Ba họ anh hùng (Khúc - Dương - Ngô) - (Kỳ 9)

Trân trọng giới thiệu tiếp tác phẩm của PGS TS Cao Văn Liên về chương VII ' BA HỌ ANH HÙNG (KHÚC - DƯƠNG -NGÔ)'- Tập I Tiểu thuyết Lịch sử 'Nghìn năm bất khuất' trong 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của NXB Hồng Đức-HN-2019.

Dương Đình Nghệ chỉ huy quân công phá thành Đại La đánh đuổi quân xâm lược Nam Hán (Ảnh minh họa). Nguồn: baotanglichsu.vn

Kỳ 9.

Ngô Quyền dẫn một vạn quân đi tiếp lên phương Bắc. 2 vạn quân và 1000 dũng sĩ do Đinh Công Trứ chỉ huy bố trí mai phục hai bên sườn núi rừng rất hiểm trở trên đoạn đường dài khoảng 2 dặm chờ địch. Đi một dặm đường, quân Ngô Quyền đã trông thấy quân Nam Hán cờ vàng rợp trời, giữa các lá cờ ghi chữ Lưu- Nam Hán màu đen. Thấy quân Việt, quân Nam Hán dàn trận. Tướng Kiều Công Thuận xông ra quát:

-Giặc Trần Bảo ra đây chịu trói đi!

Trần Bảo thân hình cao lớn, mặc áo giáp đen, chiến bào màu xanh, đội mũ đâu mâu màu đồng, cưỡi ngưạ̣ màu nâu, sử dụng giáo dài xông ra và quát bằng tiếng Hán, không ai hiểu hắn nói gì. Hai ngựa xáp nhau, hai người vung dao và giáo chạm nhau tóe lửa. Quân sĩ reo hò, chiêng trống vang động rừng núi. Được 10 hiệp, Kiều Công Thuận núng thế quay ngựa chạy, Trần Bảo tế ngựa đuổi theo, 5 vạn quân Hán nhất tề xông lên đuổi theo quân Việt và ngày càng lọt vào con đường thiên lý nhỏ hẹp. Thốt nhiên hai bên rừng núi rậm rạp chiêng trống vang lừng. Quân của Ngô Quyền đang chạy quay lại, quân Việt mai phục bên sườn đồi, thấy quân Nam-Hán đã lọt vào trận địa liền trút những trận tên như mưa xuống quân giặc. Hàng nghìn quân Nam Hán gục xuống đường tắc nghẽn lối đi, máu chảy như suối. tiếp đó quân Việt ba bên lao vào chém giết, tiếng sắt thép chạm nhau khô khốc, tiếng reo hò và tiếng trống như sấm rền bão cuốn, thây quân Nam Hán tiếp tục đổ xuống. 5 vạn quân Nam Hán bị xé nát đội hình, tan tác. Trần Bảo cùng các tùy tướng mở đường máu mới chạy thoát về phía Bắc. Ngô Quyền đánh trống thu quân. Khoảng 3 vạn quân Nam Hán chết tại trận, phía quân Việt khoảng 2000 chiến sĩ đã hy sinh. Trời đã tối. Trần Bảo cho quân tụ họp ở một thung lũng không thành trì, không rào chắn dựng lều trại ăn uống nghỉ ngơi. Trần Bảo nói với các tùy tướng:

-Ta vừa thua xong, Ngô Quyền vừa thắng, khí thế đang lên, thế nào đêm nay cũng sẽ đến cướp trại quân ta, ta sẽ mai phục thế nào cũng bắt được Ngô Quyền.

Trần Bảo vẫn cho đốt đèn đuốc trong trại, để lại một ít quân, còn tất cả lui ra mai phục xung quanh lều trại chờ quân Việt.

Thám mã về báo cho Ngô Quyền và Đinh Công Trứ:

-Dạ, bẩm hai tướng quân, quân Nam Hán dồn hết vào thung lũng và hạ trại ăn uống nghỉ ngơi.

Đinh Công Trứ bảo Ngô Quyền:

-Quân Giặc vừa thua một trận còn choáng váng, đêm nay ta vào cướp trại chắc toàn thắng.

