Ba Chẽ: Đổi thay từ Đề án 196

Từ nguồn vốn Đề án 196, nhiều công trình hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Ba Chẽ đã được đầu tư và đưa vào sử dụng. Qua đó, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn, miền núi và góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho người dân sinh sống trên địa bàn.

Diện mạo mới của Ba Chẽ đổi thay với nhiều công trình hạ tầng được đầu tư, xây dựng.

Diện mạo mới của Ba Chẽ đổi thay với nhiều công trình hạ tầng được đầu tư, xây dựng.

Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Đề án 196, năm 2017, đập thủy lợi Tài Lò (thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước phục vụ sản xuất cho hơn 10ha đất canh tác nông nghiệp của các hộ dân thôn Nà Làng. Từ khi được đưa vào sử dụng, người dân ở đây có đủ nước tưới tiêu, hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Sản lượng lương thực trên địa bàn ngày càng tăng, nhiều hộ dân còn mạnh dạn đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Triệu A Hồng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho biết: Trước kia muốn có nước phục vụ sản xuất, chúng tôi phải cùng nhau lấy đá, đất đắp lạch để lấy nước chảy vào ruộng rất khó khăn. Từ khi được có đập thủy lợi Tài Lò, người dân chúng tôi có nguồn nước đảm bảo, không phải thấp thỏm sợ thiếu nước như trước nữa. Sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế của người dân cũng thuận lợi hơn, cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Người dân chúng tôi rất phấn khởi.

Mô hình trồng thanh long được hỗ trợ từ Đề án 196 của gia đình anh Triệu A Hồng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho hiệu quả kinh tế cao.

5 năm qua, bằng nguồn vốn từ Chương trình 135, Đề án 196, huyện Ba Chẽ đã đầu tư xây dựng được 118 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Trong đó có: 72 công trình giao thông, 22 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sinh hoạt, 7 công trình trường học, 3 trạm y tế, 2 công trình điện với tổng kinh phí gần 230 tỷ đồng. Đồng thời, hoàn thành việc ưu tiên bố trí vốn đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề nghị, nhu cầu của các xã, tổng vốn phân bổ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2016 - 2020 với mức gần 22 tỷ đồng cho 2.331 hộ, với 74 dự án; thực hiện 2 dự án, 3 nhiệm vụ KH&CN tại các xã ĐBKK, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đã thực hiện hoàn thành công tác xây, sửa nhà ở cho 584/584 các đối tượng chính sách trên địa bàn…

Các công trình, dự án này được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, áp dụng trong thực tiễn cuộc sống đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân vùng cao Ba Chẽ. Đến nay, 100% xã ĐBKK có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn ĐBKK cơ bản đã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 7/7 xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ dân ở các xã, thôn bản ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia và từ các nguồn điện khác an toàn; trên 97,8% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng từ 19,7 triệu đồng người/năm 2016 lên 34 triệu đồng/người năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,13%.

Đến hết năm 2019, Ba Chẽ đã hoàn thành việc đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Đề án 196, trước 1 năm so với kế hoạch. Ông Nguyễn Công Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Đề án 196 được triển khai trên địa bàn huyện đã trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo về sinh kế, tăng thu nhập, góp phần quan trọng giúp các hộ thoát nghèo, nhân rộng các mô hình kinh tế, chủ động trong sản xuất. Diện mạo của Ba Chẽ từ Đề án này đã thay đổi khá nhiều, không chỉ là về hạ tầng được đồng bộ hơn mà người dân cũng dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng KHKT nhiều hơn.

Huyện Ba Chẽ đang tiếp tục đôn đốc, hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án chuyển tiếp trên địa bàn và khai thác, sử dụng, phát huy tốt hiệu quả các công trình, dự án đã được đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình 135, Đề án 196. Đồng thời, sẽ tập hợp báo cáo chi tiết để trình UBND tỉnh cân đối bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn mới ra khỏi diện ĐBKK trên địa bàn huyện, gắn với thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đảm bảo tính bền vững của Đề án 196, góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM và các mục tiêu phát triển bền vững của các huyện.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/ba-che-doi-thay-tu-de-an-196-2493369/