Ba Chẽ: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Là địa phương có nhiều khó khăn đặc thù, nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, nhưng huyện Ba Chẽ đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018, góp phần nâng cao đời sống người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.

Vườn ươm giống trà hoa vàng...

Vườn ươm giống trà hoa vàng...

Bước vào thực hiện nhiệm vụ 2018, huyện Ba Chẽ bám sát Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 8/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 và Thông báo Kết luận số 208-TB/TU ngày 6/2/2018 của Tỉnh ủy tại buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Chẽ, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng quyết liệt, chủ động, linh hoạt và giao nhiệm vụ cụ thể. Nhờ đó mà hầu hết chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đều đạt kế hoạch đề ra, nhất là các chỉ tiêu đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Năm 2018 là năm huyện Ba Chẽ bứt tốc trong công tác giảm nghèo. Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo lớn nhất tỉnh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm rõ rệt từ 34,7% vào cuối năm 2015 xuống còn 9,44% hiện nay. Cụ thể, năm qua toàn huyện giảm được 557 hộ nghèo (hiện còn 502 hộ nghèo), đạt 157% kế hoạch tỉnh giao, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 9,44%, giảm 10,47% so với năm 2017; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 10,38%, giảm 4,91% so với năm trước.

và khu chế biến, đóng gói trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ).

Không chỉ số hộ nghèo giảm mạnh, mà nhận thức vươn lên thoát nghèo, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân đã thay đổi rõ rệt. Phong trào thoát nghèo đã làm thay đổi cách nhìn của bà con về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Năm 2018 đã có 104 hộ tại 8/8 xã, thị trấn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện nghèo và không tái nghèo những năm tiếp theo. Đây là năm có số hộ dân tự nguyện viết đơn thoát khỏi diện nghèo cao nhất từ trước đến nay của Ba Chẽ. Con số này tương đương gần 1/3 tổng số hộ mà huyện phấn đấu thoát nghèo trong năm 2018.

Để từng bước cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững, trong năm qua huyện đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất trên địa bàn, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất với quy mô trang trại, gia trại. Đồng thời, phát triển vùng sản xuất hàng hóa đã quy hoạch; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi đàn bò; ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với trồng dược liệu…

Đến nay, toàn huyện có 18 trang trại, gia trại; trong đó có 9 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Huyện đã triển khai 33 dự án phát triển sản xuất với sự tham gia của 154 hộ dân với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng đồng; mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung một số cây chủ lực của địa phương, trồng dược liệu như ba kích tím, trà hoa vàng, mía tím, thanh long... Bằng cách làm này, bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, nhận thức của người dân về thoát nghèo để có cuộc sống tốt hơn dần thay đổi.

Sản phẩm ba kích tím của Hợp tác xã Toàn Dân (xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ).

Cùng với phát triển ngành kinh tế có thế mạnh như nông, lâm, ngư nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân, xóa nghèo bền vững, Ba Chẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng, thu hút nhiều lao động. Qua đó, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện cũng mạnh dạn đề xuất xin cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhờ đó, người dân ngày càng được hưởng lợi từ sự đầu tư của Nhà nước. Các hộ nghèo và hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, hỗ trợ phát triển sản xuất đã cải thiện đời sống vật chất và tinh thần…

Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Năm 2019, chủ đề công tác của huyện là "Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ; hoàn thành Chương trình 135", Ba Chẽ quyết tâm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Trong đó, phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động tốt các nguồn lực cho phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng thu hút đầu tư..., tạo việc làm, thu nhập cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo phát triển kinh tế; ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí, điều kiện và khả năng thoát nghèo, tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Từ đó, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống nhân dân./.

Thu Chung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201902/ba-che-no-luc-giam-ngheo-ben-vung-2423656/