Ngô Quyền đáp:

-Trần Bảo là tướng mưu lược nên chắc đã có đề phòng, ta cứ cho 1000 dũng sĩ võ nghệ cao cường 1 địch 10 vào cướp trại, khi Trần Bảo đem quân mai phục xuống núi đánh các dũng sĩ của ta thì gần 3 vạn quân ta từ ngoài đánh vào, Trong đánh ra, ngoài đánh vào, phen này Thừa chỉ Trần Bảo chắc chết.

Đinh Công Trứ nói:

-Kế hay lắm.

Canh ba đêm đó, 1000 dũng sĩ im lìm vào doanh trại sáng đèn lửa của quân Nam Hán.Nhưng đó là doanh trại trống rỗng. Theo kinh nghiệm, 1000 dũng sĩ liền nằm xuống để tránh những trận mưa tên của quân mai phục. Sau những trận mưa tên thì những hồi trống nổi lên, gần 2 vạn quân Nam Hán ào ạt xông xuống chém giết. 1000 dũng sĩ vùng dậy quyết chiến. Đó là những dũng sĩ có võ nghệ phi thường, lại mặc áo giáp hai lần nên không hề bị thương tích, liền hăng hái chếm giết nên quân Nam Hán gục đổ như thân chuối trước những đường gươm như chớp, như mưa gió của họ. Quân Nam Hán đông như kiến có đang cố vây hãm để tiêu diệt họ. Thốt nhiên, thế trận quân Nam Hán rối loạn, Gần 3 vạn quân Việt từ bên ngoài đánh vào. Quân Nam Hán bị trong đánh ra , ngoài đánh vào rối loạn và chết như ngả rạ, thây chồng như núi, máu chảy thành suối. Quân giặc cố phá vòng vây nhưng không được. Trần Bảo đang cùng các tùy tướng cố mở đường máu để chạy, một dũng sĩ Việt dương cung cực mạnh bắn bừa vào một tướng trên đầu có lá cờ chữ Soái. Chính tướng đó là Trần Bảo.Đang tả xung hữu đột, Trần Bảo bị trúng tên vào mặt ngã lăn xuống đất. Gần sáng cuộc hỗn chiến kết thúc. Cả chiến dịch, 5 vạn quân Nam Hán và Tổng chỉ huy Thừa chỉ Trần Bảo và nhiều tùy tướng tử trận. Tin bại trận bay về làm chấn động Phiên Ngung. Vua Nam Hán Lưu Nghiễm vô cùng tức giận đã sai đem Khúc Thừa Mỹ, khi đó đang lưu đày ở Phiên Ngung ra giết chết. Giết xong Khúc Hậu Chủ, Lưu Nghiễm vẫn còn khiếp sợ, đến mức 7 năm sau không dám động binh gây hấn với người Việt.

VI

Tin tức Dương Đình Nghệ tiêu diệt Lý Khắc Chính, lấy lại thành Đại La, tiếp theo đó là tin Ngô Quyền và Đinh Công Trứ đánh bại quân cứu viện của Trần Bảo ở Kê Từ-Lạng Châu bay khắp cả nước làm bách tính, anh hùng hào kiệt, hào trưởng vô cùng vui mừng phấn khởi vì giành lại được quyền độc lập tự chủ, thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của phong kiến Trung Quốc hàng nghìn năm. Cờ vàng mang chữ Khúc-Dương bay khắp thành Đại La, bay khắp cả nước, từ Hợp Phố đến Hoan Châu. Dương Đình Nghệ cho quân đội và bách tính ăn mừng trong hai ngày.

Tại đại sảnh đường trong thành Đại La, công sở của Tiết độ sứ, Dương Đình Nghệ họp mặt các tướng lĩnh. Dương Đình Nghệ nói:-Mời các tướng quân cạn chén mừng thành Đại La và đất nước được giải phóng. Chúc mừng chiến công của tướng quân Đinh Công Trứ, Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Phạm Bạch Hổ và của các tướng sĩ quân đội Khúc- Dương.

Mọi người đứng dậy:

-Chúc mừng chúa công, chúc mừng Đinh tướng quân, Ngô Tướng quân, Dương tướng quân,Phạm tướng quân.

-Đa tạ, đa tạ.

