B-52 vô tình đánh rơi bom: Vũ khí siêu bí mật Mỹ lộ diện?

Sau khi được phóng ra khỏi máy bay, tên lửa đẩy sẽ tiếp tục tăng tốc trước khi giải phóng đầu đạn phóng lướt siêu vượt âm để nó tự hành tấn công mục tiêu ở vận tốc lên tới Mach 20.

Tuần báo Aviation Week ngày 9/6/2020 đăng tải một bài viết của hai phóng viên Guy Norris và Steve Trimble cho biết, một quả tên lửa động scramjet được Cơ quan Quản lý các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) và Chương trình Nghiên cứu Chế tạo Vũ khí Siêu vượt âm (HAWC) của Không quân Mỹ cùng phối hợp phát triển đã bị phá hủy trong một vụ thử nghiệm gặp sự cố gần đây.

Tên lửa được cho là đã vô tình tách khỏi máy bay ném bom chiến lược B-52 trong một chuyến bay thử nghiệm. Nguyên nhân của sự việc được cho là có liên quan đến một chiếc máy bay thuộc biên chế của Phi đội bay Thử nghiệm Số 419 đóng tại Căn cứ Không quân Edwards, bang California. Vụ tai nạn đang được tiến hành điều tra.

Trong thông tin liên quan trước đó, tháng 5/2019, trang NavalNews.com đưa tin, Phòng Nghiên cứu trọng điểm Skunk Works của Lockheed Martin đang phát triển loại tên lửa này cho DARPA.

B-52 mang theo vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A xuất kích từ Căn cứ Không quân Edwards

B-52 mang theo vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A xuất kích từ Căn cứ Không quân Edwards

Lockheed Martin không tiết lộ nhiều chi tiết nhưng một đại diện của tập đoàn công nghiệp quốc phòng này giải thích rằng dòng tên lửa mới được chế tạo dựa trên những kinh nghiệm gặt hái được từ các dự án siêu thanh trước đó như HTV-2 (Hypersonic Technology Vehicle 2).

Chương trình vũ khí siêu thanh được Mỹ đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây bởi cả Nga và Trung Quốc đều đã tuyên bố đạt những tiến triển quan trọng về loại vũ khí này trong 5 năm vừa qua.

Moscow cho biết tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal (“Dao Găm”) của họ đã được đưa vào biên chế từ tháng 12/2017. MiG-31, phương tiện mang phóng Kh-47M2 cũng đã được báo chí phương Tây phản ánh.

Vũ khí siêu vượt âm thu hút được sự chú ý bởi chúng có khả năng tấn công các mục tiêu trên phạm vi toàn cầu chỉ trong thời gian rất ngắn mà trước đây chưa nước nào từng đạt được, thậm chí chúng còn nhanh hơn cả các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Bản tin trên trang NavalNews.com hồi tháng 5/2019 tiết lộ, HTV-2 được thử nghiệm trong Dự án Falcon của DARPA có khả năng bay ở vận tốc Mach 17,53, tức tương đương với 21.000 km/h.

Bên cạnh các tên lửa động cơ scramjet trong khuôn khổ của chương trình HAWC, Không quân Mỹ cũng đang thử nghiệm một hệ thống phóng lướt siêu thanh có tên gọi AGM-183A ARRW (vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không) do Lockheed Martin phát triển.

Vũ khí tấn công này gồm có một tên lửa đẩy và một đầu đạn phóng lướt siêu vượt âm. Sau khi được phóng ra khỏi máy bay, tên lửa đẩy sẽ tiếp tục tăng tốc trước khi giải phóng đầu đạn phóng lướt siêu vượt âm để nó tự hành tấn công mục tiêu ở vận tốc lên tới Mach 20.

Tú Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/b-52-vo-tinh-danh-roi-bom-vu-khi-sieu-bi-mat-my-lo-dien-8202010673245273.htm