'Ba bám, bốn cùng' giúp dân xóa đói, giảm nghèo

Hơn 20 năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (KTQP 4), Quân khu 4 gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số ở 8 xã, thuộc 2 huyện nghèo Kỳ Sơn và Quế Phong tỉnh Nghệ An. Thực hiện phương châm '3 bám, 4 cùng' (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), từ 'cầm tay, chỉ việc', đến làm mẫu, làm trước, hướng dẫn đồng bào làm theo để phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Đến nay, hàng loạt mô hình, cách làm xóa đói, giảm nghèo đã được đồng bào đón nhận, đưa vào thực tiễn và phát huy tính hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo vùng biên giới miền Tây tỉnh Nghệ An.

Gắn địa bàn để nhân rộng mô hình xóa nghèo bền vững

Đã gần 11 giờ trưa, nhưng các bản làng đồng bào người Mông, Thái, Khơ Mú… bên dãy Phu Xai Lai Leng thuộc xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn dày đặc sương mù bao phủ. Chúng tôi theo chân Trung tá Trần Ngọc Khuê, Chủ nhiệm Chính trị Đoàn KTQP 4, đến thăm nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào; xây dựng vùng biên giới miền Tây xứ Nghệ ngày một ấm no và giàu đẹp.

Gặp chúng tôi, ông Mùa Chồng Chà, Bí thư chi bộ bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi phấn khởi khoe: “Nhờ có Đoàn KTQP 4 mà dân mình bớt khổ, cây dong riềng trước đây bản mình có trồng đâu, nhưng từ ngày được Đoàn hướng dẫn, trồng đại trà ra toàn xã, sau đó Đoàn lại thu mua, chế biến, mới tạo nên sản phẩm Miến dong Phu Xai Lai Leng có thương hiệu của xã Na Ngoi đấy. Cũng nhờ áp dụng kỹ thuật mà mỗi gốc dong cho thu hoạch từ 5 đến 7kg, giá bán 2.000 đồng/kg. Nhiều hộ trong bản mình thu nhập trên dưới 1 tấn dong, đều được Đội chế biến của Đoàn thu mua hết. Mỗi hộ dân đã có từ 20 đến 30 triệu đồng/vụ. Cây dong cho thu hoạch vào giáp tết, nên từ ngày trồng được cây dong dân mình có cái tết to hơn mọi năm đấy”.

Dưới các gốc đào, mận hoặc bên cạnh hang đá, hàng chục ổ gà con của gia đình bà Mùa Y May ở bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi đang hàng ngày sinh sôi, nảy nở. Hộ gia đình bà May được Đại úy Nguyễn Thế Tuấn, Đội trưởng đội xe phụ trách giúp đỡ từ 2 năm nay. Từ việc được hỗ trợ 20 con gà đen bản địa, đến nay đàn gà của bà Y May đã lên hơn 200 con.

Đại úy Nguyễn Thế Tuấn (đứng giữa) người theo dõi, hỗ trợ phát triển đàn gà cho hộ gia đình bà Mùa Y May.

Cũng như gia đình bà Mùa Y May, Thiếu tá Chu Văn Hoàng, Đội trưởng Đội sản xuất 3 là người trực tiếp theo dõi, giúp đỡ gia đình ông Lầu Bá Chá ở bản Liên Sơn, xã Nậm Càn, từ chỗ được hỗ trợ một cặp trâu, đến nay đàn trâu bò của gia đình ông Chá đã phát triển lên đến hơn 30 con…

Khi các mô hình phát huy được tính ưu việt và hiệu quả, cũng đồng nghĩa với đời sống của nhân dân đang từng ngày được cải thiện và nâng cao. Mỗi bản bản làng, mỗi hộ gia đình đi cùng với một mô hình, đảm bảo phù hợp phong tục, tập quán, thổ nhưỡng, thời tiết nên các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà Đoàn KTQP 4 triển khai cũng rất đa dạng phong phú. Trong đó, có một số mô hình mới, cho thu nhập cao như: Trồng, chế biến cây dong riềng, trồng sả Zava để chế biến tinh dầu, trồng chanh leo, nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch thương phẩm…

Gắn trách nhiệm tổ chức đảng và từng đảng viên tới từng hộ nghèo

Mô hình trồng cây chanh leo phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Không giống những đơn vị KTQP khác, Đoàn KTQP 4 thực hiện các dự án KTQP ở địa bàn rộng, phân tán, thuộc 8 xã: (Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải của huyện Kỳ Sơn. Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ, Hạnh Dịch của huyện Quế Phong), trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 98%. “Việc tìm ra mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với phong tục tập quán, thổ nhưỡng của người dân luôn được Đảng ủy, chỉ huy Đoàn trăn trở bấy lâu nay” Trung tá Trần Ngọc Khuê cho biết thêm.

