Ba Lan chỉ trích EU áp 'tiêu chuẩn kép' với các nước thành viên

Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi ​EU bác bỏ văn bản giải thích của Ba Lan về những cải cách hệ thống tư pháp tại nước này.

Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ba Lan vừa lên tiếng chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) về "những tiêu chuẩn kép" mà khối này áp dụng đối với các nước thành viên.

Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi EU bác bỏ văn bản giải thích của Ba Lan về những cải cách hệ thống tư pháp tại nước này.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 21/3, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz nhấn mạnh không gì có thể làm tổn thương ý tưởng hội nhập châu Âu hơn là 3 vấn đề gồm sự bất bình đẳng thực tế của các quốc gia thành viên trước pháp luật, việc sử dụng các tiêu chuẩn kép và việc Ủy ban châu Âu (EC) không còn giữ vai trò bảo vệ khách quan đối với các hiệp ước.

Lấy dẫn chứng tại một số nước thành viên EU, như Tây Ban Nha và Đức, các chính trị gia cũng đóng vai trò lựa chọn một số thẩm phán, Ngoại trưởng Czaputowicz cho rằng việc cải cách hệ thống tư pháp của Ba Lan là cần thiết nhằm cải thiện, nâng cao tính hiệu quả và minh bạch của hệ thống tòa án nước này.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hôm 20/3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết nước này đã gửi văn bản giải thích cặn kẽ về kế hoạch cải cách tư pháp, cũng như giải đáp mọi ý kiến phản đối của EC, song Ủy ban này đã bác bỏ văn bản trên khi cho rằng các đề xuất cải cách của Vácsava đe dọa nền dân chủ.

Trước đó, EU từng cảnh báo có thể sẽ áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon, theo đó tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại EC, nếu quốc gia này không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của EU.

Mặc dù vậy, khả năng này khó xảy ra vì đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả chính phủ các nước thành viên EU, trong khi Hungary cam kết sẽ bỏ phiếu phủ quyết bất kỳ hành động nào chống Ba Lan.

Hồi tháng 7/2017, Nghị viện Ba Lan đã đề xuất một dự thảo cải tổ hệ thống tư pháp, khẳng định cuộc cải cách này là cần thiết để tăng tính hiệu quả của tòa án.

EC cho rằng hành động của cơ quan lập pháp Ba Lan không chỉ vi phạm các nguyên tắc của EU mà còn tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp nước này gây ảnh hưởng và thậm chí là can thiệp vào cơ cấu tổ chức, thẩm quyền cũng như hoạt động chuyên môn của cơ quan tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ba-lan-chi-trich-eu-ap-tieu-chuan-kep-voi-cac-nuoc-thanh-vien/493495.vnp