Bà Clinton: Các bên liên quan Biển Đông không nên dọa nạt

- Ngày 16/11, tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Phòng vệ lẫn nhau giữa Philippines và Mỹ, tại Manila, Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết nước Mỹ trông đợi sẽ có những cuộc thảo luận thẳng thắn về tranh chấp Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Bali, Indonesia cuối tuần này, trong đó các nhà lãnh đạo của các nước Thái Bình Dương tham dự.

Hãng tin Reuters dẫn lời bà Clinton nói rằng, Mỹ không đứng về bên nào trong bất cứ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ nào. Quốc gia nào cũng có quyền đòi quyền lợi của mình nhưng không có quyền theo đuổi mục đích của mình thông qua sự dọa nạt hoặc áp bức mà phải tuân thủ luật pháp quốc tế, phán quyết của luật pháp, và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Trong khi đó, tờ Thanh niên cho biết, ASEAN đã chuẩn bị một bộ quy tắc để ràng buộc hành vi của các cường quốc nếu họ có ý đồ sử dụng vũ lực trong khu vực hay chia rẽ ASEAN. Bộ Quy tắc Bali gồm 12 - 13 điều sẽ đóng vai trò giữ gìn an ninh trong khu vực, tránh việc các nước lớn dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng nước chủ nhà Philippines Alberto Del Rosario ký tuyên bố hợp tác.

Cũng theo báo này, tại buổi họp báo cuối ngày 16/11 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 về khả năng vũ lực được sử dụng trong cuộc tranh chấp này, Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia nước chủ nhà hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 6 diễn ra vào ngày 19/11 tới, trả lời phóng viên: “ASEAN chủ trương tạo dựng một tiến trình hòa bình”.

Tiến trình đó bao gồm việc thúc đẩy Trung Quốc thông qua bản Hướng dẫn thực thi Tuyên bố về Quy tắc ứng xử biển Đông hồi tháng 7 và đang khởi động quá trình đi đến một bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) phù hợp với công pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển năm 1982. “ASEAN sẽ không dùng vũ lực, bởi đó là biểu hiện của sự yếu kém. Chúng ta chủ trương giải quyết bằng ngoại giao, một cách tự tin. Vì thế, phía nào sử dụng vũ lực sẽ bị loại khỏi tiến trình này”, ông nói.

Mới đây, việc Mỹ tuyên bố sẽ triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ ở Úc cũng được nhìn nhận là một diễn biến có tính chất đối kháng với Trung Quốc. Nhưng, ông Natalegawa nói rằng đó là một vấn đề song phương giữa Úc và Mỹ, mà ASEAN sẽ không bị cuốn vào. Mặt khác, động thái này, theo ông, “không có tính chất gây hấn”, “không có ý đồ đen tối”, mà rất minh bạch.

Tuy vậy, để tránh các nước lớn, kể cả Trung Quốc, có những hành động gây căng thẳng trong khu vực, bộ Quy tắc Bali, dự kiến sẽ được 18 quốc gia EAS ký thông qua vào ngày 19/11, sẽ có vai trò “kiểm soát hành vi” của các thành viên tham gia.

Ông Natalegawa cũng bác bỏ lập luận cho rằng việc mời Mỹ và Nga tham gia EAS sẽ làm mất đi tính tập trung của ASEAN. Ông nói, ASEAN sẽ đóng vai trò nối kết các nước ngoài khu vực, nhưng “sẽ không bị pha loãng”, bằng cách đặt ra những quy tắc của mình mà các nước tham gia phải tuân thủ. Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác ASEAN mà Brazil là thành viên mới nhất ký thỏa thuận tham gia hôm 16/11 là một ví dụ. Thỏa thuận sắp được ký với 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân về một ASEAN phi vũ khí hạt nhân cũng thể hiện vai trò tự chủ của khối.

Trong một diễn biến khác, THX dẫn thông cáo do Bộ Ngoại giao Indonesia ra ngày 16/11 nêu rõ, ngoại trưởng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí về Hiệp ước Khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ). Thông cáo cho biết thêm, nhóm P-5 gồm năm nước sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cũng đã nhất trí thiết lập SEANWFZ.

Cũng trong sáng 16/11, tại Bali đã diễn ra lễ ký thỏa thuận thành lập Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á (ASEAN SAI). Cơ quan Kiểm toán Indonesia và Brunei là Chủ tịch và Phó chủ tịch ASEAN SAI nhiệm kỳ 2011-2013; Kiểm toán Nhà nước Việt Nam làm Chủ tịch Ủy ban Lập kế hoạch chiến lược của ASEAN SAI.
PL (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1987/201111/Khong-de-doa-de-thuc-day-chu-quyen-o-bien-dong-1817017/