Từ năm 2021, Đảng ủy Đoàn KTQP 4 có chủ trương “Mỗi chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo, mỗi đảng viên gắn với một hộ nghèo”. Theo đó, căn cứ tình hình thực tiễn của từng bản, làng và từng hộ gia đình, mà có cách hỗ trợ, hướng dẫn và giúp đỡ phù hợp. Đoàn đã phân công cán bộ khảo sát kỹ ưu điểm, thế mạnh từng bản, từng hộ dân, hộ nào có đất, có vườn thì hỗ trợ cây giống, tùy vào từng diện tích cũng như thổ nhưỡng; hộ có ao, có chuồng, trại thì hỗ trợ cá, vật nuôi. Đồng thời, gắn trách nhiệm của tổ chức đảng và từng đảng viên đối với việc duy trì, phát triển, và tính hiệu quả của các mô hình.

Cán bộ, nhân viên Đoàn KTQP 4 hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trồng lúa nước.

Từ chủ trương này, đã có hàng chục mô hình đã và đang phát huy hiệu quả ở dọc biên biên giới của hai huyện Quế Phong và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đồng chí Xồng Bá Dềnh, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn phấn khởi cho biết: “Đây là cách làm rất sáng tạo và thiết thực, hiệu quả, có tính lan tỏa nhanh. Chúng tôi hiểu rằng, từ cách làm này đã phát huy thế mạnh của từng hộ dân, từng bản, đồng thời đã gắn vai trò tiên phong, gương mẫu cán bộ, đảng viên đơn vị, bộ đội đã thực sự là "chỗ dựa" cho bà con dân bản xóa đói, giảm nghèo…”

Thực hiện chủ trương trên, đến nay đã có 170 hộ nghèo trên địa bàn được cán bộ, đảng viên nhận giúp đỡ và trực tiếp hướng dẫn phát triển kinh tế; 35 hộ gia đình được các cơ quan, đơn vị hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng năm 2022, từ kết quả tăng gia sản xuất, 17 chi bộ đã triển khai 38 lượt cung cấp cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho 38 hộ nghèo, trị giá 240 triệu đồng; Đoàn đã nhận hỗ trợ 12 người tàn tật neo đơn và 8 em học sinh nghèo vượt khó bình quân mỗi tháng 300-500 nghìn đồng cho mỗi người; tặng xe đạp, đồ dùng học tập sinh hoạt cho 24 em học sinh nghèo nhân dịp khai giảng năm học mới...

Việc phát huy vai trò chi bộ đảng, gắn với trách nhiệm của mỗi đảng viên trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây tỉnh Nghệ An đã thực sự phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án KTQP của Đoàn luôn được lồng ghép với các mô hình xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Nhiều chương trình, dự án đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân; rút ngắn khoảng cách giữa vùng biên giới với vùng xuôi.

Mô hình trồng cây chè san tuyết đã phát triển rộng rãi ở Kỳ Sơn, Nghệ An.

Đại tá Chu Huy Lương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KTQP 4 khẳng định: "Chủ trương mỗi chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo, mỗi đảng viên gắn với một hộ nghèo để chung sức xóa nghèo là cách làm mới, mang lại hiệu quả cao trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Bởi trước đây, sự hỗ trợ mang tính chất chung chung, dàn đều ra các hộ. Từ khi thực hiện chủ trương mỗi chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo, đòi hỏi trước khi xác định hỗ trợ cây, con gì, các chi bộ và mỗi đảng viên phải khảo sát, nghiên cứu kỹ điều kiện, hoàn cảnh từng bản, từng hộ dân, gắn với với phong tục tập quán, ý thức vươn lên thoát nghèo cũng như dư địa của từng hộ, từng bản. Việc này đồng nghĩa với trách nhiệm của mỗi đảng viên, từng chi bộ được đề cao, đảm bảo phát huy hiệu quả các mô hình, dự án. Từ đó, không còn tình trạng mô hình hỗ trợ cho nhân dân chết yểu sau một thời gian, góp phần đẩy nhanh công cuộc giúp đồng bào chiến thắng đói nghèo…

