Ba điều khiến bệnh nhân 'lên thẳng' tuyến trên

Có tới gần 80% người dân TP Hồ Chí Minh được khảo sát trả lời sẵn sàng khám điều trị tại địa phương, không chạy lên tuyến trên nếu trạm y tế đáp ứng được 3 điều: nhân lực, thuốc và các xét nghiệm tối thiểu. Đó là kết quả khảo sát mà Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa công bố vào ngày 6/9.

Trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp với 2 bệnh viện tuyến quận để khảo sát nhanh nhu cầu thực tế của người dân đối với hoạt động khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP. Theo đó, khảo sát được thực hiện tại Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện quận Bình Thạnh.

Người bệnh được phỏng vấn tuổi từ 20-73 (70% thường trú), 100% đều có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Các bệnh mạn tính của người được khảo sát bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh xương khớp mạn tính, đái tháo đường, hen phế quản hoặc bệnh phế quản tắc nghẽn mạn tính.

Gần 80% người dân được khảo sát nói sẵn sàng đến trạm y tế nếu có bác sĩ và đủ các loại thuốc.

Gần 80% người dân được khảo sát nói sẵn sàng đến trạm y tế nếu có bác sĩ và đủ các loại thuốc.

Khi được hỏi người bệnh có đồng ý trở về trạm y tế phường gần nhà để tái khám thay vì phải chạy lên bệnh viện như hiện nay thì có đến 77,8% người dân trả lời sẵn sàng nếu trạm y tế có bác sĩ và đủ các loại thuốc như đang được nhận tại các bệnh viện. Trong đó, 3 nội dung được nhiều người dân mong đợi, gồm: bổ sung bác sĩ cho trạm y tế (42,6%), bổ sung danh mục thuốc cho trạm y tế (40,5%) và bổ sung xét nghiệm cho trạm y tế (33,4%).

Khảo sát này nhằm nhằm đánh giá nhu cầu thực tế của người dân đối với hoạt động khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP. Đồng thời, làm cơ sở để tiến hành triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, củng cố thêm kiến nghị của các trạm y tế được bổ sung thêm các loại thuốc giống như các thuốc đang được sử dụng tại các bệnh viện cho điều trị các bệnh không lây.

Huyền Nga

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/ba-dieu-khien-benh-nhan-len-thang-tuyen-tren-i666482/