Mọi người cạn ly trong không khí vui vẻ và an tọa. Phạm Bạch Hổ nói:

-Thưa chúa công, thưa các chư vị tướng quân, nay ta đã giành được độc lập. Đất nước một ngày không thể không có chủ. Kính mời chúa công nhận chức Tiết độ sứ, đất nước có người chủ để bách tính, các anh hùng hào kiệt yên lòng, còn là được tuân theo hiệu lệnh để xây dựng bảo vệ đất nước.

Dương Đình Nghệ nói:

-Đó là một công việc nên làm, nhưng năm 923 Khúc Hậu Chủ bị bắt, một số con cháu của ngài đã thoát được ra ngoài và về Ái Châu với ta như Khúc Thừa Cường. Ta nghĩ Khúc Thừa Cường nên ngồi vào ghế cha ông họ Khúc đã để lại để nối chí tiền nhân.

Mọi người nhìn Khúc Thừa Cường. Khúc Thừa Cường đứng dậy chắp tay thưa:

-Bẩm chúa công, thưa các chư vị tướng quân. Năm đó hoạn nạn, đa tạ chúa công đã bao dung nuôi dưỡng cả nhà mạt tướng vẹn toàn và trưởng thành cho đến ngày nay. Nhưng mạt tướng không thể ngồi vào chiếc ghế đầy trọng trách đó. Thứ nhất là mạt tướng bất tài và còn quá trẻ, không đủ tài đức gánh vác, thứ hai là phụ thân mạt tướng là người làm mất nước, thứ ba là đất nước này được khôi phục lại được là nhờ công lao của chúa công và các chư vị, mạt tướng không có công lao gì. Xin đa tạ chúa công đã cưu mang gia đình mạt tướng trong cơn hoạn nạn, nay lại còn nhớ tới họ Khúc. Nhưng mạt tướng thực ra không đủ tài đức ở vào chức vụ quá sức như vậy, e sẽ làm tổn hại đến quốc gia.Mong chúa công nghĩ lại.

Đinh Công Trứ nói;

-Khúc Thừa Cường nói phải lắm, công việc đứng đầu quốc gia là một trọng trách quá nặng nề, khó nhọc, phải đủ tài đức, nhiều kinh nghiệm, lại phải được anh hùng hào kiệt, quan chức các cấp và bách tính tín nhiệm, tâm phục khẩu phục, uy đức vang xa bốn biển, vua chúa phương Bắc nghe phải khâm phục nể sợ. Nay chúa công là người tài đức, uy vũ vang bốn phương, bách tính đều mong muốn, xin chúa công đừng từ chối nữa.

Các tùy tướng đều đồng thanh:

-Mong chúa công ngồi vào ghế Tiết độ sứ vì đất nước, vì bách tính, vì lê dân.

Dương Đình Nghệ đứng dây:

- Đa tạ các tướng quân đã tín nhiệm, thôi thì vì đất nước, vì lê dân ta không thể thoái thác.

Mọi người đứng dậy chắp tay:

-Xin chúc mừng Tiết độ sứ chúa công.

Dương Đình Nghệ đáp lễ:

-Đa tạ, đa tạ các chư vị tướng quân.

Rồi Dương Đình Nghệ nói tiếp:

-Để phát triển kinh tế, mang lại đời sống ấm no cho bách tính, chúng ta vẫn phải tiếp tục những chính sách của Khúc Tiên chủ và Khúc Trung Chủ, sửa đổi lại chế độ tô, thuế và lao dịch cho nhẹ gánh cho dân. Về quản lý, vẫn duy trì sổ hộ khẩu giao cho Trưởng giáp trông coi để quản dân và thu thuế, củng cố lại hệ thống quan chức nhà nước để phát huy hiệu quả của các cấp chính quyền, nhất là đơn vị giáp và xã. Sử dụng người tài đức vào bộ máy nhà nước, kiên quyết chống tham quan ô lại. Chính trị vẫn khoan dung giản dị đối với lê dân để dân được no ấm, yên vui. Quân sư Phạm Bạch hổ và những tùy tùng ở phủ Tiết độ sứ phải viết thành pháp lệnh để thông báo cho quan và dân thực hiện.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-ho-anh-hung-khuc--duong--ngo---ky-9-74711