Bà bầu lưu ý những điều này để khỏe mạnh suốt thai kỳ

Để có thai kỳ khỏe mạnh, an toàn, bản thân thai phụ cũng như người thân trong gia đình cần nắm rõ những 'bí kíp' chăm sóc bà bầu một cách khoa học.

Những thay đổi của mẹ bầu trong 3 tháng đầu

Trong những tuần đầu mang thai, nhiều chị em chưa biết rằng mình đã làm mẹ vì chưa có dấu hiệu gì đặc biệt xuất hiện. Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần thứ 3-4 trở đi, nhiều chị em phát hiện mình bị chậm kinh nguyệt, bầu ngực trở nên nhạy cảm, kích thước tăng lên. Từ lúc này trở đi, 80% mẹ bầu bắt đầu có biểu hiện ốm nghén như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn, sợ mùi...

Do tác động của hormone thai kỳ, tử cung cũng bắt đầu to ra gây chèn ép bàng quang nên chị em sẽ đi tiểu nhiều lần trong ngày. Đừng cảm thấy chuyện này là bất tiện và nhịn tiểu nếu không bạn sẽ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Bước sang tuần thứ 8-9, tử cung giãn nở bằng nắm tay, nhiều mẹ bầu có phản ứng mang thai dữ dội hơn (hay còn gọi là ốm nghén nặng). Cùng với biểu hiện nôn ói nhiều, đi kèm là tâm trạng bất an, lo lắng đôi khi lại buồn bực, thất vọng. Da dẻ của chị em cũng kém tươi sáng hơn trước, nhiều người xuất hiện nám, tàn nhang.

Dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng đầu

Mặc dù mẹ bầu sẽ khó ăn uống hơn trong giai đoạn đầu thai nghén nhưng bữa ăn vẫn cần đảm bảo có đủ các nhóm chất đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, bổ sung axit folic và sắt trong thời điểm này vô cùng quan trọng.

Phụ nữ mang thai thiếu axit folic có thể khiến thai nhi mắc dị tật ống thần kinh với biểu hiện nứt đốt sống, thoát vị não, tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch...

Thiếu sắt gây hiện tượng thiếu máu, cơ thể bà bầu lúc này đã mệt mỏi sẽ càng thêm uể oải, khó chịu hơn. Tốt nhất chị em nên bổ sung sắt thông qua thực phẩm hàng ngày. Vì tác dụng phụ của hiện tượng “ốm nghén”, chị em nên chia nhỏ bữa ăn thành 5 đến 6 bữa một ngày để tránh hiện tượng nôn, buồn nôn, ăn uống cũng dễ tiêu hóa hơn...

Ngoài ra, nếu bạn buồn nôn nhiều có thể ăn nhẹ các loại bánh quy, kẹo gừng, cam, táo... cũng giảm bớt tình trạng ốm nghén.

Trong giai đoạn mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu, mẹ bầu cần lưu ý tránh ăn một số thực phẩm có thể gây sẩy thai, xuất huyết âm đạo, như dứa, rau ngót, rau sam, đu đủ xanh, uống bia rượu, cà phê, trà đặc, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp.

Chế độ sinh hoạt

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi mới chỉ là một bài thai non nớt, nguy cơ sảy thai rất cao. Do vậy, chị em cần lưu ý thay đổi những thói quen sinh hoạt để phù hợp với một mẹ bầu.

- Môi trường làm việc cần thông thoáng, trong lành, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, sóng điện từ.

- Bắt đầu tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga giúp làm dịu hệ thần kinh, tăng cường oxy cho bào thai.

- Sắp xếp công việc nhà và việc cơ quan hợp lý để có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

- Bản thân người chồng cần quan tâm, chăm sóc vợ nhiều hơn đặc biệt là chế độ ăn uống; cùng vợ đi khám thai; chia sẻ, động viên để giảm bớt áp lực tâm lý của mẹ bầu; cùng vợ làm việc nhà, không để bà bầu khiêng nhấc đồ nặng, với đồ trên cao...

- Chăm sóc bà bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ

- Sự thay đổi của bà bầu trong 3 tháng cuối

Do bụng bầu nhô về phía trước nên cơ lưng của mẹ bầu sẽ trở nên mệt mỏi, đau nhức quá mức do phải nâng đỡ cơ thể.

Các vết rạn da có màu hồng nhạt, đỏ tía hoặc trắng xuất hiện ở bụng, mông, đùi, bầu ngực với độ to nhỏ khác nhau khi thai nhi càng ngày càng phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, hiện tượng tê phù chân tay (xuống máu), khó ngủ, chuột rút có thể xảy ra thường xuyên hơn trong những tháng cuối mang thai.

Đa số mẹ bầu sẽ thấy xuất hiện cơn gò Braxton Hicks (chuyển dạ giả) xảy ra thường xuyên và mạnh hơn. Càng gần thời điểm dự kiến sinh mẹ bầu dễ bị mệt do thiếu ngủ và sức nặng của thai nhi do vậy cần tạo điều kiện để nghỉ ngơi nhiều hơn.

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng cuối

Trong những tháng cuối mẹ bầu cần lưu ý kiểm soát cân nặng của bản thân với cân nặng của thai nhi. Nếu mẹ tăng cân quá nhiều trong khi thai nhi chưa đạt chuẩn sẽ khiến mẹ vất vả để giảm cân sau sinh trong khi bé yêu suy dinh dưỡng, thấp còi. Ngược lại nếu thai quá to mẹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ sinh mổ. Tốt nhất là giữ mức cân nặng phù hợp với một chế độ ăn khoa học.

3 tháng cuối, chị em có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày để dễ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Vẫn cần đảm bảo uống đủ nước từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Tránh ăn các loại thực phẩm chứa chất bảo quản, đồ hộp, thức ăn đông lạnh.

Hạ Vân Khỏe

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/ba-bau-luu-y-nhung-dieu-nay-de-khoe-manh-suot-thai-ky-post47644.html