Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường xuống bãi biển Hàm Tiến - Mũi Né

Theo bạn đọc phản ánh, các resort ở khu vực bãi biển Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận) được xây dựng sát nhau, gây khó khăn cho người dân, du khách khi tìm đường xuống biển. Một số cơ sở du lịch còn thu tiền của khách khi đến tắm biển, tham quan và chụp ảnh. Nhiều dự án du lịch biển của tỉnh chậm triển khai, chậm thu hồi... nhưng chưa được giải quyết. Trong khi đó, việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập này vẫn còn hạn chế.

Một tuyến đường xuống biển tại khu vực phường Hàm Tiến. Ảnh: ÐÌNH CHÂU

Một tuyến đường xuống biển tại khu vực phường Hàm Tiến. Ảnh: ÐÌNH CHÂU

Trong những năm gần đây, khu vực biển Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận) được nhiều du khách biết đến với tên gọi “Thủ đô resort” hoặc “Thiên đường nghỉ dưỡng”. Ðược thiên nhiên ưu đãi với biển xanh, cát trắng và nắng vàng ẩn hiện bên dải bờ biển tuyệt đẹp đến nao lòng. Nắm bắt được thời cơ thuận lợi cho phát triển kinh tế du lịch, nhiều cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được đầu tư xây dựng, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế và trong nước đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Ðời sống của người dân cũng dần được cải thiện,… Tuy nhiên, cùng với những mối lợi do du lịch biển mang lại thì người dân, khách du lịch mỗi khi đến đây đang phải chịu những phiền toái, bất cập. Ông Nguyễn Văn Phong, từng hơn 10 năm làm bảo vệ cho một resort ở phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, chia sẻ: “Các khu du lịch, resort mọc lên nhiều đã giúp người dân nơi đây có nhiều việc làm, cuộc sống khá hơn trước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có những khó khăn, đó là người dân và du khách muốn xuống biển phải đi khá xa để đến những con đường chung nhỏ, hẹp dẫn ra biển, bởi chủ các resort không cho người dân, du khách vào resort để ra biển…”.

Anh Trần Chiến Thắng, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Biển Hàm Tiến - Mũi Né rất đẹp, hầu như năm nào gia đình tôi cũng đến đây tham quan, nghỉ dưỡng. Nếu nghỉ dưỡng ở các khu du lịch sát biển thì rất tiện lợi cho việc tắm biển, nhưng nghỉ ở các khách sạn đối diện thì phải đi bộ khá xa mới đến được những con đường dẫn xuống biển. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ anh Phong, anh Thắng mà tại các cuộc tiếp xúc cử tri, họp Hội đồng nhân dân các cấp, rất nhiều người dân TP Phan Thiết đã kiến nghị mở thêm đường xuống biển ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né; thu hồi các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ ở thành phố; xây dựng các khu vui chơi công cộng; xây dựng quảng trường biển…

Trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Phan Thiết và các sở, ngành của tỉnh đều đồng tình ủng hộ. Theo quy hoạch phân khu khu vực Hàm Tiến, thì trên địa bàn phường dọc theo đường ÐT 706 (Nguyễn Ðình Chiểu) có bốn tuyến đường nối xuống biển. Hiện nay, đã có ba tuyến đường được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu xuống biển của nhân dân địa phương và du khách; một tuyến đường UBND tỉnh chỉ đạo không mở đường tại Công văn số 507/UBND - ÐTQH ngày 29-1-2007.

Tại phường Mũi Né, theo quy hoạch có ba tuyến đường xuống biển là tuyến đường bên cạnh cơ sở du lịch Bảo Việt; tuyến đường số hai nằm giữa hai Khu nghỉ dưỡng Bảo hiểm xã hội và Tùng Dương; đường số ba nằm giữa hai Khu nghỉ dưỡng Gành và Thiên Thanh - Thiên Bảo. Tuy nhiên, do chưa thu xếp được kinh phí cho nên các tuyến đường này vẫn chưa triển khai xây dựng, vì vậy người dân địa phương và du khách vẫn phải sử dụng các tuyến đường có sẵn để xuống biển. Cùng với ba tuyến đường đã được quy hoạch khu vực phường Mũi Né, UBND tỉnh Bình Thuận có Công văn số 3291/UBND-VXDL ngày 12-9-2014 thống nhất chủ trương mở tuyến đường xuống biển giữa hai dự án du lịch D&M và dự án Xuân Quỳnh, kinh phí đầu tư do Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Gia tự chịu trách nhiệm, Nhà nước không hoàn trả lại. UBND thành phố Phan Thiết cũng đã triển khai khảo sát và đề xuất phương án mở tuyến đường xuống biển phục vụ dân sinh tại khu vực giáp ranh giữa Trung tâm sinh hoạt Dã ngoại thanh, thiếu nhi tỉnh và khu nghỉ dưỡng Hòn Ngọc theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận tại Thông báo số 521-TB/VPTU ngày 30-8-2018.

