Ba điểm nhấn từ làn sóng đảo chính tại châu Phi

Ngày 30/8, ít lâu sau cuộc đảo chính tại Niger, cộng đồng quốc tế chứng kiến một cuộc đảo chính khác. Địa điểm cách đó không xa - Gabon.

Ngày 4/9, lãnh đạo phe đảo chính, Tướng Brice Oligui Nguema, nhậm chức “Tổng thống chuyển tiếp” Gabon. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc bầu cử ngày 30/8, khi cơ quan bầu cử tuyên bố ông Ali Bongo Odimba, đương kim Tổng thống, đã giành chiến thắng và kéo dài nhiệm kỳ 14 năm.

Ngay sau đó, tiếng súng đã vang lên ở thủ đô Breville. Ông Odimba bị bắt giữ và quản thúc tại dinh thự. Con trai ông, Noureddin Bongo Valentin cùng sáu người khác cũng bị bắt vì tội “phản quốc”.

Cùng ngày, một nhóm binh sĩ xuất hiện trên truyền hình, tuyên bố tiếp quản Gabon. Sáu ngày sau đó, Tướng Brice Oligui Nguema, cận vệ một thời của cựu Tổng thống Omar Bongo Odimba, được bổ nhiệm làm “Tổng thống chuyển tiếp”.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông khẳng định cuộc đảo chính diễn ra không có đổ máu, không có thương vong. Đồng thời, “Tổng thống chuyển tiếp” cam kết tổ chức “bầu cử tự do, hòa bình và minh bạch”, dù không nêu rõ thời điểm cụ thể. Nước này đã mở cửa lại biên giới, từng bước trở lại bình thường.

Trong bối cảnh đó, không ít người đã quan ngại “làn sóng đảo chính” ở châu Phi sẽ tiếp diễn, nếu nhìn vào một số điểm sau.

Đầu tiên, chỉ trong vòng ba năm qua, các nước thuộc địa cũ của Pháp tại châu Phi đã chứng kiến tới tám cuộc đảo chính, với ưu thế đều nghiêng về các lực lượng quân sự. Niger và Gabon không phải là ngoại lệ. Cả hai đều là thuộc địa cũ của Pháp và đang cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của Paris.

Tại Niger, Đại sứ Pháp Sylvain Itte đã được chính quyền quân sự yêu cầu rời khỏi nước này trong khi những người ủng hộ cuộc đảo chính tụ tập trước Đại sứ quán Pháp để bày tỏ thái độ. Chính quyền quân sự cũng yêu cầu Paris rút 1.500 quân đồn trú về nước.

Trong khi đó, ở Gabon, một trong những đồng minh thân cận nhất của Pháp ở châu Phi, có ít nhất một công ty khai khoáng của Pháp, bao gồm Eramet, đã ngừng hoạt động.

Thứ hai, cả hai cuộc đảo chính này đều được khơi mào bởi lực lượng an ninh, cụ thể là sĩ quan cận vệ của chính quyền đương nhiệm. Ở Niger, đó là Tướng Abdourahamane Tchiani. Tại Gabon, đó là Tướng Brice Oligui Nguema. Điều này phản ánh mâu thuẫn giữa một bên là chính quyền dân sự, một bên là lực lượng an ninh, câu chuyện “muôn thuở” tại nhiều nước châu Phi.

Thứ ba, cả Niger và Gabon đều đối mặt với những vấn đề phức tạp. Với Niger, đó là câu chuyện về an ninh, với sự hoành hành của tổ chức khủng bố al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cùng bài toán về cân bằng quyền lực nội bộ. Ở Gabon, đó là câu chuyện về bầu cử: Cựu Tổng thống Omar Bongo Odimba đã cầm quyền liên tục 42 năm, trước khi con của ông, Tổng thống Omar Bongo Odimba, tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm 14 năm thông qua các cuộc bầu cử “đầy bất thường”.

Điều này cũng lý giải phản ứng trái ngược của người dân và cộng đồng quốc tế trước sự thay đổi tại hai quốc gia này. Ở Niger, phe đảo chính của Tướng Abdourahamane Tchiani phải đối mặt với sự phản đối của lực lượng dân sự cùng chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế, thậm chí là lời cảnh báo về can thiệp quân sự từ Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS).

Trong khi đó, tại Gabon, mặc dù cộng đồng quốc tế nói chung và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Trung Phi (ECCAS) vẫn chỉ trích cuộc đảo chính, song các bên vẫn chưa có kế hoạch can thiệp quân sự. Đáng chú ý, dù khẳng định rằng “theo lẽ thường, đảo chính quân sự chưa bao giờ là giải pháp”, song Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại - an ninh Josep Borrell cũng đặt câu hỏi về các “cuộc bầu cử đầy bất thường” trong giai đoạn cầm quyền của hai Tổng thống nhà Odimba.

Tuy nhiên, liệu kết thúc “các cuộc bầu cử bất thường” bằng “phương pháp bất thường” có thể đem lại cuộc sống bình thường cho người dân Niger và Gabon hay không? Những gì diễn ra tại Libreville chỉ là điểm dừng hay “bến cuối” của làn sóng đảo chính tại châu Phi? Đây đều là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-diem-nhan-tu-lan-song-dao-chinh-tai-chau-phi-241149.html