Bà bầu bị phù chân: Tín hiệu con sắp chào đời

Thông thường, hiện tượng phù chân sẽ xuất hiện ở những tháng cuối thai kỳ, đây cũng là dấu hiệu 'cảnh báo' chị em sắp sinh.

Phù chân là tình trạng sinh lý mà hầu hết phụ nữ mang thai đều gặp phải, nó khiến bà bầu gặp khá nhiều bất tiện và khó khăn. Tùy theo cơ địa của mỗi người thì tình trạng này có thế đến sớm hoặc muộn hơn. Thông thường, hiện tượng này sẽ xuất hiện ở những tháng cuối của thai kỳ, đặc biệt nhiều người quan niệm rằng phù chân là dấu hiệu sắp sinh.

Nguyên nhân bà bầu bị phù chân

Khi mang thai, cơ thể bà bầu sẽ tăng lên từ 9 tới 12 kg, thậm chí có người tăng lên 20 kg. Điều này gây áp sức ép trọng lượng cơ thể lên đôi chân, dẫn đến tình trạng phù nề. Ngoài ra, nội tiết tố trong cơ thể bà bầu thay đổi cũng khiến lượng máu dồn về chân nhiều hơn; đồng thời hàm lượng muối tăng nhưng lượng kali giảm, điều này cũng khiến cho chân, tay trở nên nặng nề, kém linh động.

Phù chân ở bà bầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. (Ảnh minh họa: Internet)

Đi giày, dép cao cũng là nguyên nhân bà bầu bị phù chân ở những tháng cuối thai kỳ. Theo đó, việc sử dụng các loại giày cao gót sẽ khiến trọng lượng cơ thể sẽ bị dồn về phía trước, không cân bằng, xương chậu bị nghiêng đi theo khiến đau nhiều ở vùng lưng dưới. Đồng thời, việc này khiến bàn chân bị gò bó, bức bối, khó chịu và phát sinh chứng viêm kẽ chân, nhất là kẽ ngón chân cái.

Thai nhi càng lớn thì tử cung của bạn sẽ trở nên lớn hơn, đặt áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch bơm máu trở lại tim từ các chi dưới; áp lực càng lớn thì hiện tượng phù chân càng xuất hiện nhiều.

Ngoài ra, bà bầu bị phù chân cũng do các nguyên nhân sau: Nhiệt độ cao, đứng lâu, làm việc nhiều và ít nghỉ ngơi, thiếu kali, ăn nhiều natri, dùng nhiều caffeine.

Làm gì để giảm hiện tượng bà bầu bị phù chân

Đầu tiên, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò không nhỏ trong việc điều trị phù chân ở bà bầu. Vì vậy, mẹ bầu cần cân bằng và bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như các loại vitamin C, E, P, thực phẩm chứa nhiều kali để tăng cường bảo vệ thành tĩnh mạch. Đặc biệt, phải hạn chế những món ăn quá mặn, vì muối sẽ khiến cơ thể bị trữ nuớc, gây phù chân.

Bên cạnh đó, uống nước sẽ giúp cơ thể bà bầu đào thải hết độc tố, hỗ trợ các cơ quan chức năng hoạt động hài hòa và nhịp nhàng, tránh được quá trình tích lũy chất lỏng gây phù. Cạnh đó, mẹ bầu nên thường xuyên tập thể dục với các bài tập nhẹ nhàng như: Yoga, bơi lội, đi bộ… sẽ giúp máu được lưu thông tốt hơn, giảm bớt tình trạng phù chân và tinh thần thoải mái, dễ chịu. Đồng thời, tập thể dục còn giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe, hỗ trợ quá trình sinh con dễ dàng hơn.

Massage chân sẽ giúp bà bầu hạn chế tình trạng phù chân khi mang thai. (Ảnh minh họa: Internet)

Thường xuyên thay đổi tư thế khi ngủ để tránh sức ép cho một phần cơ thể cũng là một phương pháp giải quyết chứng phù chân khi mang thai hiệu quả. Theo đó, mẹ bầu nên kê thêm một chiếc gối dưới chân khi nằm, ngồi sẽ giúp lưu thông máu xuống chân và giảm bớt các cơn đau nhanh chóng. Cạnh đó, mẹ bầu có thể massage chân theo vòng tròn cổ chân, sau đó gập bàn chân lại rồi tiếp tục massage các ngón chân theo chiều kim đồng hồ. Lặp lại mỗi bên từ 5 – 10 phút mỗi lần và mỗi ngày từ 2- 3 lần. Đặc biệt chú ý, bà bầu không nên nhịn tiểu vì nước tiểu trữ trong bàng quang cũng làm tăng mức độ sưng phù.

Bà bầu bị phù chân có nguy hiểm?

Phụ nữ mang thai bị phù chân có thể do bà bầu bị tiền sử bệnh tim, bệnh thận gây ra. Lúc này, hiện tượng sẽ xảy ra sớm và không cần đến lúc bụng to, khi đó bà bầu không chỉ bị phù chân mà còn phù ở mặt và tay.

Trường hợp bị phù chân lâu ngày và kèm với các triệu chứng: Đau đầu, khó chịu, mệt mỏi, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng sẽ rất nguy hiểm. Điều này sẽ khiến thai phụ phải đối diện với bệnh tiền sản giật, bệnh thận, thậm chí bị suy thai và đẻ non. Thông thường tiến sản giật sẽ xuất hiện từ tuần 20, gồm có cao huyết áp, phù và nước tiểu có đạm.

Nam Phong (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/ba-bau-bi-phu-chan-tin-hieu-con-sap-chao-doi-c20a292140.html