Ðẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, những năm gần đây, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã nỗ lực tập trung quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp ở Lương Tài có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Bước chuyển mình trong sản xuất

Lương Tài là một huyện thuần nông, so với các địa phương khác trong tỉnh đời sống của người dân nơi đây có phần khó khăn hơn. Do vậy, muốn nâng cao thu nhập cho người dân thì phải bắt đầu thay đổi từ nông nghiệp. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Lương Tài Phạm Xuân Sản cho rằng: "Sau khi xác định được những thế mạnh của địa phương, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng, huyện Lương Tài đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Chẳng hạn như mô hình rau chuyên canh ứng dụng công nghệ cao ở xã Minh Tân, sản xuất hoa trong nhà lưới, nhà kính ở Lôi Châu (An Thịnh), sản xuất lúa theo quy trình VietGAP ở xã Quảng Phú… Ngoài ra, huyện còn ứng dụng nhiều loại giống lúa, rau màu cho năng suất, chất lượng cao, đồng thời các địa phương còn triển khai hệ thống tưới tiết kiệm tự động cho nhiều diện tích rau màu.

Chúng tôi đến xã Minh Tân, vùng sản xuất trọng điểm các loại cây màu của huyện Lương Tài. Những con đường bê-tông khang trang, sạch sẽ trải dài tới tận đồng ruộng. Bên cánh đồng cà rốt, súp lơ xanh mướt, người dân hối hả, tất bật chăm sóc hoa màu. Bí thư Ðảng ủy xã Minh Tân Vũ Viết Long cho biết: Toàn xã có 391 ha đất canh tác thì có tới hơn 200 ha trồng cây màu. Trong đó, khoảng 50 ha đất màu được lắp đặt hệ thống phun tưới tự động, tiết kiệm đáng kể sức lao động cũng như các chi phí sản xuất đầu vào của người dân. Ngoài ra, xã cũng có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao, bước đầu cho kết quả khả quan. Nhờ những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân Minh Tân ngày một nâng cao, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 47 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,46%. Là xã thuần nông nhưng từ năm 2016, Minh Tân đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong ở thôn Nhất Trai, xã Minh Tân cho biết: Năm 2012, sau khi tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi, tôi quyết định đầu tư trồng 2,5 ha măng tây xanh. Nhờ vào kinh nghiệm được tích lũy và không ngừng học hỏi trong quá trình sản xuất, diện tích trồng măng tây nhà tôi nhanh chóng cho thu nhập, khách hàng đến tận vườn đặt mua. Từ năm 2015, diện tích trồng măng tây của gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Có được lợi nhuận tôi mạnh dạn mở rộng sản xuất. Ðến nay, diện tích trồng măng tây đã tăng lên 5 ha. Ngoài ra, tôi còn đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản với sức chứa khoảng 40 tấn.

Hình thành vùng sản xuất tập trung

Thấy được thế mạnh về sản xuất nông nghiệp tại Lương Tài, hiện nay, nhiều công ty đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương, tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, Công ty cổ phần thực phẩm sạch Lương Tài, Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hưng Gia Nguyễn, Công ty TNHH xuất, nhập khẩu Vĩnh Cửu, Công ty TNHH lợn giống DABACO Lương Tài...

Năm 2016, Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm đã đầu tư xây dựng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong việc trồng cây tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản tại xã Lâm Thao. Dự án được đầu tư bài bản, quy mô 11,3 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Năm 2017, những lô hàng lá tía tô đầu tiên đã được xuất khẩu sang Nhật Bản với giá từ 700 đến 1.000 đồng/lá, đem lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Ðây chỉ là một trong nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Lương Tài. Ðến nay, địa phương đã hình thành khoảng 20 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Sự chuyển dịch trong sản xuất theo hướng công nghệ cao đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị các loại nông sản ở Lương Tài, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng trong quá trình sản xuất, ngành nông nghiệp Lương Tài vẫn còn bộc lộ một số yếu kém nhất định. Cụ thể, trình độ kỹ thuật của người dân ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, người dân thiếu vốn để đầu tư trang, thiết bị cũng như mở rộng quy mô, thiếu thông tin về thị trường, thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc quảng bá sản phẩm. Nhiều khi sản xuất được sản phẩm chất lượng cao nhưng không tìm được kênh phân phối tiêu thụ ổn định từ phía các doanh nghiệp…

Nói về phát triển nông nghiệp, thời gian tới tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Lương Tài Nguyễn Thị Hà cho biết: Huyện phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 20 đến 30% giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Ðể đạt được các mục tiêu nêu trên, thời gian tới huyện sẽ tập trung vào việc quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp điều kiện, lợi thế từng địa phương; khuyến khích nông dân, các tổ chức cá nhân tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Khó khăn hiện nay của người dân là vấn đề vốn vay để đầu tư vào sản xuất, huyện chủ trương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các tổ chức, cá nhân có điều kiện pháp lý vay vốn đầu tư cũng như tăng cường hợp tác với các đơn vị, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

HOÀNG BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/35790502-%C3%B0ay-manh-san-xuat-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao.html