Ðẩy mạnh kinh tế trang trại

Trong những năm gần đây, kinh tế trang trại ở nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; đưa sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung. Ðể kinh tế trang trại phát triển bền vững, thời gian tới cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, nhất là về đất sản xuất và vốn vay.

Trang trại bò sữa cao sản của Vinamik tại Quảng Ngãi.

Trang trại bò sữa cao sản của Vinamik tại Quảng Ngãi.

Trong những năm gần đây, kinh tế trang trại ở nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; đưa sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung. Ðể kinh tế trang trại phát triển bền vững, thời gian tới cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, nhất là về đất sản xuất và vốn vay.

Khẳng định tính hiệu quả

Năm 2008, sau khi tình cờ phát hiện bãi đất rộng tới vài héc-ta tại bãi Nguyệt Bàn (xã Cao Ðức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) mà người dân chủ yếu canh tác manh mún, nhiều thửa bị bỏ hoang, anh Nguyễn Văn Linh (xã Cao Ðức, huyện Gia Bình) mạnh dạn thuê lại khu đất với giá 100 nghìn đồng/sào để xây dựng trang trại trồng trọt. Sau một năm cải tạo đất và xây dựng hạ tầng, năm 2009, anh Linh canh tác lứa cà rốt đầu tiên. Tuy nhiên, thời điểm đó là mùa hè, trời hay mưa cho nên gây ngập úng và làm hư hại toàn bộ diện tích cây cà rốt mới trồng. Sau vụ mùa đầu tiên thất bát, anh Linh đã có kinh nghiệm lựa chọn các loại cây trồng phù hợp mùa vụ. Anh chia sẻ, mùa mưa, đất bãi hay ngập nước tôi chỉ trồng các loại cây rau màu ngắn ngày. Các loại cây như cà rốt, khoai tây, củ cải chúng tôi tập trung chủ yếu trồng vào vụ đông. Từ vài sào trồng thí điểm, mỗi năm gia đình tôi lại mở rộng diện tích sản xuất. Ðến năm 2014, tôi liên kết với các hộ dân trong vùng thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp và Thương mại Mỹ Linh. HTX sản xuất hơn 50 ha rau, củ, quả các loại, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 100 lao động với thu nhập từ 160 nghìn đến 170 nghìn đồng/ngày. Mỗi năm, trừ chi phí, HTX thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng. Tương tự, năm 2001, ông Nguyễn Văn Chiến, thôn Châu Cầu, xã Châu Phong, huyện Quế Võ đấu thầu 4 ha đất của xã để nuôi thủy sản. Trang trại của ông Chiến chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống như trắm cỏ, mè, trôi. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm, gia đình ông Chiến thu hoạch khoảng 60 tấn cá với giá bán trung bình từ 30 nghìn đến 32 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến giữa năm 2020, cả nước có khoảng 30 nghìn trang trại. Trong đó, có gần 8.000 trang trại trồng trọt, hơn 4.500 trang trại chăn nuôi, hơn 4.000 trang trại thủy sản, khoảng 3.000 trang trại tổng hợp, gần 155 trang trại lâm nghiệp. Các trang trại tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực Ðông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, đồng bằng sông Hồng có khoảng 7.000 trang trại, khu vực Ðông Nam Bộ có hơn 6.700 trang trại, đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 6.500 trang trại.

Ðể kinh tế trang trại phát triển bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế trang trại ở nước ta hiện còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Ðặng Công Hưởng cho rằng, phần lớn các trang trại thiếu vốn để đầu tư mua sắm máy móc, vật tư, cây, con giống. Hiệu quả sản xuất của các trang trại không đồng đều. Việc ứng dụng công nghệ, áp dụng khoa học, kỹ thuật tại một số địa phương còn chậm. Vấn đề bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn lạc hậu. Liên kết sản xuất, kinh doanh giữa trang trại và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở mức thấp; phần lớn các trang trại thiếu kết nối với thị trường...

Số lượng trang trại thời gian qua tăng khá chậm và phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước. Hiện nay, khu vực trung du, miền núi phía bắc có diện tích đất đai rộng nhưng số lượng trang trại ít, tập trung chủ yếu vào các trang trại chăn nuôi. Theo phản ánh của nhiều chủ trang trại, mặc dù Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất, nhưng trên thực tế rất ít chủ trang trại có thể tiếp cận, thụ hưởng các chính sách này. Hiện nay có đến 70% số trang trại đang kinh doanh bằng vốn tự có hoặc tự huy động vốn. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vấn đề đất sản xuất. Tính đến giữa năm 2020, các địa phương mới cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho 7.825 trang trại, chiếm hơn 26% tổng số trang trại cả nước. Việc giao đất, thuê đất, chuyển nhượng để tích tụ ruộng đất làm kinh tế trang trại chậm được giải quyết, thiếu tính ổn định. Khó khăn về đất sản xuất khiến cho nhiều chủ trang trại không tiếp cận được các nguồn tín dụng.

Ðể kinh tế trang trại phát triển bền vững, thời gian tới, cơ quan chức năng cần tập trung rà soát, điều tra đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động của các trang trại, gia trại, để từ đó tìm cách tháo gỡ vướng mắc. Trên cơ sở xác định các vùng phát triển trang trại, có thể giao hoặc cho thuê để các cá nhân, đơn vị có điều kiện phát triển trang trại. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, tạo điều kiện để người dân có thể thụ hưởng, tiếp cận được các chính sách, nguồn vốn vay ưu tiên. Ðẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất, cung ứng cây giống, con giống. Ðồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để hỗ trợ, đào tạo các chủ trang trại có thêm hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật mới cũng như nâng cao trình độ quản lý…

Anh Thư, Thái Sơn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/kinhte/ay-manh-kinh-te-trang-trai-636717/