Ba Chẽ sẵn sàng cho các lễ hội đầu xuân Mậu Tuất 2018

Thiết thực hưởng ứng năm du lịch Quốc gia 2018 do tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức, nhiều Lễ hội Xuân Mậu Tuất sẽ diễn ra như Lễ hội Đình Làng Dạ, Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà thuộc huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh).

Theo đó, trong thời gian từ ngày Mùng 9 tháng Giêng đến Mùng 1 tháng 3 năm Mậu Tuất, huyện Ba Chẽ tổ chức 3 lễ hội trọng tâm gồm: Lễ hội Đình Làng Dạ, xã Thanh Lâm; Lễ hội Lồng Tồng, xã Đạp Thanh và Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà, xã Nam Sơn. Tại các Lễ hội ngoài phần lễ, ở phần hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ; thể dục thể thao; các trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn.

Lễ hội Đình Làng Dạ

Lễ hội Đình Làng Dạ, xã Thanh Lâm là một trong những lễ hội truyền thống của huyện Ba Chẽ được tổ chức vào các ngày 24, 25 tháng 2 (tức ngày Mùng 9, mùng 10 tháng Giêng âm lịch với 2 phần: phần lễ và phần hội. Năm nay, UBND xã Thanh Lâm đã kiện toàn Ban tổ chức Lễ hội, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; hiện nay công tác chuẩn bị đang được hoàn thiện các công việc như: các điều kiện để thực hiện các nghi lễ, các trò chơi dân gian, liên hoan văn nghệ, công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác an ninh trật tự...

Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà diễn ra hàng năm thu hút được đông đảo du khách và nhân dân.

Ông Trần Văn Lộc - Trưởng ban tổ chức Lễ hội Đình Làng Dạ 2018 cho biết: “Từ trước Tết Nguyên Đán chúng tôi đã tổ chức triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội Đình Làng Dạ 2018, trong đó đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chuẩn bị kỹ cho thực hiện các nghi lễ, bố trí khu vực để xe, tiến hành công tác dọn vệ sinh môi trường khu vực Đình và trong toàn bộ thôn Làng Dạ, làm kỳ đài, trang trí khánh tiết, chuẩn bị các khu vực diễn ra các trò chơi dân gian, khu vực bán hàng để phục vụ cho du khách đến vui xuân, chơi hội”.

Hội Lồng Tồng

Hội Lồng Tồng là lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày. Hội năm nay được tổ chức tại thôn Bắc Xa, xã Đạp Thanh vào ngày 10, 11 tháng 3 (tức ngày 23, 24 tháng Giêng âm lịch). Đây chính là hoạt động thiết thực, nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Qua ngày hội sẽ phát huy cao độ tinh thần chịu thương, chịu khó của người nông dân, tích cực chăn nuôi, trồng trọt, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, góp phần nâng cao năng xuất cây trồng vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thi cày, thi cấy tại Hội Lồng Tồng.

Ngoài phần lễ, Hội Lồng Tồng năm nay còn tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc như: kéo co, đẩy gậy, các trò chơi dân gian; liên hoan văn nghệ do các hạt nhân văn nghệ của Đạp Thanh và các xã bạn tham gia biểu diễn. Điểm nhấn của Hội Lồng Tồng chính là các hoạt động thi cày, thi cấy được những tay cày giỏi nhất, những con trâu khỏe nhất và các tay cấy nhanh, thẳng hàng được tuyển chọn từ các thôn về dự thi khẳng định quyết tâm của bà con nhân dân “cày sâu tốt lúa, cấy nhanh thẳng hàng, mùa màng bội thu”.

Theo Ông Hoàng Văn Huấn – Chủ tịch UBND xã Đạp Thanh, trưởng ban tổ chức Lê hộ Lồng Tồng năm 2018 xã Đạp Thanh cho biết: “Lễ hội Lồng Tồng là một lễ hội đặc trưng riêng có của dân tộc Tày. Qua lễ hội này chúng tôi mong muốn tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho bà con nhân dân và du khách tạo động lực đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của xã Đạp Thanh nói riêng, huyện Ba Chẽ nói chung trong năm 2018 và những năm tiếp theo”.

Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà

Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà năm 2018 được tổ chức vào ngày 16/4 (tức ngày 1/3 Âm lịch) tại khu di tích lịch sử Miếu Ông – Miếu Bà, xã Nam Sơn.

Lễ hội gồm: phần Lễ với lễ rước nước, lễ rước bài vị Tả tướng quân Lê Bá Đức, người được tôn thờ tại Miếu Ông, lễ Mộc Dục (lễ tắm tượng), lễ dâng hương của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và du khách thập phương; phần Hội có các chương trình văn nghệ của các hạt nhân văn nghệ biểu diễn; các môn thi chèo thuyền, thi gói bánh, thi đẩy gậy và các trò chơi dân gian.

Lễ rước Bài vị Thành Hoàng tại Lễ hội Đình Làng Dạ.

Với phương châm "Chu đáo, thiết thực, lành mạnh, tiết kiệm, đạt chất lượng" về cả nội dung và hình thức trong việc tổ chức các Lễ hội nhằm phát huy giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc đẩy mạnh công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện nhất là tiềm năng du lịch; tạo ấn tượng với du khách và nhân dân.

Với sự chuẩn bị chu đáo, các Lễ hội đầu xuân Mậu Tuất 2018 hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách và nhân dân các dân tộc một mùa Lễ hội vui tươi, an lành, thư thái trong những ngày đầu xuân.

Bảo Thoa - Minh Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ba-che-san-sang-cho-cac-le-hoi-dau-xuan-mau-tuat-2018-69589.html