Ba bị chín quai

Chẳng hiểu sao câu đồng dao 'Ba bị chín quai, mười hai con mắt, đi bắt trẻ con' người lớn hay mang dọa lũ trẻ lại có mô tả như vậy về cái bị?

Túi cói. Ảnh: five.vn.

Cái bị của người Việt luôn được hiểu là một vật dụng đan bằng cói và chỉ có một quai duy nhất. Nếu chiếc bị mà có đến ba quai thì hẳn đã không có bệnh lý mang tên là “quai bị”...

Dải đất Việt Nam nằm ven biển Đông trải suốt chiều dài hơn 3.000 cây số chính là nơi sinh trưởng của loài cây tự nhiên hết sức quan trọng trong đời sống của cư dân Việt. Đó là cây cói. Nó được trồng hầu hết ở các tỉnh đồng bằng cả ven biển lẫn ở sâu trong đất liền. Ngay cạnh ngã ba sông Hồng, sông Đuống ven Hà Nội xưa cũng có một ngôi làng mang tên là Cối Lâm. Tên nôm là làng Cói. Tục truyền ngày xưa đất này chính là một rừng cói. Đây cũng là nơi phát tích của hai dòng họ Trịnh và họ Đỗ khoa bảng lừng lẫy nhiều đời.

Mới chỉ vài chục năm trước thôi, cả thành thị và nông thôn không thể thiếu một vật dụng trong nhà là chiếc chiếu cói. Người ta dùng nó trong mọi việc từ đình đám, hội họp, cỗ bàn cho đến trải lên giường nằm ngủ. Vài miền quê nghèo còn dùng chiếu làm chăn đắp. Tục ngữ “Thợ săng chết bó chiếu” nói về những người thợ suốt đời làm lụng vì cơm áo. Đến mức chẳng thể lo nổi cho chính mình một cỗ quan tài.

Đồ dùng bằng cói còn có chiếc mê đậy thúng xôi, chiếc làn đi chợ cứng cáp, chiếc mũ cói nhẹ tênh che nắng, chiếc thảm chùi chân ở vài gia đình khá giả. Và chiếc bị cói còn được dùng phổ biến cho đến tận bây giờ ở phố. Người bán hàng rau dưa, thịt cá, quang gánh ở chợ luôn dùng bị cói làm chiếc két đựng tiền hàng. Nó dày dặn kín đáo lại tránh được nước nôi bụi bặm. Có thể đặt nó trước mặt trong tầm tay rất tiện thao tác tìm tiền lẻ trả lại khách hàng. Cũng có thể đeo nó bên vai tuyệt đối an toàn khi gánh gồng nhũng nhẵng trên phố.

Bị cói được đan khá nhiều cỡ cho từng công dụng của nó. Nhỏ nhất là cái bị đựng tiền của những người bán hàng. Lớn nhất là những chiếc bị đựng nông sản ngô, khoai, thóc, gạo và muối. Những chiếc bị này trẻ con vài tuổi có thể nằm lọt thỏm trong ấy. Có lẽ chính vì thế mà lũ trẻ khi dọa “ông ba bị” bắt đều hiểu được nguy cơ ấy là có thật. Và sợ. Chiếc bị đại này còn là dụng cụ quan trọng của những người thợ trèo me trèo sấu chuyên nghiệp ở thành phố. Họ đeo bị trèo lên tận ngọn cây hái quả bỏ vào đầy chặt mới ròng dây thả xuống đất. Chẳng biết bà cụ già tốt bụng trong truyện Tấm Cám khi gọi “Thị ơi, thị rụng bị bà. Bà để bà ngửi chứ bà không ăn” thì dùng chiếc bị cỡ nào? Nhưng chắc chắn chiếc bị dùng để đựng quả thì đã có từ trong cổ tích.

Chiếc bị cũng là vật bất ly thân của những người ăn mày xưa. “Quê mình là đất ăn chơi/ Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành” là ca dao tự trào của những vùng quê nghèo kéo nhau đi ăn mày cả làng những năm chết đói. Ăn mày thời mang bị sẵn sàng nhận tất cả từ đồ ăn, quần áo cũ cho đến bát đĩa mẻ và chai lọ bỏ đi. Dĩ nhiên có cả tiền nữa. Nếu không là chiếc bị chắc chẳng có cái gì đựng được tất cả ngần ấy thứ. “Năng nhặt chặt bị” là thế...

Cũng chẳng hiểu vì sao một chiếc bị có rất nhiều công dụng kể cả dọa nạt trẻ con như thế nhưng khi có đến ba chiếc bị cùng một lúc lại được hiểu sang một nghĩa khác đáng ghét. Khi tức giận một ai đó làm điều sai trái người ta thường nói kẻ ấy rất “ba bị”. Chẳng biết có liên quan gì đến những kẻ ăn mày xưa hay không? Những người ăn mày xưa thường mang toàn bộ tài sản của mình rong ruổi khắp nước. Một chiếc bị khoác vai chẳng bao giờ là đủ cho lệ bộ ăn mày.

Dù nhiều công dụng cần thiết như vậy nhưng chiếc bị cói lại luôn không nằm trong lựa chọn của dân phố khi đã có những túi, những làn thay thế. Ngoài giờ gồng gánh bán rong thì ngay chính những đàn bà buôn bán cũng không bao giờ cắp chiếc bị ra đường. Đàn ông ở phố lại càng không bao giờ dùng đến chiếc bị nếu như buổi chiều không phải dọn hàng cho vợ ở chợ về. Hình như dân phố những người còn dùng đến chiếc bị cói thường có ý thức giấu giếm rất cẩn thận những đặc thù công việc ấy của mình. Ngay cả đến những người ăn mày ở phố vài chục năm nay cũng đã không thấy ai còn đeo chiếc bị nữa. Họ ăn mặc lịch sự và chỉ xin thứ duy nhất là tiền nên chẳng dùng bị vào việc gì. Vài người còn rút điện thoại di động ra nhoay nhoáy bấm GPS tìm đến những quán bia hơi vỉa hè. Đó là những nơi hiếm hoi trong thành phố còn người ăn mày hoạt động.

Những người có tầm vóc lớn lao trong xã hội thì ngạc nhiên thay lại chẳng thấy nề hà bận tâm. Những năm ’70 thế kỷ trước người Hà Nội vẫn thường thấy giáo sư Từ Chi bồng bềnh râu tóc lọc cọc đạp chiếc xe cũ qua đường Khâm Thiên đi xuống mạn Ô Chợ Dừa. Trên vai ông luôn là chiếc bị cói thâm sì. Bên trong lủng củng những nồi xoong, bát đũa, bếp dầu và bản thảo viết tay những công trình khoa học khét tiếng.

Trẻ con ở phố giờ cũng chẳng sợ “ông ba bị” nữa. Đơn giản vì phụ huynh của chúng những người tầm 30 tuổi trở xuống cũng ít ai còn biết đến chiếc bị. Nhiều người công khai gọi nó là cái “túi cói một quai”. Kể cũng hơi “ba bị”...

8.2018

đỗ phấn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/ba-bi-chin-quai-624234.ldo