'Bà đỡ' cho các xã viên phát triển kinh tế

Trong khi nhiều hợp tác xã (HTX) hoạt động cầm chừng, thậm chí 'chết lâm sàng' mà chưa được 'khai tử' (giải thể) thì HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên lại hoạt động hiệu quả, trở thành điểm tựa vững chắc, 'bà đỡ' cho xã viên phát triển kinh tế.

 Sản phẩm rượu tằm của Hợp tác xã Hòa Phong.

Sản phẩm rượu tằm của Hợp tác xã Hòa Phong.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu chăn nuôi, anh Đặng Ngọc Lý, xã viên HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (HTX Hòa Phong) tâm sự: "Trước năm 2012, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Không cam chịu nghèo đói, năm 2012, vợ chồng tôi gom góp được 30 triệu đồng, vay của anh em họ hàng 50 triệu đồng, 50 triệu đồng vay vốn của HTX Hòa Phong (tổng cộng 130 triệu đồng) để đầu tư vào chăn nuôi. Đến nay, đàn gia súc, gia cầm của gia đình tôi có giá trị hơn 1 tỷ đồng (đàn gà 2.500 con, 10 heo nái, 70 heo thịt, đàn bò 10 con, vịt xiêm (ngan) 2.500 con...). Lợi nhuận từ chăn nuôi sau khi trừ chi phí được trung bình 200 triệu đồng/năm. Không chỉ thoát nghèo, gia đình tôi còn tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên tại địa phương với mức lương 3,5-4 triệu đồng/người/tháng và 2 lao động thời vụ với mức tiền công 250.000 đồng/người/ngày". Anh Đặng Ngọc Lý cho rằng: "Nguồn tín dụng của HTX thực sự quan trọng đối với bà con xã viên chúng tôi".

HTX Hòa Phong được cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX ngày 29-12-1997, đến nay tổng số vốn của HTX đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 9,291 tỷ đồng với tổng số 2.084 xã viên. Hiện HTX có 10 dịch vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh gồm: Dịch vụ mua bán vật tư nông nghiệp, dịch vụ bán lẻ xăng dầu, dịch vụ thu gom rác thải, dịch đầu tư mua bán tập trung, dịch vụ sản xuất và mua bán lúa giống, dịch vụ thu hoạch lúa, dịch vụ làm đất (cày bừa), dịch vụ cho thuê tài chính, dịch vụ sản xuất rượu tằm.

Nhắc đến HTX Hòa Phong, người tiêu dùng đã bắt đầu biết đến sản phẩm rượu tằm. Thông qua hoạt động sản xuất rượu tằm, HTX trực tiếp thu mua tằm của xã viên với giá 100.000 đồng/kg. Qua đó, lợi nhuận của người nuôi tằm tăng thêm nên bà con xã viên rất phấn khởi, mạnh dạn đầu tư nuôi tằm để cung cấp nguyên liệu cho HTX. Giám đốc HTX Hòa Phong Nguyễn Ngọc Tuấn tiết lộ: Chúng tôi đang phấn đấu xây dựng sản phẩm rượu tằm Hòa Phong trở thành sản phẩm theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm-OCOP”. Khi thành công sẽ không chỉ giúp HTX Hòa Phong tiêu thụ tốt sản phẩm mà còn góp phần làm gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế.

Một trong những điểm nổi bật nhất của HTX Hòa Phong là dịch vụ đầu tư tín dụng nội bộ. Đến nay, 80% thành viên HTX đã tiếp cận được nguồn vốn. Điểm đáng mừng là tỷ lệ nợ xấu rất thấp, phần lớn các khoản tín dụng cho xã viên đều được thanh toán đúng kỳ hạn. Từ nguồn tín dụng này không chỉ giúp xã viên sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình mà còn phục vụ nhu cầu chi tiêu cấp bách. Nhờ đó, bà con xã viên nơi đây đã tránh được tình trạng rơi vào tín dụng đen, góp phần bảo đảm trật tự-an ninh trên địa bàn vùng nông thôn.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ba-do-cho-cac-xa-vien-phat-trien-kinh-te-552205