Bà Hoàng Thị Hợi cần được hưởng chế độ thân nhân liệt sĩ

Thông tin có một người vợ liệt sĩ tên Hoàng Thị Hợi, thôn Đồng Phú, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên mấy chục năm qua chưa được hưởng bất cứ một chế độ gì của Nhà nước đã khiến tôi đau đáu. Để có trả lời câu hỏi, chúng tôi về Việt Thành để tìm hiểu sự việc.

Nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ xã Việt Thành - nơi khắc tên liệt sĩ Bùi Đức Hân.

Xã Việt Thành, huyện Trấn Yên là vùng quê giàu truyền thống cách mạng với lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ và anh dũng chiến đấu trong các cuộc kháng chiến. Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Việt Thành khang trang, to đẹp giữa cánh đồng làng là nơi ghi danh 53 liệt sĩ.

Thông tin có một người vợ liệt sĩ tên Hoàng Thị Hợi, thôn Đồng Phú, mấy chục năm qua chưa được hưởng bất cứ một chế độ gì của Nhà nước đã khiến tôi đau đáu. Để có trả lời câu hỏi, chúng tôi về Việt Thành để tìm hiểu sự việc.

Bà Hợi đã ngoài 60 tuổi, bị thoát vị đĩa đệm, đi lại rất khó khăn. Bà mở đầu câu chuyện: Tôi người bên xã Quy Mông. Tháng 6/1976, tôi lấy nhà tôi, anh Bùi Đức Hân rồi về làm dâu bên Việt Thành này. Lấy nhau được khoảng 2 năm, tức ngày 8/4/1978 thì chồng tôi nhập ngũ. 5 ngày sau khi chồng tôi lên biên giới, tôi sinh hạ được con gái đầu lòng, cháu tên Hạnh, giờ làm cô giáo dạy Văn trên huyện Mù Cang Chải.

Tháng 10/1977, khi chồng tôi chưa vào bộ đội, cha mẹ chồng có dựng cho chúng tôi nếp nhà để hai vợ chồng ra ở riêng. Nhà làm trên thửa đất của cha mẹ chồng, cũng ở rất gần nhau thôi. Thế rồi ngày 23/2/1979, chồng tôi hy sinh. Sang năm 1980, xã đến nhà tôi ở làm lễ truy điệu, buổi lễ diễn ra ngắn gọn nhưng mọi người đều xúc động và tiếc thương người đã hy sinh. Chồng mất khi tôi còn quá trẻ, cuộc sống cực kỳ khó khăn.

Đặc biệt, sau khi chồng tôi hy sinh, em chú tôi xây dựng gia đình, mẹ chồng tôi đã lấy lại ngôi nhà để cho vợ chồng chú thím ở. Hoàn cảnh quá cơ cực, rồi cuộc sống đưa đẩy, tôi đã sinh thêm 2 đứa con với người đàn ông khác. Cũng từ đây, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu càng lớn hơn. Tiếp đó, tôi vào khu đồi hoang vắng này làm túp lều để ở, nuôi con được hơn 5 tuổi thì mẹ chồng đón về. Vì tình mẫu tử, tôi không bỏ con, vẫn thăm nuôi dù không được đầy đủ. Tất cả các chế độ gia đình liệt sĩ, từ đó đến nay tôi không được hưởng bất cứ thứ gì.

"Vậy gia đình mình có làm đơn hay đi hỏi ở đâu không?” - chúng tôi đặt câu hỏi và được chị Trần Thị Thơm (con của bà Hợi) trả lời rằng: "Em đã thay mặt mẹ làm đơn ra xã hai lần nhưng cán bộ làm công tác lao động và thương bình - xã hội ở xã đều trả lời không có cơ sở để giải quyết”.

Bà Hoàng Thị Hợi.

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với chị Bùi Thị Hạnh - người con duy nhất của liệt sĩ Bùi Đức Hân. Buổi trò chuyện diễn ra khá cởi mở.

Qua câu chuyện với chị Hạnh, chúng tôi được biết, mẹ và em gái cùng mẹ, khác cha của Hạnh đã đề đạt nhiều lần về việc làm thủ tục để bà Hợi được hưởng chế độ vợ liệt sĩ. Tuy nhiên, Hạnh đã không nhất trí. Theo cô, nguyên nhân là bởi những người họ hàng bên nhà nội và bản thân Hạnh cũng cho rằng "Bà Hoàng Thị Hợi không xứng đáng là vợ liệt sĩ!”.

Quan điểm của chúng tôi là: Bà Hoàng Thị Hợi phải được hưởng chế độ vợ liệt sĩ! Thực tế, bà Hợi chưa kết hôn thêm một lần nào nữa và chưa sinh sống với bất kỳ người đàn ông nào kể từ khi chồng hy sinh, cho dù bà Hợi đã có thêm 2 người con. Việc xem xét trường hợp bà Hoàng Thị Hợi là người vợ liệt sĩ đã tái giá để áp dụng chính sách của Nhà nước đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá theo Khoản 10, Điều 6, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cũng chưa hoàn toàn đúng, bởi như đã nói ở trên, kể từ khi chồng chết, bà Hợi chưa đăng ký kết hôn với ai, chưa sống như vợ chồng với bất kỳ người đàn ông nào.

Thiết nghĩ, vấn đề giải quyết chế độ cho bà Hoàng Thị Hợi phụ thuộc vào ý chí của con gái duy nhất của liệt sĩ Bùi Đức Hân và những người thân trong gia đình nội tộc liệt sĩ Bùi Đức Hân. Mong rằng, ngành lao động - thương binh và xã hội, UBND huyện Trấn Yên cần xem xét lại sự việc một cách thấu đáo, vận dụng các chính sách và quy định hiện hành để cho bà Hoàng Thị Hợi được hưởng chế độ hàng tháng.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 quy định tại:

- Khoản 2, Điều 3, thân nhân của người có công với cách mạng, gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

- Điều 16, chế độ ưu đãi đối với thân nhân của liệt sĩ, gồm:

1. Cấp "Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” theo quy định của Chính phủ.

2. Trợ cấp tuất một lần khi truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công”; trường hợp không còn thân nhân thì người thừa kế của liệt sĩ giữ Bằng "Tổ quốc ghi công” được hưởng trợ cấp tuất một lần.

3. Trợ cấp tuất hằng tháng đối với những người sau đây:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, con liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, người có công nuôi liệt sĩ; trường hợp có nhiều liệt sĩ thì theo các mức thân nhân của hai liệt sĩ, thân nhân của ba liệt sĩ trở lên;

b) Vợ hoặc chồng liệt sĩ.

4. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng liệt sĩ quy định tại khoản 3 Điều này sống cô đơn, con liệt sĩ quy định tại khoản 3 Điều này mồ côi cả cha mẹ thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

5. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con duy nhất là liệt sĩ hoặc có hai con liệt sĩ trở lên thì được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.

6. Bảo hiểm y tế đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ.

7. Chế độ ưu đãi quy định tại các điểm d, đ, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này.

8. Chế độ ưu đãi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này đối với thân nhân của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

9. Hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ.

10. Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống thì hưởng chế độ ưu đãi như sau:

a) Trợ cấp tuất hằng tháng;

b) Bảo hiểm y tế.

11. Trợ cấp một lần đối với thân nhân với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng hiện hưởng khi đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết, trừ trường hợp đối tượng quy định tại khoản 10 Điều này chết.

12. Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng khi đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết, trừ trường hợp đối tượng quy định tại khoản 10 Điều này chết.

Lê Phiên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/298266/ba-hoang-thi-hoi-can-duoc-huong-che-do-than-nhan-liet-si.aspx