi ích chung trong việc ngăn chặn các quốc gia khác giành được công nghệ vũ khí siêu thanh.

Mặc dù vậy, không loại trừ khả năng Nga có thể cung cấp các hệ thống này cho các quốc gia như Syria và Trung Quốc, những nước muốn ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng của Mỹ.

Những phân tích trên thể hiện sự mâu thuẫn trong đánh giá của chuyên gia Mỹ khi vừa cho rằng Mỹ không cần tới tên lửa siêu thanh lại vừa khẳng định đây là “công nghệ quân sự then chốt” mà Mỹ phải bắt kịp Nga.

Truyền thông Nga cho biết Bộ Quốc phòng nước này, theo chỉ thị của Tổng thống, Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Vladimir Putin, ngày 26/12 đã tiến hành thử nghiệm kiểm tra mùa Hè, trong đó phóng thử thành công tổ hợp tên lửa Avangard được cho là có thể đạt tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh.

Điện Kremlin cho biết: "Tổng thống Putin đã có mặt tại Trung tâm chỉ huy quốc phòng và ra lệnh bắt đầu thử nghiệm. Tên lửa đã đánh trúng mục tiêu giả định. Trong quá trình bay ở vận tốc siêu thanh, đầu đạn đã thực hiện chuyển động nằm ngang và thẳng đứng có điều khiển và đánh trúng mục tiêu giả định vào đúng thời gian định trước".

Mỹ không cần sao phải hối hả nghiên cứu vũ khí siêu thanh để bắt kịp Nga?

Theo truyền thông Nga, tính năng của đầu đạn thử nghiệm giúp nó tránh vùng tác động của các phương tiện phòng thủ tên lửa, giúp đảm bảo vượt qua hiệu quả tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại cũng như trong tương lai.

Điện Kremlin nhấn mạnh chương trình thử nghiệm kiểm tra mùa Hè đã được thực hiện đầy đủ, giúp đưa tổ hợp Avangard vào trang bị cho Quân chủng tên lửa chiến lược đúng thời hạn.

Mỹ đang hụt hơi

Văn phòng Kiểm toán Mỹ mới đây đã lưu ý rằng nước này chưa có hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể ngăn chặn vũ khí siêu thanh, đặc biệt là của Nga. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng các nước cần ít nhất 5 năm để bắt kịp Nga trong lĩnh vực này.

Hiện có những thông tin cho thấy, phương Tây dường như đang cố gắng đánh cắp bí mật về vũ khí siêu thanh của Nga. Hồi tháng 7 năm ngoái, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã tiến hành khám xét văn phòng của các nhân viên Viện nghiên cứu khoa học chế tạo máy trung tâm (thuộc Tập đoàn vũ trụ quốc gia Roscosmos) và văn phòng Giám đốc Trung tâm phân tích-nghiên cứu Tập đoàn tên lửa vũ trụ thống nhất (ORKK) Dmitry Paison trong khuôn khổ vụ án hình sự về tội "Phản bội tổ quốc".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/avangard-khien-my-vua-tuc-vua-so-3372224/