Ngoài ra, theo quy hoạch, khu vực phường Hàm Tiến sẽ mở sáu tuyến đường nối từ đường ÐT 706B (Võ Nguyên Giáp) - đường ÐT 706 (Nguyễn Ðình Chiểu), trong đó có hai tuyến đường hiện hữu là Nguyễn Tấn Ðịnh và Hồ Quang Cảnh. Bốn tuyến đường còn lại được mở tại Km11+850 đối diện cơ sở du lịch Làng Thụy Sĩ; tại Km11+420 đối diện resort Sài Gòn Mũi Né; tại Km14 + 900 khu vực bờ kè gần Kim Ngân - Nhân Hòa và tại Km17+900 bên trái UBND phường Hàm Tiến. Khi hoàn thành, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi qua khu vực sẽ dễ dàng tiếp cận bờ biển hơn. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tỉnh hiện đang làm chủ đầu tư dự án thoát nước phía hạ lưu đường ÐT 706B - Cửa ra số 2 và 3, sẽ tạo thêm lối đi ra biển.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Lan Ngọc cho biết, việc mở các tuyến đường xuống biển và xây dựng các công trình cộng đồng phải phù hợp quy hoạch kiến trúc, cảnh quan môi trường và công năng sử dụng công trình. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng và tính chất lịch sử của các quy hoạch trước đây, cho nên hiện nay, khoảng cách giữa các tuyến đường xuống biển còn xa, chưa thuận lợi cho người dân và du khách. Ðan xen với các tuyến đường xuống biển, tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng các bãi tắm công cộng, khu vui chơi cộng đồng như khu vực bờ kè Hàm Tiến, bãi sau Mũi Né, bãi đá Ông Ðịa và quảng trường biển tại trung tâm phường Hàm Tiến… Về phản ánh người dân hoặc du khách xuống tắm biển tại một số vị trí ở khu vực biển Hàm Tiến - Mũi Né phải trả phí, đồng chí Nguyễn Lan Ngọc khẳng định: Bãi biển là của chung, mọi người đều có thể tự do tắm biển mà không ai có quyền ngăn cấm và không phải trả chi phí. Việc người dân đi tắm biển vào các resort ở khu vực Hòn Rơm sử dụng các dịch vụ tắm hồ bơi, tắm nước ngọt, ghế ngồi, nhà vệ sinh… thì họ phải trả phí theo quy định của các cơ sở du lịch này chứ không phải là phí tắm biển.

Liên quan đến các dự án du lịch chậm triển khai trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) tỉnh Bình Thuận Phan Nguyễn Hoàng Tân chia sẻ: từ năm 2016 đến 2018, có khoảng 20 dự án du lịch tại các khu vực ven biển ở TP Phan Thiết bị thu hồi do chậm triển khai, Sở KH và ÐT đã tham mưu UBND tỉnh xem xét công năng của từng dự án để có hướng khắc phục như gia hạn đầu tư; mở đường xuống biển; chuyển đổi thành khu vui chơi giải trí biển, nhằm tạo điều kiện người dân thụ hưởng. Chẳng hạn, tại vị trí dự án Du lịch Kim Chi sau khi thu hồi, Sở KH và ÐT đã đề xuất mở tuyến đường xuống biển giữa cơ sở Du lịch Phong Lan và Du lịch Xóm Chài, thuộc địa bàn phường Tiến Thành, TP Phan Thiết. Cũng theo ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, có nhiều nguyên nhân làm cho các dự án chậm triển khai, bị thu hồi là do vướng mắc trong quy hoạch; ô nhiễm môi trường làng nghề; thiếu kết cấu hạ tầng; vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng; năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế…

“Khu vực Hàm Tiến - Mũi Né là khu vực phát triển du lịch năng động của TP Phan Thiết nói riêng và của tỉnh Bình Thuận nói chung. Việc mở các tuyến đường xuống biển nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tiếp cận biển, tạo nhiều không gian vui chơi, hoạt động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng cho khách du lịch và người dân là rất cần thiết. UBND thành phố Phan Thiết đang tích cực, chủ động phối hợp các sở, ngành của tỉnh rà soát các tuyến đường xuống biển tại khu vực này theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh sẽ ưu tiên cân đối kinh phí để thực hiện các công trình tuyến đường xuống biển, các trạm cứu hộ đã thực hiện đầy đủ thủ tục hồ sơ”.

TRẦN HOÀNG KHÔI

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết (Bình Thuận)

Hiếu Hoàng và Thường Châu

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/39367102-%C3%B0ay-nhanh-tien-do-xay-dung-cac-tuyen-duong-xuong-bai-bien-ham-tien-mui-ne.html