Bà giáo của trẻ tự kỉ

Không làm giàu trên nỗi đau của người khác là điều mà bà Đỗ Thúy Lan luôn luôn tâm niệm và nó đã trở thành động lực để bà giúp những trẻ em gặp phải những điều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa ngày càng nỗ lực vươn lên hòa nhập cùng xã hội…

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, trong khi cả nước chưa có một trung tâm để đào tạo nuôi dạy những trẻ bị bệnh tự kỉ thì vẫn còn đó một người duy nhất ngày đêm thầm lặng tra cứu, tìm hiểu những phương pháp mới để giúp đỡ các em tiến bộ. Đó là bà Đỗ Thúy Lan, GĐ Trung tâm tư vấn, phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Nơi đây được xem là ngôi nhà chung của trẻ tự kỉ mà bà chính là “mẹ”. Suốt những năm tháng làm Phó GĐ BV Tâm thần ban ngày Mai Hương, tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt nên bà rất thương cảm mà muốn giúp đỡ phần nào cho các em. Trong suy nghĩ của mình, bà luôn trăn trở một nỗi niềm không nguôi đó là tại sao trẻ em bình thường, trẻ em khiếm thính, khiếm thị đều có môi trường giáo dục tử tế nhưng trẻ em tự kỉ thì không có và không có phương pháp nào tốt nhất để kìm hãm. Chính điều này, đã thôi thúc bà đi tìm cách giải quyết và đã có được câu trả lời thỏa đáng.

Với bác sĩ Đỗ Thúy Lan, việc giúp các trẻ em khuyết tật trí tuệ hòa nhập được với cộng đồng đã trở thành niềm vui và động lực sống.

Với bác sĩ Đỗ Thúy Lan, việc giúp các trẻ em khuyết tật trí tuệ hòa nhập được với cộng đồng đã trở thành niềm vui và động lực sống.

Với những thành tích đã đạt được trong BV, bà đã được cử sang Hà Lan học và được chứng kiến phương pháp tiếp cận và giúp đỡ trẻ em bị tự kỉ vào năm 1992. Từ đây, bà đã phát hiện ra được phương pháp y tế đối với bệnh nhân là không phù hợp, cần phải kết hợp với giáo dục.

Sau khi ở Hà Lan về, bà đã mở thí điểm trạm với 15 em có độ tuổi khác nhau về phương pháp can thiệp giáo dục, các em đa số là những trẻ phát hiện muộn. “Biết là sẽ khó khăn nhưng trời cho mình được hạnh phúc, mình phải cống hiến cho những người cần giúp đỡ và tôi chọn trẻ tự kỉ”, bà Lan chia sẻ.

Khó khăn nhất chính là nguồn lực, khi cả đất nước chưa có giáo viên được đào tạo quan tâm trẻ tự kỉ. Niềm hi vọng duy nhất le lói xuất hiện nhưng cũng tan biến khi khoa giáo dục đặc biệt của trường sư phạm ra đời nhưng không giành để đào tạo dạy trẻ tự kỉ. Bên cạnh đó, nhận thức của phụ huynh, của cộng đồng chưa đúng về trẻ tự kỉ. Họ xem con cái của họ không còn khả năng tiến bộ và đành chấp nhận số phận, coi như là duyên nghiệt của đời mình.

Vượt qua khó khăn đó, bà đã đứng ra đào tạo 3 giáo viên để chăm sóc cho khóa đầu tiên với 15 bệnh nhân đầu tiên. Đồng thời thuyết phục các bà mẹ cho con tham gia khóa đào tạo phần nào giúp trẻ tiến bộ.

Sau hai năm, với sự quan tâm, giúp đỡ từ chuyên gia Hà Lan, phương pháp can thiệp giáo dục đối với trẻ tự kỉ và khuyết tật trí tuệ đã đạt hiệu quả thông qua lớp thí điểm, nhiều em có tiến bộ rõ rệt. Cùng với niềm đam mê, nhu cầu của phụ huynh ngày càng cao, bà Lan đã xin mở Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai vào năm 1995.

