Bà bầu thích ăn lẩu, ăn thế nào cho khỏe mạnh?

Lẩu là món ăn khá phổ biến và được nhiều người ưa thích, nhất là trong thời tiết chuyển lạnh như hiện nay. Tuy các chuyên gia sức khỏe đều khuyên phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn lẩu nhưng không phải là không thể ăn. Vậy bà bầu ăn lẩu thế nào để khỏe mạnh?

Phương pháp chế biến món lẩu dành cho bà bầu

Nguyên liệu

Trước tiên, việc lựa chọn và phối hợp các nguyên liệu nấu lẩu chính là yếu tố cơ bản nhất để có một nồi lẩu đảm bảo cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ trong thai kỳ. Trong đó chủ yếu gồm thực phẩm chính, thịt, rau, nấm, các sản phẩm chế biến từ đậu v.v… cần phải kết hợp khéo léo và khoa học để đạt được giá trị dinh dưỡng và an toàn khi ăn.

Thực phẩm chính: Với bà bầu, tốt nhất bạn không nên dùng bún hay mì như bình thường hay ăn với lẩu. Bởi vì nguồn thực phẩm này không đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi mang thai. Mặc dù có thể hơi “lạ miệng” nhưng bạn có thể thay bằng khoai tây, ngô để ăn với món lẩu.

Thịt: Thịt bò, tôm, cá là vài lựa chọn tốt cho bạn, không nên tham lam mà ăn quá nhiều các loại hải sản khác vì có thể gây dị ứng.

Rau: Cải bó xôi, giá từ mầm đậu xanh, bắp cải, bí đao, cà rốt v.v…

Nấm: Nếu thích thêm nấm, bạn nên chọn nấm hương hoặc rong biển.

Tuy có thể ăn lẩu trong thai kỳ nhưng đương nhiên, với bà bầu thì nguyên liệu chế biến không thể tùy ý và đa dạng như bình thường. Có thể sẽ hạn chế nhiều món mà bạn vốn yêu thích nhưng vì sức khỏe mẹ và bé, tốt hơn hết vẫn chỉ nên chọn nguyên liệu giàu dinh dưỡng, khá an toàn và ít gây tác dụng phụ nhất.

Ngoài ra, cố gắng tránh các loại thực phẩm đóng hộp hoặc đã qua tẩm ướp, phơi khô, làm mặn v.v… Để có được món lẩu tươi ngon và khỏe mạnh cho bà bầu, bạn nên tự mua nguyên liệu về nấu theo những gợi ý khoa học như trên.

Nước dùng khi nấu lẩu

Nếu bạn ăn lẩu ở hàng quán bên ngoài thì dù là quán ăn hay nhà hàng sang trọng vẫn khó đảm bảo sức khỏe cho bà bầu. Nguyên nhân chủ yếu là các loại nước dùng và gia vị mà họ nấu tương đối nhiều, nguồn gốc phức tạp và khẩu vị “đậm” có thể ảnh hưởng cho mẹ và bé.

Ngoài ra, có nơi còn quảng cáo những món lẩu với nước dùng có tác dụng thanh nhiệt cũng không phải là lựa chọn tốt cho phụ nữ mang thai. Do các nguyên liệu mà họ dùng tuy có thể thật sự có tác dụng giải nhiệt nhưng không thống nhất, có nơi sẽ dùng các dược liệu như bo bo nếp, nhãn nhục v.v… không thích hợp cho bà bầu ăn.

Thông thường mà nói, các loại nước dùng như nước hầm xương, nước hầm từ gà, cá tương đối an toàn khi bà bầu chế biến lẩu để ăn. Bên cạnh đó, nếu bạn vốn có thói quen ăn cay thì nên giảm khẩu vị này trong thai kỳ để tránh tình trạng bị nhiệt.

Nước chấm

Nước chấm khi ăn lẩu ở các hàng quán tương đối đa dạng, còn thường được trộn 3 – 4 loại với nhau tạo thành món nước chấm với hương vị đặc biệt, thu hút khách hàng. Tuy nhiên, với bà bầu, lời khuyên cho bạn là nên hạn chế các món tương ớt, muối tiêu, mù tạt.

Lựa chọn lý tưởng vẫn là dầu mè, bơ đậu phộng, nước tương v.v… Nước chấm không nên trộn quá nhiều nguyên liệu và nên thêm ít nước đun sôi để làm “loãng” vị đậm đà từ nước chấm.

Thức uống

Khi ăn lẩu, nhiều người thích uống bia cho tăng khẩu vị và hào hứng, nhưng bà bầu thì tuyệt đối không nên có thói quen này. Thức uống tương đối an toàn cho bạn là trà hoa cúc, nước ép dâu tây, trà giấm táo v.v…

Những lưu ý cần nhớ khi bà bầu thích ăn lẩu

Nên ăn nhiều rau

Khi ăn lẩu, bạn có thể ăn khoảng 1/3 món thịt rồi nhúng một ít rau ăn kèm, không nên ăn thịt trước rồi cuối cùng mới ăn rau để tránh trong vô thức bạn sẽ dung nạp quá nhiều thịt mà không đủ lượng chất xơ cần thiết từ rau. Ngoài ra, bạn đừng quên ăn thêm thực phẩm chính để dạ dày không bị tình trạng “no giả” do các nguyên liệu khác tạo ra, sau một thời gian ăn sẽ khiến dạ dày khó chịu.

Các loại thịt phải được “nhúng” chín

Nhiều người thích ăn lẩu với độ chín vừa phải, đôi khi còn thích ăn “tươi” một chút mới ngon. Bà bầu không nên ăn kiểu này vì không đảm bảo an toàn và vệ sinh, tốt nhất nguồn nguyên liệu thịt vẫn nên được nhúng vào nồi lẩu cho thật chín.

Không nên ăn lẩu quá nóng

Trời lạnh ăn lẩu nóng quả thực là rất ngon, nhưng khi bụng rỗng thì niêm mạc dạ dày và thực quản thông thường chỉ chịu được nhiệt độ khoảng 50℃-60℃. Vì vậy, nếu bà bầu ăn lẩu quá nóng sẽ dễ tổn thương các niêm mạc này, thậm chí có thể gây viêm dạ dày và thực quản cấp tính. Khi cho lẩu từ nổi vào chén, bạn nên để một lúc cho giảm bớt độ nóng rồi hãy từ từ thưởng thức.

Không nên ăn quá no

Thời tiết mát mẻ, lại thêm vừa ăn vừa trò chuyện nên những bữa ăn lẩu có khi kéo dài cả 2 -3 giờ mới xong. Điều này dễ khiến bạn mất kiểm soát khi ăn, gây ra tình trạng ăn quá no, áp lực cho dạ dày. Với bà bầu, khi ăn no khoảng 7 phần có thể đứng dậy đi vài bước thư giãn, cũng là để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

Tạo môi trường thoáng đãng, trong lành khi ăn lẩu

Dù tụ họp ăn tại nhà hay ở hàng quán, bạn cũng nên chọn không gian mát mẻ, ít người và tiếng ồn. Một mặt tạo cảm giác thoải mái, ngon miệng khi ăn, mặt khác hạn chế các chất bẩn trong môi trường có thể gây hại sức khỏe bà bầu.

Ngoài ra, khi ăn, bạn không nên ngồi quá gần nồi lẩu đặt trên bếp ga để tránh hít quá nhiều khói và khí ga, không tốt cho mẹ và bé.

Thiên Khuê

Nguồn: Pcbaby, Sohu

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/ba-bau-thich-an-lau-an-the-nao-cho-khoe-manh-20181127095248741.htm