Hiệu quả từ những chủ trương “đúng - trúng”

Thượng tá Hồ Sỹ Cần, Phó đoàn trưởng Đoàn KTQP 4 cho biết: Từ chủ trương của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn, những năm gần đây, các mô hình giới thiệu đến bàn con ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Nếu tại các đội sản xuất của Đoàn chúng tôi đang duy trì chế biến miến dong, chè san tuyết, chiết suất tinh dầu sả Zava; Tại các hộ dân có các mô hình trồng rau củ quả, nông sản sạch như dưa lưới, dưa chuột Nhật Bản; các mô hình chăn nuôi như: Cá tầm, lợn rừng lai, ba ba, ếch, vịt Quỳ Châu, dê Ấn Độ, hoặc mô hình trồng cây dược liệu thì các loại như cây chè hoa vàng, hoa hồng, lay ơn, hoa ly….

Giống gà đen bản địa được đồng bào nuôi rộng rãi nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ, nhân viên Đoàn KTQP 4.

Thực tiễn hoạt động của Đoàn KTQP 4 thời gian vừa qua đã phát triển, nhân rộng được nhiều mô hình, tạo ra các sản phẩm trở thành thương hiệu của miền Tây tỉnh Nghệ An. Đến nay Đoàn đã triển khai 107 mô hình cây, con các loại. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như các mô hình nuôi gà đen, lợn đen bản địa, dê, trâu bò; đồng thời hình thành các vùng nguyên liệu lớn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế địa phương như chè san tuyết, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, tam thất bắc, dong riềng, gừng, chanh leo … giúp nhân dân địa bàn huyện Kỳ Sơn, Quế Phong có sinh kế bền vững trong xóa đói, giảm nghèo.

Bên cạnh đó, những năm vừa qua, Đoàn đã thực hiện đầu tư xây dựng 42 công trình, 37 công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nước sạch, đường điện, các công trình văn hóa, hỗ trợ sản xuất... Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng Nông thôn mới” Đoàn đã phối hợp với nhân dân tham gia hàng nghìn ngày công, tổ chức bê tông hóa hơn 8km đường giao, 4,5km kênh mương nội đồng, xây dựng 8 cầu dân sinh, 6 công trình vệ sinh, 6 nhà văn hóa cộng đồng, giúp đỡ sửa chữa và làm mới 9 trường học, gần 40 nhà ở cho nhân dân địa bàn dự án.

Cùng với xóa đói, giảm nghèo, Đoàn cũng đã thường xuyên tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị địa phương, tuyên truyền đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức hướng dẫn khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng chục nghìn lượt hộ dân; tổ chức gần 20 lớp học xóa mù chữ cho đồng bào đã được Đoàn tổ chức, triển khai thành hiệu quả.

Bám bản, bám dân tích cực tuyên truyền quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Vi Văn Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn nhấn mạnh: Đoàn KTQP 4 đến nay đã tròn 50 năm chiến đấu, phát triển và trưởng thành, trong đó có 21 năm gắn bó với đồng bào dân tộc vùng phên dậu của tỉnh Nghệ An. Trong những năm qua, bên cạnh việc làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đoàn còn chủ động, sáng tạo trong phối hợp xóa đói, giảm nghèo cùng cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, từng hộ dân của Đoàn đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của bà con; các công trình, dự án của Đoàn KTQP 4 đã và đang triển khai giúp đời sống của đồng bào ngày một khởi sắc. Những chủ trương, cách làm "đúng - trúng" của Đoàn KTQP 4 đảm bảo cho kinh tế, xã hội địa phương ngày càng phát triển; quốc phòng, an ninh ngày càng được củng cố, góp phần xây dựng vùng phên dậu phía Tây của tỉnh Nghệ An ngày càng ấm no, vững chắc.

Bài, ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ba-bam-bon-cung-giup-dan-xoa-doi-giam-ngheo-726119