Ba họ anh hùng (Khúc - Dương - Ngô) - (Kỳ 3)

Trân trọng giới thiệu tiếp tác phẩm của PGS TS Cao Văn Liên về chương VII ' BA HỌ ANH HÙNG (KHÚC - DƯƠNG -NGÔ)'- Tập I Tiểu thuyết Lịch sử 'Nghìn năm bất khuất' trong 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của NXB Hồng Đức-HN-2019.

Tranh Khúc Thừ Dụ dấy nghiệp khôi phục nền tự chủ. Nguồn: Internet

Kỳ 3.

Sau khi mọi người đã an tọa, Khúc Thừa Dụ nói:

-Nay chúng ta đã giành được chính quyền về tay người Việt, việc cốt tử nhất là phải bảo vệ củng cố vững chắc nền độc lập, tử chủ, muốn làm được như vậy phải cải cách, củng cố chính quyền để cho chính quyền thực sự là của người Việt, thực hiện một nền chính trị thân dân.

-Thứ nhất, nước là phải có chủ, người xưa đã nói nước một ngày không thể không có vua, tức là nước phải có người đứng đầu để điều hành đất nước, ra hiệu lệnh, pháp lệnh cho bách tính, cho quan lại các cấp. Chúng ta có thể xưng vương, xưng đế. Nhưng trong tình hình hiện nay, thực lực của ta chưa mạnh, đề phong nhà Đường đem quân đàn áp thì ta nghĩ chỉ nên xưng là Tiết độ sứ là một chức quan của nhà Đường để nhà Đường thừa nhận, tránh được nạn binh đao mà vẫn giữ được chủ quyền của đất nước.

-Thứ hai là phải cải cách bộ máy cai trị, bãi bỏ những quan chức từ Châu trở xuống huyện mà người Hán còn nắm giữ, cử các hào trưởng người Việt thay thế vào các chức vụ đó. Ở tất cả các cấp châu, huyện, giáp, xã, dù là người Việt nhưng nếu là quan tham nhũng, cường hào ác bá bóc lột bách tính thì cũng bãi miễn. Quan lại là người Việt nhưng phải có tài đức, phải tuyệt đối vì bách tính, vì nước và trung thành với Tiết độ sứ mới.

-Thứ ba là cử ngay một đoàn sứ bộ sang Lạc Dương đề đạt nhà Đường công nhận ta là Tiết độ sứ, chủ yếu là để hòa hảo về mặt ngoại giao. Nếu họ không công nhận thì quan hệ ngoại giao sẽ căng thẳng. Trong tình hình hiện nay của nhà Đường, họ không có khả năng dùng quân đội hộ tống một Tiết độ sứ người Hán sang áp đặt. Nhưng chúng ta không được chủ quan, phải chuẩn bị quân đội mạnh để sẵn sàng đối phó. Lưu ý ta muốn hòa bình, không muốn chiến tranh nhưng chiến tranh nổ ra hay không lại không thuộc ta.

-Đó là những chủ định của ta.Các tướng quân thấy thế nào?

Khúc Hạo nói:

-Thưa cha, kế sách của cha là vẹn toàn để xây dựng nền tự chủ, độc lập cho đất nước. Ngoài những kế sách đó con nghĩ không còn kế sách gì hay hơn trong tình hình hiện nay.

Dương Đình Nghệ tiếp lời Khúc Hạo:

-Nhà Đường hay bất cứ triều đại nào khác của Trung Quốc dù hưng thịnh hay đang suy yếu, dù lớn hay nhỏ thì không bao giờ họ muốn mất An Nam. Nhưng trong tình hình suy yếu hiện nay, nhà Đường dù muốn cũng không thể nào cắt cử được một Tiết độ sứ sang cai trị. Cho nên chúa công chỉ xưng là Tiết độ sứ khiến nhà Đường lầm tưởng An Nam đô hộ phủ vẫn còn thuộc Lạc Dương, điều đó có lợi cho ta, ta có thời gian xây dựng phát triển kinh tế quốc phòng, xây dựng chính quyền độc lập. Tôi chỉ xin chúa công cho giảm bớt sưu thuế, lao dịch đóng góp quá nặng nề thời Bắc thuộc, khoan dung cho dân được no ấm yên vui. Dân hoàn toàn tin theo chúa công thì cơ nghiệp nghìn năm sẽ bền vững, không sợ một thế lực ngoại bang nào.

