'Bà đỡ' của đồng bào Chứt

Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị thực hiện đề án bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Từ khi triển khai đề án này, các anh được đồng bào trìu mến gọi là 'bà đỡ' của núi rừng.

Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Dân tộc Chứt trước kia sống du canh, du cư ở trong rừng sâu phía tây huyện Hương Khê. Sau khi BÐBP tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, đơn vị đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và đưa đồng bào về định cư tại bản Rào Tre, xã Hương Liên. Ðây là dân tộc rất ít người ở nước ta, hiện chỉ có 41 hộ với 146 khẩu. Khi mới về định cư, không chỉ cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn mà để giúp thì BÐBP cũng gặp rất nhiều trở ngại. Thói quen, tập quán lâu đời của họ là du canh, du cư trong rừng sâu, biệt lập với xã hội văn minh, cuộc sống còn nhiều hủ tục. Khi ốm đau, dịch bệnh có người chết thì dân bản cho là ma rừng bắt đi. Cả bản Rào Tre không ai biết chữ. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra khá phổ biến, khi sinh con phải vào trong rừng sâu, không được sinh trong nhà… Người Chứt đứng trước nguy cơ diệt vong.

Làm thay đổi suy nghĩ, sinh hoạt đã bao đời ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào là việc rất khó, phải tính toán kỹ, xác định làm việc gì phải cụ thể để đồng bào dễ thấy, dễ biết, dễ học và làm theo. Việc đầu tiên Tổ công tác Biên phòng tiến hành, đó là tiếp cận, làm quen, tạo sự gần gũi, thông qua những việc làm cụ thể như vừa hướng dẫn vừa giúp người dân làm đường giao thông trong bản, làm nhà ở cho họ; dọn dẹp vệ sinh môi trường, chăm sóc các cháu nhỏ…

Khi đã tạo được sự gần gũi, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tổ chức dạy chữ xóa mù cho người dân. Ðây là việc làm quan trọng mà lại rất khó. Cái khó ở đây là người dân rất ngại tiếp xúc, ngại học, nhất là người lớn, nhưng với nhiều cách làm sáng tạo của đơn vị như: đến từng nhà dạy chữ cho từng người, rồi kiên trì tuyên truyền, vận động họ đến học tập trung tại nhà ở của tổ công tác. Năm 2012, bản Rào Tre được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ cấp quốc gia. Hiện nay, bản có 14 học sinh đang học văn hóa tại trường dân tộc nội trú, hai thanh niên nhập ngũ, hai sinh viên đã tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, trong đó chị Hồ Thị Bình Xuân hiện là Phó Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng phụ nữ bản Rào Tre.

Cùng với tuyên truyền vận động người dân dân tộc Chứt xóa bỏ các hủ tục, BÐBP Hà Tĩnh còn cùng họ trồng lúa nước, làm vườn, chăn nuôi trang trại. Ðồng thời tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào như: Tết Lấp Lỗ, Tết Chăm Chơ Bới… khôi phục các nhạc cụ truyền thống và các vật dụng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Chứt như kèn môi, đàn Chắc Chư Pun, trang phục. Qua đó đã góp phần bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc Chứt.

Với những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình, những "bà đỡ" BÐBP tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp đồng bào dân tộc Chứt ổn định cuộc sống, định cư lâu dài. Ðến nay, người dân đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hầu hết các tập tục lạc hậu đã được xóa bỏ. Người dân đã từng bước bắt nhịp với cuộc sống văn minh, hòa nhập với xã hội. Ðến bản Rào Tre hôm nay, các nhà mái lá dột nát trước đây đã được thay bằng các nhà gỗ, nhà bê-tông, mái ngói vững chắc. Người dân đã tự trồng được lúa nước, hoa màu. Cả bản có 90% số hộ có ti-vi, 15 hộ mua được xe máy, năm hộ có mô hình chăn nuôi lợn, bốn hộ có mô hình chăn nuôi bò, một hộ được công nhận thoát nghèo.

Việt Dũng (Hà Tĩnh)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/nguoi-tot-viec-tot/item/40759302-ba-do-cua-dong-bao-chut.html