Bà bầu mang thai chăm con bị tay chân miệng cần chú ý ĐIÊU QUAN TRỌNG này để không lây bệnh

Tay – chân – miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, bệnh lây qua đường tiêu hóa và dễ bùng phát thành dịch lớn. Bệnh dễ mắc ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nhưng người lớn cũng có thể bị lây bệnh.

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn có quan niệm cho rằng bệnh tay – chân – miệng chỉ mắc ở trẻ nhỏ, cho nên người lớn dường như có phần chủ quan.

Chị Kiều Kim Oanh (30 tuổi) có con bị tay – chân – miệng nhưng vẫn nghĩ người lớn khó mắc bệnh. Hiện, chị Oanh mang thai 7 tháng nhưng vẫn trực tiếp chăm sóc con. Mặc dù, chồng khuyên không nên chăm con vì sợ lây bệnh có thể ảnh hưởng tới em bé trong bụng. Tuy nhiên, chị Oanh vẫn bỏ ngoài tai và khẳng định với chồng “bệnh của trẻ con, người lớn sao mắc được”, chị Oanh nói.

Còn trường hợp của chị Nguyễn Minh Hằng cũng đang mang thai 14 tuần nhưng con trai 4 tuổi không may mắc tay – chân – miệng. Vì nhà không có người chăm sóc nên chị Hằng vẫn phải trực tiếp vệ sinh và cho con ăn uống. Chị Hằng đang muốn tìm cách vừa chăm sóc con vừa có thể tránh được nguy cơ lây vi rút.

Trao đổi với chúng tôi, TS. BS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam) cho hay bệnh tay – chân – miệng có thểmắc ở người lớn.

Tuy nhiên, khả năng mắc tay – chân – miệng ở người lớn tỷ lệ rất thấp. Trong mùa dịch 2014 và 2016 đã từng ghi nhận các trường hợp phụ huynh bị mắc tay – chân – miệng. Sau khi bị nhiễm bệnh, các trường hợp này bệnh cảnh rất nhẹ và rất nhanh khỏi.

Ở người lớn mắc bệnh thường không có triệu chứng sốt, nổi mụn nước và biến chứng như ở trẻ nhỏ. “Do bệnh tay – chân – miệng là bệnh do vi rút gây ra, vì vậy phụ nữ đang mang thai nên hạn chế chăm sóc tiếp xúc để tránh lây bệnh”, TS. BS Kính nói.

Chăm sóc trẻ làm sao để không bị nhiễm bệnh

Theo TS.BS Kính, nếu mẹ bầu buộc phải chăm con do không có ai giúp thì cách phòng bệnh hiệu quả là đeo gang tay. Do bệnh tay – chân – miệng lây qua đường tiêu hóa, vì vậy sau khi chăm sóc trẻ đều phải rửa tay sạch với xà phòng sát khuẩn.

Các triệu chứng thường xuất hiện 3 đến 6 ngày sau khi nhiễm vi rút bao gồm: sốt nhẹ, đau họng, chán ăn và bồn chồn.

Sau vài ba ngày phát triển, triệu chứng đầu tiên là xuất hiện các mụn nước nhỏ. Các mụn nước nhỏ có thể xuất hiện ở trong miệng, bàn tay, cánh tay, bàn chân, đùi, mông. Kích thước mụn nước rất nhỏ hoặc như hạt đậu.

Sau thời gian ủ bệnh, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hay bẹn có thể có mụn nước, một số trường hợpnổi ban nên dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sởi… Thông thường, bệnh tay chân miệng có thể chăm sóc tại nhà, tuy nhiên có những triệu chứng có thể là biểu hiện của biến chứng nguy hiểm như: sốt cao trên 39 độ, sốt dài ngày và khó hạ sốt, nôn ói nhiều, li bì, run tay, chân, tay chân yếu sức, khó thở…

Các biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể là viêm màng não, viêm tim hay viêm phổi, có những trường hợp bệnh chuyển biến nặng mà không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Ngọc Minh

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/song-khoe/ba-bau-mang-thai-cham-con-bi-tay-chan-mieng-can-chu-y-dieu-quan-trong-nay-de-khong-lay-benh-20181002054612449.htm