Ngô Mân nói:

-Nên có cáo thị việc chúa công làm chức Tiết độ sứ và những quyết sách để quan chức thi hành và bách tính yên vui.

Tin Khúc Thừa Dụ, hào trưởng đất Hồng Châu nổi tiếng nhân từ nghĩa hiệp chiếm được thành Đại La, xưng là Tiết độ sứ và sẽ thi hành nhiều chính sách thân dân lan truyền khắp các châu, huyện trong An Nam đô hộ phủ làm bách tính An Nam hết sức vui mừng, các hào trưởng, các anh hùng hào kiệt, các quan chức các cấp từ châu trở xuống đều ủng hộ. Họ tin với con người tài năng, đại nghĩa đã nổi tiếng từ lâu sẽ mang lại độc lập tự chủ cho cho nước nhà, mang lại cuộc sống no ấm yên vui cho bách tính. Họ tin, họ Khúc sẽ mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho đất nước.

II

Tin Khúc Thừa Dụ chiếm thành Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ của An Nam Đô hộ phủ bay tới Lạc Dương, kinh đô nhà Đường. Đường Ai Đế liền thiết triều bàn công việc trọng đại này với quần thần vì nó liên quan đến việc mất còn của xứ thuộc địa quan trọng.

Triều Đường do Đường Cao Tổ Lý Uyên sáng lập năm 617 sau khi tiêu diệt nhà Tùy và khuất phục được các thế lực quân phiệt khác bằng quân sự. Trải qua ba thế kỷ hưng thịnh, vào thế kỷ thứ X, triều Đường đang bước vào buổi chiều tà xế bóng suy tàn. Quyền lực của Đường Chiêu Tông không còn gì, bị quyền thần Chu Ôn (Chu Toàn Trung) lấn át. Các thế lực quân phiệt đang cố gắng tách rời trung ương. Năm 904, Chu Ôn giết vua Đường Chiêu Tông, đưa Lý Chúc lên ngôi gọi là Đường Ai Đế. Trong buổi triều đình tàn tạ, các đại thần chỉ lo cho an toàn của bản thân và gia đình. Cho nên, trong buổi thiết triều của Đường Ai Đế diễn ra trong không khí căng thẳng lo lắng, tai bay vạ gió có thể đến bất cứ lúc nào. Thời buổi mà đồng lưu, đồng triều không thể tin nhau được, ngoài miệng ngọt ngào, trong bụng đầy gươm dao, nay còn là bạn mai đã là thù. Trong không khí im lặng thì có một thái giám bước vào:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có phái bộ của Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ xin vào yết kiến.

Cả triều đình nhà Đường sửng sốt ngạc nhiên. Người Việt vốn xưa nay ương ngạnh, bất khuất, đã giành được quyền độc lập là xưng vương như hai Trưng Nữ Vương, xưng đế như Lý Nam Đế. Nay Khúc Thừa Dụ chỉ xưng Tiết độ sứ, lại còn cho sứ bộ về chầu, quả là có đối sách và có gan. Đường Ai Đế hỏi quần thần, thực chất là hỏi quyền thần Chu Ôn xem hắn quyết định thế nào:

-Có cho phái bộ của An Nam đô hộ phủ vào không các ái khanh?

Chu Ôn bước ra:

- Thần xin bẩm tấu.

- Ái khanh cứ tâu trình.

- Thần cho rằng nên cho người của Khúc Thừa Dụ vào xem họ tấu trình như thế nào để triều đình ta rõ thêm tình hình An Nam.

Đường Ai Đế truyền chỉ:

-Chuẩn tấu, cho phái bộ của An Nam vào!

Phái bộ của An Nam gồm năm người đi sau quan thái giám tiến vào hành cung. Người đi sau quan thái giám mặc áo dài lụa đen, quần trắng, đội khăn thếp đen quấn nhiều vòng trên đầu theo trang phục của người An Nam. Người đó có dáng cao to, mặt vuông, mắt sáng, dáng cực kỳ nho nhã pha chút hùng dũng của võ quan. Bốn người đi sau đầu cũng buộc khăn thếp màu nâu, áo dài màu nâu và quần dài lụa nâu. Mấy chục con mắt của triều thần nhà Đường đổ dồn vào đoàn sứ bộ với trang phục hoàn toàn theo dân tộc Việt. Người buộc khăn đen, áo đen rất đàng hoàng đĩnh đạc cùng bốn người khác quỳ xuống và tâu:

-Bẩm hoàng thượng, thần Ngô Mân dẫn đầu phái bộ của Tiết độ sứ An Nam bái kiến, chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Đường Ai Đế nói:

-Miễn lễ!