Từ đây, niềm mơ ước cháy bỏng trong bà như được chắp cánh bay xa hơn. Làm “mẹ” của trẻ tự kỉ vừa là duyên, vừa là nghiệp của bà. Lúc mới lên ý tưởng xây dựng Trung tâm, bà phải đối mặt với muôn vàn khó khăn đặc biệt chính là sự phản đối của BV Tâm thần Hà Nội. Khi biết tin này, phụ huynh của trẻ gặp bà khóc lóc, cầu xin giúp đỡ.

Không thể đứng nhìn “người con” bơ vơ, không ai quan tâm đến, bà đã đến cầu cạnh Hội cứu trợ trẻ em tàn tật và được nhận được sự trợ giúp nhiệt tình. Để đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, bà đã thuê một căn nhà ở phố Đội Cấn, Hà Nội để mở lớp cho các em. Nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Mỹ, bạn bè gần xa, bà đã xin được mảnh đất 1.000m2 ở Nhân Chính, kinh phí để mở rộng quy mô trung tâm cùng trang thiết bị cần thiết.

Bà Lan cho biết: “Để thuận tiện cho các em làm quen và hoạt động hòa nhập, mỗi địa điểm trung tâm của tôi đều có 8 phòng trị liệu cá nhân, phòng phục hồi cá nhân, 18 phòng học, có bể bơi”. Số lượng học sinh ngày càng tăng lên theo thời gian. Bà chia sẻ: “Lúc mới thành lập, trung tâm nhận được rất nhiều sự tín nhiệm của đông đảo phụ huynh và học sinh, thậm chí còn phải xếp hàng để đăng kí”.

Với hơn 20 năm gắn bó với mái nhà tình thương, bà đã tiếp xúc với những người con với những hoàn cảnh đặc biệt. Năm nay, bà đã nhận trị liệu cho 5 gia đình có các cặp sinh đôi đều bị bệnh và gửi gắm hoàn toàn vào trung tâm.

Em Loan bị bệnh ở mức độ nặng nhưng gia đình không có điều kiện, đi khám nhưng không chấp nhận can thiệp. Như hiểu được tâm trạng, sự ngại ngần trong cư xử của gia đình, bà đã chủ động miễn giảm học phí, tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân. Đến nay, bệnh nhân đã được miễn giảm trong trung tâm 10 năm qua.

Chăm sóc trẻ tự kỉ là một việc không dễ và tình yêu thương từ những cô giáo trong Trung tâm Sao Mai đã làm được điều này. Dạy trẻ hòa nhập với môi trường mới, cách chào hỏi, những cử chỉ đơn giản nhất, kĩ năng sống… là những bài học đầu tiên trong mái nhà chung này.

Bên cạnh trung tâm, bà còn mở một quán cà phê mang tên Sao Mai, nhân viên trong quán chủ yếu là những bệnh nhân. Bà Lan cho biết: “Quán cà phê, cùng một máy photocopy hoạt động là nơi để các em có thể hòa nhập với cộng đồng, giúp trẻ chủ động chào hỏi, đếm tiền, phụ giúp công việc”.

Suốt cả cuộc đời gắn bó với bệnh nhân trong mái nhà chung đã đưa đến bà những cung bậc cảm xúc. Niềm vui lớn nhất của bà chính là hàng ngày được các “con” tíu tít gọi tên “mẹ”, tên bà, được nhìn các con ngày càng tiến bộ, biết nhận biết cuộc sống, biết gọi tên người thân. Khi đã ở độ tuổi cần được nghỉ ngơi thì bà vẫn đang trên đà tìm kiếm người kế tục sự nghiệp mà bà đã cố gắng xây dựng.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ba-giao-cua-tre-tu-ki-121857.html