Ðẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Nhằm cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động từ nay đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng 240 nghìn chỗ ở mới. Ðây là thách thức không nhỏ, cần có những giải pháp thích hợp, thủ tục xây dựng gọn nhẹ và tạo quỹ đất sạch dành riêng cho chương trình nhà ở xã hội (NƠXH), nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư.

Thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN), một khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp, thu hút khoảng 400 nghìn công nhân. Theo khảo sát gần đây của các ngành chức năng, khoảng 70% số công nhân đang có nhu cầu về nhà ở, nhà lưu trú, nhưng số lượng nhà lưu trú được đầu tư xây dựng đến nay chỉ mới đáp ứng được khoảng gần 40 nghìn chỗ ở (đạt gần 15% nhu cầu). Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, mỗi năm, lượng công nhân tăng trung bình 2%/năm, dự báo đến năm 2020, thành phố sẽ có hơn 500 nghìn công nhân. Như vậy, với tỷ lệ 70% có nhu cầu về nhà ở, nhà lưu trú, từ nay đến năm 2020, thành phố phải xây dựng hàng trăm nghìn chỗ ở mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Cách đây nhiều năm, thành phố đã “dành” hẳn một chương trình cấp bù lãi vay để đầu tư nhà lưu trú cho công nhân. Tuy nhiên, ngân sách dành cho chương trình có hạn, trong khi thủ tục phức tạp khiến các DN không mấy mặn mà. Do vậy, mặc dù thành phố cố gắng đưa chương trình đi vào thực tiễn nhưng số lượng nhà được xây dựng vẫn khá khiêm tốn. Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Trần Trọng Tuấn cho biết: Sở đã đề ra kế hoạch đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, thành phố sẽ phê duyệt cho các DN đầu tư tám dự án nhà lưu trú, cung cấp thêm khoảng 31 nghìn chỗ ở. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân vẫn là bài toán khó. Theo Sở Xây dựng, một trong những khó khăn hiện nay là công tác quy hoạch. Nhiều KCX, KCN được xây dựng tập trung nhưng lại “quên” quy hoạch quỹ đất cho xây dựng nhà ở. Trong khi đó, chung quanh các KCX, KCN lại thiếu quỹ đất sạch cho nên rất khó kêu gọi đầu tư. Mới đây, lãnh đạo thành phố cũng đã tham quan mô hình nhà ở 100 triệu đồng/căn của Bình Dương để học tập cách làm. Ðồng chí Trần Trọng Tuấn cho biết thêm, với đặc thù của TP Hồ Chí Minh, rất khó để xây nhà giá 100 triệu đồng, nhưng thành phố sẽ có chương trình ưu tiên, với mức giá có thể khoảng 500 triệu đồng/căn, thấp nhất khoảng 300 triệu đồng/căn.

Ðể cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân trong thời gian tới, thành phố đang rà soát quỹ đất, ưu tiên quỹ đất sạch gần các KCX, KCN để xây dựng nhà giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đưa ra mức giá linh hoạt, phù hợp nhu cầu và thu nhập của công nhân, đồng thời bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Theo các chuyên gia xây dựng, thành phố cần áp dụng hai mô hình: mô hình NƠXH cải tạo tập trung và NƠXH xây mới. Ðồng thời, thành phố cần sớm có chính sách rõ ràng để hỗ trợ các DN, nhà đầu tư NƠXH dành cho công nhân, hạn chế thấp nhất những khó khăn về thủ tục và rào cản như đầu tư nhà ở thương mại. Về vấn đề này, theo Sở Xây dựng thành phố, để được cấp phép xây dựng NƠXH, chủ đầu tư cần thực hiện ba thủ tục: Thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép với thời gian ít nhất 75 ngày. Ðể đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian, thành phố đang thí điểm thực hiện ba thủ tục nêu trên ở bộ phận “một cửa” và chỉ nộp một lần, rút ngắn thời gian hoàn tất hồ sơ còn 42 ngày. Cùng với đó, thành phố sẽ xem xét chính sách nới rộng thời hạn vay tiền và số tiền vay phải trả hằng tháng xuống mức thấp nhất, khoảng 25% tổng thu nhập của người vay mua nhà.

Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất phương thức tạo quỹ đất để phát triển NƠXH. Ðó là việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ đất công của thành phố, như: đất nông trường (khoảng 6.000 ha); đất nhà xưởng sản xuất ô nhiễm tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời; đất được tạo lập trong quá trình quy hoạch các đô thị vệ tinh, các KCX, KCN, khu công nghệ cao... “Với quỹ đất công nêu trên, thành phố có thể làm được khoảng 10 nghìn căn hộ NƠXH, có diện tích khoảng 30 m2 và giá bán khoảng 200 triệu đồng/căn, đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho khoảng 10 nghìn hộ gia đình”, đại diện Hiệp hội phân tích. UBND thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng cung cấp danh sách dự án đầu tư xây dựng NƠXH đang triển khai trong giai đoạn 2018 - 2019 và những năm tiếp theo để tuyên truyền, phổ biến công khai việc cho vay thuê, thuê mua, mua NƠXH đến các đối tượng được thụ hưởng. Ðể triển khai hiệu quả chương trình tín dụng cho vay mua NƠXH, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng đã được giao đề xuất cấp trên bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay NƠXH. UBND thành phố sẽ xem xét phân bổ nguồn vốn hợp lý cho các quận, huyện để cho vay trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được Trung ương giao, các dự án đầu tư xây dựng NƠXH do Sở Xây dựng cung cấp và nhu cầu vay vốn về NƠXH của các quận, huyện.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 500 nghìn hộ chưa có nhà; khoảng 81 nghìn hộ cần NƠXH trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố, có khoảng 139 nghìn người chưa có nhà ở, cần khoảng 80 nghìn căn hộ. Trong tổng số hơn 400 nghìn công nhân, người lao động đang làm việc tại 17 KCX, KCN, khu công nghệ cao của thành phố thì có đến gần 300 nghìn người có nhu cầu nơi lưu trú (chiếm 70,6%), nhưng hiện mới giải quyết được chỗ ở cho 39,5 nghìn người, chiếm khoảng 15% nhu cầu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37610302-%C3%B0ay-manh-dau-tu-xay-dung-nha-o-xa-hoi.html