Ngô Mân và bốn người khác cùng đứng dậy:

-Tạ ơn hoàng thượng.

Đường Ai Đế hỏi:

-Tại sao chúa công nhà ngươi là Khúc Thừa Dụ thừa dịp vô cớ đánh chiếm Đại La? Tại sao chưa được triều đình ta phong đã tự xưng là Tiết độ sứ. Muốn làm phản chăng?

Ngô Mân đáp:

-Muôn tâu chúa thượng, xứ Tĩnh Hải Quân của thần dù xa xôi nhưng lòng luôn hướng về Lạc Dương, trung thành với hoàng thượng. Nhưng sau khi Tiết độ sứ Độc cô Tổn bị triệu hồi, thành Đại La và xứ An Nam trở nên vô chủ, lâm vào tình trạng loạn lạc, rối ren, bách tính vô cùng lo sợ và điêu đứng. Chúa công thần là Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng tài năng và nhân nghĩa đã chủ động vào thành Đại La, trước hết là giữ yên bình cho bách tính, dẹp trừ loạn lạc, thứ hai là giữ bình yên cho giang sơn xã tắc, tránh cho trăm họ khỏi nạn binh đao. Như vậy chúa công thần là người có công với bách tính, sao gọi là tạo phản được. Nếu tạo phản thì chúa công thần đã xưng vương, xưng đế chứ sao lại chỉ xưng là Tiết độ sứ. Còn chưa nhận được sắc phong của hoàng thượng mà đã tự xưng Tiết độ sứ thì cũng do mục đích sớm yên dân, chỉ là phải có chức danh để sớm ổn định đất nước, để điều hành công việc, để quan viên và binh sĩ nghe lệnh mà chấp pháp. Đức Không Tử cũng đã nói:Có chính danh thì thì mới định phận đó sao? Nay chúng thần từ xa xôi tới đây, một là để tỏ tấm lòng trung, thứ hai là chúng thần sẽ nhận được sắc phong Tiết độ sứ của hoàng thượng cho chúa công tôi là Khúc Thừa Dụ, để chúa công tôi có danh chính ngôn thuận mà trông coi xứ An Nam cho hoàng thượng.Chúa công thần còn có tấu thư trình hoàng thượng để rõ tình hình hơn.

Ngô Mân chuyển tấu thư cho viên thái giám, thái giám chuyển dâng cho Đường Ai Đế. Đường Ai Đế mở thư đọc qua rồi đưa thái giám chuyển cho quyền thần Chu Ôn. Chu Ôn đọc thì lời lẽ trong thư Khúc Thừa Dụ viết giống như Ngô Mân đã tấu trình.Chu Ôn thừa biết đó là những lời lẽ ngoại giao thôi, còn hành động của Khúc Thừa Dụ là nhằm giành lại quyền độc lập tự chủ cho An Nam, nhằm thoát khỏi sự thống trị của các triều đại Trung Nguyên. Nếu bình thường thì phải đem quân trấn áp. Nhưng trong tình thế hiện nay của nhà Đường, của Chu Ôn thì không thể được. Vì cử một Tiết độ sứ người Hán sang thay Khúc Thừa Dụ thì phải đưa binh mã đi cùng, như vậy chắc chắn sẽ nổ ra chiến tranh Hán-Việt. Tình hình không cho phép đem binh mã ra ngoài vì Chu Ôn sắp cướp ngôi của Đường Ai Đế, lại còn phải đối phó với các thế lực quân phiệt trong nước đang hùng cứ các phương để chia cắt Trung Quốc thành nhiều nước. Thôi thì cứ phong cho Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ, giữ ổn định tình hình An Nam rồi sau sẽ liệu cũng chưa muộn.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-ho-anh-hung-khuc--duong--ngo---ky-3-74603